12/08/2024 10:51 GMT+7

Thu nhập bao nhiêu mới trụ nổi ở thành phố - Kỳ cuối: Quản lý tiền bạc, giữ động lực lập nghiệp

YẾN TRINH
và 1 tác giả khác

Sống nơi thành phố đất chật người đông, lương 10 triệu hay 100 triệu đồng cũng sẽ thiếu hay đủ tùy nhu cầu mỗi người. Theo các chuyên gia, việc quản trị tài chính cá nhân là rất quan trọng.

Thu nhập bao nhiêu mới trụ nổi ở thành phố - Kỳ cuối: Quản lý tiền bạc, giữ động lực lập nghiệp- Ảnh 1.

Nhiều người ngoại tỉnh nhờ siêng năng và chi tiêu tiết kiệm đã trụ vững ở thành phố - Ảnh: MẠNH DŨNG

Thói quen xài tiền nhiều hơn thu nhập

"Việc quản lý cân đối giữa thu và chi hay nói rộng ra là giữa giá trị tạo ra và lợi ích hưởng thụ luôn là bài toán căn bản và cần thiết" - chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến, chủ tịch TriTri.world, chia sẻ.

Theo ông, ở các nước phát triển việc quản lý tài chính này được rèn luyện thực tiễn từ gia đình đến nhà trường ngay từ thời học về cộng trừ nhân chia.

Việc này rất quan trọng. Nếu vận dụng thường xuyên để cân đối thu chi, cân đối giữa giá trị tạo ra và lợi ích thụ hưởng sẽ giúp ta không chỉ vượt khó mà còn tạo ra sự giàu có cũng như tiềm lực vững bền của cá nhân và gia đình.

Ông Chiến cho biết: "Hiểu đơn giản, quản trị tài chính là quản trị và cân đối các khoản thu nhập, doanh thu, các nguồn có được và chi phí các loại cần thiết. Các khoản này phân chia theo thời gian sẽ có hai dòng tiền vào và ra".

Việc cần thiết và đơn giản nhất là cá nhân, gia đình, tổ chức phải đảm bảo được thu nhiều hơn chi, thu trước chi sau.

Đồng thời ta phải phong phú hóa được nguồn thu chủ động, thụ động, thường xuyên, đột xuất và quản trị tối ưu các khoản chi để tránh các khoản chi phí hay càng "chi" càng "phí".

Như vậy, chúng ta không bị thiếu trước hụt sau, chủ động và tối ưu dòng tiền, có tích lũy và tích lũy hiệu quả.

Tuy nhiên thực tế, ông Nguyễn Duy Chuyền - nhà sáng lập Doctor Housing (đơn vị chuyên tư vấn bất động sản, tài chính) - cho biết rất nhiều bạn trẻ đang xài tiền một cách không kiểm soát và chưa biết cách quản lý tài chính cá nhân.

Theo ông Chuyền, hiện trạng dễ thấy nhất là các bạn trẻ thường có thói quen xài tiền nhiều hơn thu nhập của mình.

Nguyên nhân sâu xa là do mạng xã hội. Trên các nền tảng ấy, người ta thường khoe ra những gì tốt đẹp, thậm chí là phô trương, từ đó làm cho mọi người nổi lên tính ganh tị nhau. Khi thấy người khác có xe đẹp, quần áo đẹp, mình cũng muốn mua cho bằng được để đạt được sự hào nhoáng bên ngoài.

"Trớ trêu là những người thu nhập không đủ nhưng chạy theo xu hướng cũng tìm mọi cách cho giống bạn giống bè. Từ đó dẫn đến việc các bạn trẻ làm bao nhiêu xài cũng hết, thậm chí âm so với mức thu nhập của mình", ông Chuyền phân tích.

Ngoài ra, một lý do nữa là do chi tiêu bất hợp lý nên làm bao nhiêu cũng sẽ không đủ đối với những người có thói quen tiêu xài hoang phí, không lên kế hoạch rõ ràng. Đừng nói 40 triệu đồng, 100 triệu mỗi tháng cũng chưa chắc đủ.

Học cách lên kế hoạch và quản lý chi tiêu

Để quản lý chi tiêu sẽ có nhiều cách. Ông Chuyền gợi ý một phương pháp hiệu quả là liệt kê khoản thu chi mỗi tháng.

Ví dụ, tiền nhà, điện, nước, ăn uống… được xem là những khoản cố định, không thể tiết kiệm được. Các bạn trẻ cần phải định mức, sau đó phân bổ tiền vào khoản cố định này dù có xài hết tiền cũng không lo "bị đói".

"Tiền còn lại, bạn trẻ cần ngắt ra ngoài tách bạch và phân bổ hợp lý thành nhiều khoản thứ yếu khác như cà phê, mua sắm, đi chơi… Tuy nhiên, ta phải dành một phần trong số đó để đầu tư, như chứng khoán, mua vàng hoặc bất cứ tài sản tích sản nào", ông chia sẻ.

Ngoài ra, theo ông Chuyền, bạn trẻ đừng nên để tiền quá nhiều trong tài khoản ngân hàng, vì lâu ngày sẽ trở thành tiền nhàn rỗi, khó lòng dư được.

Để duy trì thói quen chi tiêu này một cách lâu dài rất khó. Ông Chuyền chia sẻ rằng điều này phụ thuộc từng trường hợp và động lực tiết kiệm của mỗi người. Nhưng quan trọng nhất, ta phải hình thành thói quen biết lập kế hoạch, ít ra khi đó cũng sẽ không xài quá đà.

"Ngoài ra, bạn trẻ cần đặt mục tiêu, định hướng nào đó rồi ghi giấy hoặc lưu vào điện thoại. Mỗi khi nhìn thấy, nó như một lời nhắc nhở rằng phải chi tiêu một cách hợp lý để sớm ngày đạt được mục tiêu", ông cho biết.

Nếu khó quá, bạn trẻ có thể áp dụng vay hoặc trả góp mua những tài sản tích trữ (không phải tiêu sản). Điều đó giúp bạn trẻ mỗi tháng phải đều đặn trích một số tiền. Nó giống với việc đang đầu tư tích lũy vì giá trị của tài sản tích trữ sẽ không bị hao hụt.

Cần biết quản lý tài chính và nỗ lực làm việc để đạt sự nghiệp bền vững ở thành phố - Ảnh: MẠNH DŨNG

Cần biết quản lý tài chính và nỗ lực làm việc để đạt sự nghiệp bền vững ở thành phố - Ảnh: MẠNH DŨNG

Giữ tinh thần, ý chí lập nghiệp

Không thể tồn tại nơi thành phố áp lực mà thiếu một tinh thần, ý chí lập thân, lập nghiệp một cách vững chãi.

Theo chuyên gia Lý Trường Chiến, bạn trẻ cần giữ vững niềm tin rằng quy luật của cuộc sống và của tự nhiên là cân bằng. Mọi điều tốt đẹp cần có sự suy nghĩ kỹ và hành động kiên trì. Sau mưa bão trời sẽ sáng đẹp.

"Nếu hôm nay khó, ngày mai khổ, ngày mốt thiếu… nhưng khi ta nghiêm cẩn làm việc đúng - đủ - đều thì tuần sau hay tháng tới sẽ đạt kết quả. Tiếp tục giữ vững niềm tin, liên tục hoàn thiện thì điều tốt đẹp thậm chí kỳ diệu sẽ đến. Đúng bởi tư duy, đủ do hành động, đều là ý chí. Nên cần có cả ba điều", ông Chiến chia sẻ.

Tiếp theo là sự chịu được áp lực. Người bản lĩnh là người vượt qua nhiều thử thách. Tính chuyên nghiệp chỉ đạt sau quá trình rèn luyện vượt khó để cùng làm một việc, ta có thể có kết quả nhanh hơn, nhiều hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn nhiều người khác. Chỉ khi đủ bản lĩnh và chuyên nghiệp ta mới có sức hấp dẫn.

Và theo ông Chiến, bản chất của tự nhiên là thay đổi, tạo ra vấn đề. Vấn đề nào cũng có giải pháp (hơn thế nữa có nhiều giải pháp), nhưng giải pháp nào rồi cũng sẽ có vấn đề. Nhiệm vụ của ta là liên tục quan sát phát hiện vấn đề, tư duy tích cực và thảo luận tìm ra được giải pháp thông minh.

"Một quy luật khác, đó là việc từ bỏ thói quen hay môi trường thân thuộc để đến môi trường mới và hội nhập thành công là không dễ dàng. Người đầu tiên hay thế hệ đầu tiên quyết định và thực hiện việc thay đổi này sẽ phải chịu nhiều vất vả nhất và trả giá đắt nhất, nhưng kết quả đạt được sau đó cũng là xứng đáng nhất", ông nhắn nhủ.

Bên cạnh đó, bạn trẻ cần luôn tư duy, hành động tích cực, hướng đến trao giá trị bằng năng lực của mình. Dù là làm việc bằng cơ bắp, bằng tư duy hay phối hợp cả hai thì đều đáng trân trọng. Giá trị sẽ tăng cao khi sản phẩm dịch vụ có những sáng tạo đổi mới cần thiết để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Làm được những điều này chắc chắn sẽ thành công.

Với trường hợp bạn trẻ thu nhập thấp hơn thường mang mình ra so sánh người khác để tạo động lực, theo ông Nguyễn Duy Chuyền, đây cũng là một phương pháp. Nhưng bạn trẻ nên nhớ rằng năng lực con người có giới hạn.

Khả năng tạo ra thu nhập còn tùy thuộc vào lĩnh vực đang làm chứ không thể so sánh với số đông. Giá trị ngành nghề của mỗi người khác nhau, đây là khoảng cách rất khó vượt qua vì nó thuộc về sự lựa chọn ban đầu của mỗi người.

"Các bạn trẻ cũng cần lưu ý chúng ta so sánh để tạo ra động lực cho bản thân chứ không phải chuyển hẳn sang lĩnh vực của người ta. Không phải cứ thấy người khác làm lương cao là mình phải đặt mục tiêu cao hệt như vậy", ông Chuyền cho biết.

* Nhiều người nói rằng thu nhập tăng không kịp đà tăng giá cả thị trường. Theo ông, làm sao để các bạn trẻ thu hẹp được khoảng cách này?

- Điều này thì không phải ai cũng giống ai. Có nhiều bạn lương không cao, mức độ tăng thu nhập không bằng đà tăng vật giá thị trường nhưng cũng có một số bạn mức lương cao ngất, hơn hẳn đà tăng thị trường. Điều đó phụ thuộc vào năng lực, ngành nghề và sự lựa chọn ban đầu của các bạn.

Còn về cách thu hẹp khoảng cách thì ai cũng giống ai, cần phải có phương án tích lũy chi tiêu. Nếu bạn lương thấp thì có thể tìm thêm nguồn thu nhập thứ hai, ba và tìm cách đầu tư những khoản tiền nhàn rỗi của mình.

Trường hợp công việc tốn nhiều thời gian, áp lực nhưng thu nhập cứ mãi giậm chân tại chỗ thì chúng ta nên cân nhắc đến việc tìm một công việc khác ổn định và có thu nhập cao hơn. Nhưng nếu đưa đến quyết định đổi việc thì cần phải cân nhắc thật kỹ.

Thu nhập bao nhiêu mới trụ nổi ở thành phố - Kỳ 6: Tiêu 10 triệu cũng đủ, vài chục triệu cũng thiếuThu nhập bao nhiêu mới trụ nổi ở thành phố - Kỳ 6: Tiêu 10 triệu cũng đủ, vài chục triệu cũng thiếu

Thành phố đất chật người đông. Những bạn trẻ chúng tôi tiếp xúc chia sẻ rằng thu nhập đủ để trụ lại thành phố hay không chủ yếu là do mình.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên