01/08/2018 13:50 GMT+7

Hoài nghi bao trùm Triều Tiên

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Quá trình đàm phán tháo gỡ khúc mắc giữa Triều Tiên và các nước liên quan đang gặp bất lợi, sau khi tình báo Mỹ cho rằng Bình Nhưỡng tiếp tục chương trình tên lửa.

Hoài nghi bao trùm Triều Tiên - Ảnh 1.

Ảnh vệ tinh chụp khu vực sản xuất tên lửa Sanumdong ở Triều Tiên ngày 29-7 - Ảnh: REUTERS

Trong khi Mỹ - Triều vẫn chưa thống nhất các bước đi cụ thể từ cam kết phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, Bình Nhưỡng lại âm thầm chế tạo thêm hai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) với tầm bắn đủ sát thương cho nước Mỹ?

Triều Tiên có sai?

Thông tin do báo Washington Post đưa hôm 30-7 (giờ Mỹ) quả thực khiến những người kỳ vọng vào hòa bình trên bán đảo Triều Tiên lo ngại. Theo đó, các quan chức Triều Tiên đã thảo luận về một tuyên bố giả, rằng mình đã hủy 20 đơn vị vũ khí.

Dẫn lời các cơ quan tình báo và quan chức giấu tên ở Mỹ, bản tin trên cũng cho rằng có dấu hiệu Triều Tiên đang tiếp tục chế tạo ít nhất một hoặc có khả năng là hai ICBM. 

Báo cáo ấy gồm hình ảnh vệ tinh chụp trong những tuần gần đây, cho thấy việc chế tạo đang diễn ra ở ngay cơ sở Triều Tiên sản xuất tên lửa ICBM đầu tiên mang tên Hwasong-15 tại Sanumdong, ngoại ô thủ đô Bình Nhưỡng.

Nhìn thoáng qua, Triều Tiên có vẻ đang "vi phạm" cam kết mà lãnh đạo Kim Jong Un đã đưa ra trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12-6 tại Singapore. 

Việc Triều Tiên vận hành lò phản ứng hạt nhân và phát triển tên lửa đạn đạo, nếu có, rõ ràng có thể xem như tín hiệu thiếu lạc quan cho bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào.

Nhưng dường như Bình Nhưỡng không sai kể cả khi họ làm vậy. Trước tiên là thực tế rằng Mỹ và Triều Tiên chưa hề chốt các kế hoạch giải trừ hạt nhân, chưa hề ký kết chính thức, nên không hề có sự ràng buộc nào trong hành động của hai bên. 

Nói như ông Vipin Narang, chuyên gia về Triều Tiên và là giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học MIT (Mỹ), thì "tại Singapore tôi chưa bao giờ nghe những từ ngữ nào đề cập việc ‘chúng tôi sẽ đơn phương giải trừ vũ khí’ cả".

Mặc dù vậy, điểm then chốt thứ hai là nghi ngờ cho rằng Triều Tiên đang "cố gắng đánh lừa Mỹ" về quy mô hạt nhân. Rõ ràng điều này sẽ khiến Mỹ không hài lòng, do không đáp ứng yếu tố "kiểm chứng" trong khái niệm từ bỏ vũ khí hạt nhân phải là một cam kết "hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược" mà chính quyền ông Trump mong muốn. 

Vết nứt trong bức tranh đẹp

Sau những tín hiệu lạc quan từ các cuộc gặp giữa ông Kim Jong Un với lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc, sắp tới giới quan sát kỳ vọng vào việc lãnh đạo Triều Tiên sẽ tiếp tục con đường hòa bình với Nhật Bản. Nhưng các diễn biến mới dĩ nhiên đang đe dọa viễn cảnh này.

Cuối tuần qua, Triều Tiên đã chỉ trích Nhật về kế hoạch triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa Aegis Ashore tại Akita và Yamaguchi. Báo Rodong Shinmun của Triều Tiên khẳng định "Nhật Bản đang cố gắng cản trở quá trình nối lại quan hệ và giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên".

Thông tin của Đài ABC ngày 31-7 cho hay Nhật Bản đã rút các đơn vị chống tên lửa mà nước này triển khai năm ngoái, khi các quan chức Nhật cảm thấy mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên đã giảm. 

Theo Đài NHK, từ tháng 8 và tháng 9-2017, Nhật đã triển khai hệ thống phòng không Patriot Advanced Cabability-3 (PAC-3), trong bối cảnh Triều Tiên hai lần phóng tên lửa đạn đạo vượt qua lãnh thổ Nhật.

Lẽ dĩ nhiên, đó đáng ra đã là một tín hiệu tốt cho đàm phán Nhật Bản - Triều Tiên, cho đến khi thông tin về Triều Tiên phát triển ICBM lại nổ ra. Chưa kể, nó cũng ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Ngay trong ngày

31-7, Triều - Hàn đã có cuộc gặp bàn về quân sự ở làng Bàn Môn Điếm, thuộc khu phi quân sự ở giới tuyến chia cách hai nước.

60 Trong một báo cáo đề ngày 28-7, Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ ước tính Triều Tiên đang sở hữu khoảng 60 đơn vị vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, báo cáo hôm 30-7 cho biết tình báo Mỹ đã điều chỉnh ước tính này cao lên.

Ông Trump công bố nội dung lá thư của chủ tịch Triều Tiên Ông Trump công bố nội dung lá thư của chủ tịch Triều Tiên

TTO - Ngày 12-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại tỏ ra lạc quan về nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên khi ông đăng một dòng tweet hiếm thấy trên phương diện ngoại giao về lá thư từ Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên