21/05/2017 11:09 GMT+7

Theo dòng sông Ba - Kỳ cuối: 'Sai lầm thế kỷ'

HUỲNH VĂN MỸ - 
BẢO TRUNG
HUỲNH VĂN MỸ - 
BẢO TRUNG

TTO - “Thủy điện An Khê - Kanak trên sông Ba là công trình sai lầm thế kỷ” - đó là phát biểu của ông Huỳnh Thành, nguyên đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, tại diễn đàn Quốc hội đầu tháng 4-2016.

Đoạn sông Ba ở cầu An Khê (thị xã An Khê, Gia Lai) trên quốc lộ 19 trơ đáy vì bị thủy điện An Khê - Kanak chuyển nước qua sông Côn của tỉnh Bình Định để phát điện tiếp - Ảnh: HUỲNH VĂN MỸ
Đoạn sông Ba ở cầu An Khê (thị xã An Khê, Gia Lai) trên quốc lộ 19 trơ đáy vì bị thủy điện An Khê - Kanak chuyển nước qua sông Côn của tỉnh Bình Định để phát điện tiếp - Ảnh: HUỲNH VĂN MỸ

Công trình thủy điện này đã bức tử một lưu vực quan trọng của sông Ba từ thị xã An Khê đến các huyện Kông Chro, Ia Pa, Ayun Pa, Krông Pa (Gia Lai) đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến tận sông Đà Rằng, tỉnh Phú Yên.

“Năm 2016 lũ vượt qua cầu sông Ba, tràn qua quốc lộ 19 đến hai tấc, kéo dài hai ngày mới rút hết. Thấy xe máy, tủ lạnh, trâu bò trôi ngang đây mà khiếp. Tui sống ở đây trên 50 năm, chưa thấy đợt lũ nào ghê gớm như vậy

Nhà thơ Quốc Thành ở An Khê

Hậu quả nhãn tiền

Theo ông Huỳnh Thành thì cả thế giới không ai làm thủy điện kiểu này. “Ai lại dám chặn dòng chuyển nước từ dòng sông này đổ qua dòng sông khác.

Cụ thể là họ chuyển nước từ sông Ba đổ về sông Côn (Bình Định) và biến khúc sông Ba từ thị xã An Khê về hạ lưu thành một dòng sông chết.

Việc chặn dòng trái quy luật tự nhiên gây ra hậu quả rất lớn về môi trường sinh thái.

Hậu quả nhãn tiền, mùa hè thì hạn hán khốc liệt còn mùa mưa thì xả lũ kinh hoàng, đó là sai lầm thế kỷ, đâu dễ khắc phục” - ông Huỳnh Thành nói.

Cái gì trái quy luật tự nhiên đều phải trả giá đắt. Trận lũ lịch sử giữa tháng 11-2013 đã gây thiệt hại kinh hoàng cho toàn vùng hạ du sông Ba.

Chính giám đốc thủy điện An Khê - Kanak, ông Võ Lũy, thời điểm ấy cho biết hơn 30.000m3 đất, cát, đá sỏi theo cơn lũ đã vùi lấp nhà máy thủy điện này cùng các hạng mục công trình. Nhà máy phải dừng hoạt động.

Ông Trịnh Duy Thuân - hiện là bí thư Thành ủy Pleiku (Gia Lai), năm ấy đang giữ chức bí thư thị xã An Khê - nhớ lại: “Cho tới giờ, đã bốn năm trôi qua nhưng hàng triệu người dân cả vùng Gia Lai, Bình Định, Phú Yên vẫn chưa quên trận lũ kinh hoàng năm ấy.

Thủy điện An Khê - Kanak xả lũ ồ ạt, thị xã An Khê bị cô lập hoàn toàn bốn hướng. Phía trên quốc lộ 19 thì cầu An Khê độc đạo bị ngập sâu 1,2m, phía dưới đèo An Khê xuống Bình Định bị tắc do sạt lở sáu điểm trên đèo.

Đường vào huyện Kông Chro ngập 1,8m. Đường ra huyện K'Bang ngập 1,4m. Đó là đêm sợ hãi kinh hoàng, không sơ tán kịp. Mà sơ tán thì biết đưa dân đi đâu? Chỉ còn cách kêu gọi dân leo lên những khu đất cao và những dãy nhà cao tầng chờ lũ rút”...

Trâu, bò, gà, vịt... rồi hàng ngàn hecta mía, mì, cây trái hoa màu trù phú ven sông Ba chuẩn bị thu hoạch đón tết đã bị cuốn phăng trong dòng lũ xiết.

Cuối năm ấy, hàng ngàn hộ nông dân vùng An Khê, Kông Chro, Ia Pa, Ayun Pa, Krông Pa đón một cái tết xơ xác, tiêu điều.

Bị ngăn dòng cho thủy điện Đăk S’Rông, đoạn sông Ba ở cuối thị trấn Kon Chro chỉ còn rất ít nước, trơ dòng với đá là đá
Bị ngăn dòng cho thủy điện Đăk S’Rông, đoạn sông Ba ở cuối thị trấn Kon Chro chỉ còn rất ít nước, trơ dòng với đá là đá

Di chứng kéo dài

Đây cũng là nỗi khổ của cư dân sông Ba vùng Kông Chro - một huyện nằm dưới K’Bang, An Khê. Chủ tịch UBND xã Yang Nam - Đinh Đêi bức xúc: “Từ ngày có thủy điện An Khê - Kanak thì mùa nắng hạn sông Ba coi như không còn, vì nước sông Ba ở đó đã bị đưa về sông Côn gần hết.

Thời chưa có cái thủy điện đó, nhất là khoảng năm 1990 trở về trước, thì vào mùa khô nước sông Ba ở Kông Chro vẫn mênh mông. Nay dân mình làm bí làm ớt phải nối ống thật dài mới tưới được. Nhưng khi hạn gắt thì sông tắt luôn, không còn nước tưới”.

Trưởng Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Ia Pa Trần Văn Hùng cho rằng tình trạng nước sông Ba suy kiệt vào mùa khô hạn gây hệ lụy lớn cho địa phương này. Ia Pa có trên 1.200ha đất trồng lúa hai vụ/năm, 900ha đất trồng thuốc lá vàng, 500ha đất trồng đậu, bắp, rau...

Tất cả đều dựa vào nguồn nước tưới từ sông Ba, trong đó phần lớn là do các trạm bơm điện cung cấp, phần còn lại là từ các giếng khoan dọc theo các bãi ở thềm sông Ba.

“Mấy năm nay các trạm bơm dọc sông Ba vào mùa hạn gắt chúng tôi đều phải cho đào sâu thêm bể hút, nối ống sâu xuống, gây trễ nải cho việc cứu lúa.

Như trạm bơm Chư Mố 3 nay vẫn chưa cải tạo được. Ia Pa có hơn 30.000 cư dân sống trên hạ lưu sông Ba, hầu hết là người Jarai. Nếu mực nước sông Ba cứ cạn kiệt vào mùa khô như mấy năm nay, không biết rồi cuộc sống của bà con mai này sẽ ra sao...” - ông Hùng than thở.

Mối hệ lụy lớn đối với cư dân ven sông Ba những năm gần đây chính là việc xả lũ từ nhà máy thủy điện. Hiện tượng lũ chồng lũ liên tục lặp lại do các hồ thủy điện xả lũ. Thiệt hại không tính hết được.

Chánh văn phòng UBND huyện K’Bang Lê Duy Kiên nói: “Mấy ngày gần đây bà con cứ đến hỏi han, khiếu nại về việc đền bù, hỗ trợ cho những thiệt hại trong mấy trận lũ mà họ cho là do thủy điện Kanak xả lũ gây nên.

Đến nay, giữa huyện với Công ty Thủy điện An Khê - Kanak vẫn chưa thống nhất về mức thiệt hại, chưa có hỗ trợ gì cho bà con”.

Phó chủ tịch Rờ Ô Aluin của xã Ia Broăi nói: “Xã Ia Broăi mình khổ sở vì lũ, vì xả lũ miết. Buồn lắm!”. Ia Broăi là xã cuối của huyện Ia Pa nằm dọc sông Ba. Trận lũ hồi đầu tháng 11-2009 có trên 500 con bò của dân xã này bị cuốn trôi xuống tận các xã ở huyện Krông Pa.

Ông Ngô Thành - nguyên phó bí thư Tỉnh ủy Gia Lai - cho rằng giải pháp căn cơ nhất, thích đáng nhất để giải “bài toán” thủy điện An Khê - Kanak là phải mạnh dạn cắt bỏ hệ thống thủy điện này để trả nước lại cho sông Ba dù mất một số vốn đã bỏ ra nhưng lại được cái lợi lâu dài, bền vững cho môi trường, cho cuộc sống của hàng triệu người trong lưu vực.

Ông nói: “Quy hoạch, xây dựng thủy điện, thủy lợi trên sông Ba từ Kanak đến Sông Ba Hạ không sai nếu chỉ ở quy mô vừa phải, có công suất vừa phải, để vừa giữ nước, điều tiết nước vừa làm ra điện nhưng phải trả nước lại cho sông.

Nhưng thủy điện An Khê - Kanak lại mắc sai lầm lớn là làm điện xong lại đưa nước xuống sông Côn ở tỉnh Bình Định để phát điện tiếp nữa. Vì coi phát điện là mục đích chính, coi nhẹ môi trường nên những hậu quả tai hại đã xảy ra...”.

- Bị ngăn dòng cho thủy điện Đăk S’Rông, đoạn sông Ba ở cuối thị trấn Kông Chro chỉ còn rất ít nước, trơ dòng với đá là đá.

- Đoạn sông Ba ở cầu An Khê (thị xã An Khê) trên QL19 trơ đáy vì bị thủy điện An Khê - Kanak chuyển nước qua sông Côn của tỉnh Bình Định để phát điện tiếp.

Không chỉ thiếu nước mà còn ô nhiễm

Nước thải ở ba nhà máy đường, tinh bột sắn, ván ép MDF ở An Khê thải ra đã làm sông Ba đoạn này bị ô nhiễm khiến người dân không dám dùng nước của Nhà máy nước An Khê.

Ở thị xã Ayun Pa người dân cũng khốn khổ vì nước sông Ba ô nhiễm do chất thải từ các nhà máy đường, tinh bột sắn.

“Thấy nước sông Ba bẩn nên trên đang xây nhà máy nước mới để lấy nước sông Bờ thay thế” - anh Trần Đình Khoa ở Ayun Pa cho biết.

Sông Ba kiệt nước và ô nhiễm đã làm nguồn cá trên sông suy giảm, có loại gần như mất hẳn. Nhiều làng chài ven sông Ba ở hai huyện An Khê và Ayun Pa phải lần lượt bỏ nghề.

Kỳ 1: Nơi đầu nguồn con nước 

Kỳ 2: Bến nước và hạt gạo 

Kỳ 3: Tặng vật của sông Ba 

Kỳ 4Những đứa con của sông Ba 

Kỳ 5: Báu vật Đồng Cam

 

HUỲNH VĂN MỸ - 
BẢO TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên