Tối 12-9, truyền thông Nga đưa tin ông Kim Jong Un đã đến vùng Primorsky của Nga bằng tàu hỏa và gặp giới chức Nga, sau đó dự kiến gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cuộc gặp này được giới quan sát kỳ vọng sẽ đánh dấu cột mốc của nhiều thay đổi trong quan hệ Nga - Triều cũng như chính trị quốc tế.
Sẽ bàn về vũ khí?
Ông Kim đã khởi hành trên chiếc xe lửa quen thuộc từ ngày 10-9. Như thường lệ, Triều Tiên không thông tin về địa điểm và thời gian ông tới Nga. Trong cuộc họp báo ngày 12-9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng chỉ xác nhận việc lãnh đạo Triều Tiên thăm Nga, gặp Tổng thống Putin ở "vùng Viễn Đông", thay vì chính xác là TP Vladivostok hay một địa điểm khác như truyền thông quốc tế đồn đoán.
Giới quan sát phương Tây đặc biệt theo sát chuyến đi của ông Kim lần này vì nhiều lý do. Một trong những chi tiết được quan tâm nhất là các thảo luận liên quan tới quốc phòng.
Quan hệ Triều Tiên - Nga đã chứng kiến những kết quả tích cực thời gian qua, trong đó có việc thắt chặt hợp tác quốc phòng. Hồi tháng 6, ông Kim từng tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác chiến lược với Matxcơva - điều khiến phía Mỹ lo ngại Triều Tiên đang lên kế hoạch cấp thêm thiết bị quân sự cho Nga.
Tuần trước Chính phủ Mỹ khẳng định các cuộc đàm phán vũ khí giữa Triều Tiên và Nga đang "phát triển tích cực", và những thảo luận tiếp theo có thể tập trung vào nỗ lực tìm nguồn cung vũ khí mới của Nga nhằm bổ sung sức mạnh cho "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine. Hàn Quốc cũng đang giám sát chặt chẽ khả năng Triều Tiên và Nga đàm phán vũ khí và chuyển giao công nghệ.
Nhìn chung giới phân tích phương Tây cho rằng Nga và Triều Tiên có thể đàm phán về một số vấn đề liên quan vũ khí. Cụ thể, kênh NBC News dẫn lời một số chuyên gia nói nhiều khả năng Nga sẽ nhờ Triều Tiên cung cấp đạn pháo và đổi lại, Matxcơva sẽ hỗ trợ Bình Nhưỡng thực phẩm và năng lượng.
Trong các thỏa thuận tiềm năng với Tổng thống Nga Putin, nhà lãnh đạo Kim Jong Un cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của Nga về công nghệ tiên tiến, phát triển tàu ngầm, tên lửa đạn đạo và vệ tinh, theo GS Leif-Eric Easley (Đại học Ewha, Seoul, Hàn Quốc). Dù vậy, ông Easley cũng lưu ý khả năng Nga khó chấp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến nếu chỉ để đổi lấy số đạn pháo nói trên.
Bước đi mới của ông Kim
Nỗi lo về vấn đề vũ khí của phương Tây gia tăng khi Hãng tin Nga Interfax cho biết ông Kim cũng có kế hoạch gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.
Thực tế trong mắt phương Tây, kể cả khi Triều Tiên cấp vũ khí cho Nga, chuyện này vẫn không ảnh hưởng lớn tới xung đột ở Ukraine. Cũng như ông Easley, một số nhà phân tích hiện đánh giá thấp khả năng Nga chuyển giao công nghệ cho Triều Tiên. Điều họ lo nhất là viễn cảnh Triều Tiên sẽ tranh thủ nguồn lực kinh tế từ việc bán vũ khí và viện trợ của Nga để tiếp tục theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân.
Tuy vậy về mặt chiến lược, chuyến đi lần này của ông Kim có thể phản ánh sự thay đổi đáng chú ý trong chính sách đối ngoại của Bình Nhưỡng.
Điều khiến nhiều người ngạc nhiên là ông Kim đã chọn Nga, thay vì Trung Quốc, làm địa điểm công tác nước ngoài đầu tiên sau ba năm Triều Tiên đóng cửa chống dịch COVID-19. Reuters dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng chi tiết này phản ánh nỗ lực cân bằng quan hệ giữa Triều Tiên với hai nước láng giềng hùng mạnh.
Theo nhà nghiên cứu Artyom Lukin (Đại học Liên bang Viễn Đông, Nga), Triều Tiên cơ bản tự lập, tự chủ, không dựa vào một đồng minh cụ thể nào.
Từ những năm đầu ông Kim cầm quyền cách đây một thập niên, quan hệ giữa Triều Tiên và Nga, Trung Quốc khá lạnh nhạt. Ông Kim gần như không xuất ngoại, trong khi Matxcơva và Bắc Kinh cũng tuân thủ một phần lệnh trừng phạt quốc tế áp lên Triều Tiên.
Tới giai đoạn 2018-2019, ông Kim phát đi một số tín hiệu gợi lên hy vọng hòa giải với Hàn Quốc và Mỹ khi gặp lãnh đạo hai nước lúc đó là tổng thống Moon Jae In và tổng thống Donald Trump.
Hiện nay, sau đại dịch, ông Kim cũng tái khởi động các chương trình ngoại giao, trong đó thân thiện với cả đồng minh số 1 Trung Quốc lẫn Nga. Nói cách khác, Bình Nhưỡng đang tận dụng sự thay đổi lớn trong bức tranh chính trị thế giới để mở rộng hợp tác theo cách thực dụng và tự chủ, mà Nga chính là một người bạn cũ đang mang tới lựa chọn mới.
Viễn Đông và lợi ích chiến lược của Nga
Tổng thống Nga cho biết chính phủ của ông sẽ không cho phép tốc độ phát triển ở vùng Viễn Đông chậm lại vì đây là khu vực chiến lược của họ.
"Chúng tôi chắc chắn sẽ không giảm tốc độ phát triển ở khu vực đó, bởi vì sự phát triển của Viễn Đông là ưu tiên tuyệt đối của Nga, ưu tiên trực tiếp của toàn bộ nước Nga trong toàn bộ thế kỷ 21, bởi vì đây là khu vực khổng lồ với dân số ít nhưng tiềm năng to lớn. Tất nhiên, đây là lợi ích chiến lược của đất nước", ông Putin phát biểu tại Diễn đàn kinh tế phương Đông (diễn ra tại Vladivostok từ ngày 10 đến 13-9).
Ông Putin nhấn mạnh việc "không chỉ là giữ lấy khu vực này mà còn phát triển nó và khai thác nguồn tài nguyên tại đây để mang lại lợi ích" cho Nga.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận