08/07/2018 14:41 GMT+7

Chưa gỡ được nút thắt Triều Tiên

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Chuyến đi đến Triều Tiên mới đây của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo được đánh giá rất quan trọng trong câu chuyện phi hạt nhân hóa. Nhưng đã xuất hiện những lo ngại về khả năng thành công.

Chưa gỡ được nút thắt Triều Tiên - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Phó chủ tịch Ủy ban trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong Chol - Ảnh: Reuters

Ông Pompeo kết thúc chuyến thăm và làm việc hai ngày ở Bình Nhưỡng hôm 7-7, sau những cuộc đàm phán với đại diện Triều Tiên Kim Yong Chol - 72 tuổi, phó chủ tịch Ủy ban trung ương Đảng Lao động Triều Tiên.

Cần làm rõ một số thứ

Chuyến đi của ông Pompeo không mang mục đích gì khác nổi bật hơn nhiệm vụ chốt hạ các điều khoản đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Kể từ khi cánh cửa đàm phán mở ra từ cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tháng trước, hai bên bước vào giai đoạn cụ thể hóa, tìm định nghĩa cho cái gọi là "phi hạt nhân hóa".

Trong ngày 6-7, ông Pompeo đã gặp ông Kim Yong Chol gần ba tiếng và tiếp sau đó là buổi ăn tối kéo dài. Khi hai bên gặp nhau lần nữa vào buổi sáng hôm sau, ông Kim Yong Chol hỏi ông Pompeo liệu ngoại trưởng Mỹ... ngủ có ngon không.

Hai nhân vật cấp cao này đồng ý với nhau rằng hai bên đã có một buổi thảo luận nghiêm túc, đề cập những vấn đề quan trọng nhất.

Phần việc quan trọng hơn nữa diễn ra hôm 7-7, thời điểm những chi tiết tiếp theo sẽ được bàn thảo để "làm rõ". Khi ông Kim nói rằng "tất nhiên các vấn đề đã bàn đều rất quan trọng, còn nhiều thứ tôi cần làm rõ" thì ông Pompeo cũng đáp: "Tôi cũng phải làm rõ một số thứ".

Tại cuộc gặp, ông Pompeo và ông Kim Yong Chol cũng thống nhất xây dựng một nhóm làm việc có sự tham gia của đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim.

Công việc của chúng ta là tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn, xây dựng mối quan hệ giữa hai nước, điều đó rất quan trọng cho một Triều Tiên tươi sáng hơn

Ngoại trưởng Mỹ MIKE POMPEO nói với ông KIM YONG CHOL

Chưa thấy đột phá

Giới quan sát nhìn nhận rằng phía Mỹ đang rục rịch thay đổi cách tiếp cận với Triều Tiên theo hướng mềm mỏng hơn. Và với cách làm này, có thể tiến trình phi hạt nhân hóa sẽ không diễn ra nhanh như kỳ vọng.

Phát biểu với phóng viên ngày 7-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert không dùng cụm từ "phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược", thay vào đó mở đường cho cụm từ mới là phi hạt nhân hóa "sau cùng, được kiểm chứng đầy đủ", truyền thông Mỹ cho hay.

Đây là cụm từ ông Pompeo cũng sử dụng trên Twitter ngày 6-7.

Trước lo ngại về thái độ nhún nhường của Mỹ, bà Nauert khẳng định chính sách của Mỹ không hề thay đổi, nhưng từ chối đề cập câu hỏi tại sao không sử dụng cụm từ cũ.

"Kỳ vọng của chúng tôi chính xác là những gì Tổng thống (Trump) và ông Kim Jong Un thống nhất tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore, và đó là việc phi hạt nhân hóa của Triều Tiên. Còn nhiều thứ khó khăn phải giải quyết.

Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ việc này dễ dàng, vậy nên việc nghiên cứu, tham vấn vẫn tiếp tục".

Trả lời chương trình “Sáng nay trên CBS” của Đài CBS (Mỹ), cựu phó và quyền giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Michael Morrell nhận định về tình hình đàm phán như sau:

“Một là Triều Tiên phải công bố khả năng hạt nhân của mình. Số lượng vũ khí, vị trí của chúng, vật liệu phân hạch mà họ có, các cơ sở sản xuất hiện đang ở đâu, các nhà khoa học nghiên cứu hạt nhân đang ở đâu, bao nhiêu người...

Sau đó phải có cuộc đàm phán làm thế nào để giải trừ toàn bộ các yếu tố ấy. Phần cuối cùng là làm sao để kiểm chứng được mọi thứ đang tiến triển, liệu họ có cam kết không và đảm bảo không có tiểu xảo gì ở đây”.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên