18/05/2017 10:31 GMT+7

Tặng vật của sông Ba

HUỲNH VĂN MỸ - BẢO TRUNG
HUỲNH VĂN MỸ - BẢO TRUNG

TTO - An Khê - thảo nguyên mênh mông của sông Ba ở vùng cận thượng nguồn là nơi những người miền xuôi đến khai khẩn, mở ra sự sống chung giữa người miền xuôi và miền ngược từ rất sớm.

*** Error ***
Một ngôi làng trù phú nằm ven sông Ba - Ảnh H.V.M.

Chính nhờ vậy mà Tây Sơn tam kiệt - Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ - đã chọn vùng đất trù phú nằm theo sông Ba dài hơn 50km này để đặt căn cứ tiền khởi nghĩa.

Thảo nguyên trù phú

Trải mình qua những lũng sâu vực thẳm giữa núi rừng trập trùng ở đoạn thượng nguồn, khi đến An Khê - một thị xã cao nguyên ở phía đông bắc của tỉnh Gia Lai tiếp giáp với miền xuôi, sông Ba đã mang hình vóc của một dòng sông lớn.

Cầu Sông Ba bắc qua quốc lộ 19 ở An Khê là cây cầu kiên cố đầu tiên được người Pháp cho xây dựng ở đoạn sông Ba cận thượng nguồn này.

Từ cầu Sông Ba nhìn ra bốn phía thấy dòng sông ở đây như một cánh cửa mở ra một châu thổ cao nguyên, bao gồm cả An Khê và hơn phân nửa đất đai phía nam huyện K’Bang.

Và An Khê, theo những người ở thị xã này cho hay, trước đây là một huyện, trong đó gồm cả các huyện K’Bang, Đắk Pơ hiện nay. An Khê trù phú chính là món hồi môn, là tặng vật đầu tiên mà sông Ba trao tặng cư dân của nó khi dòng sông đến đây bắt đầu một dòng chảy phóng khoáng, bỏ lại phía sau những vực - ghềnh hiểm trở nơi thượng nguồn.

Và những ai từ vùng duyên hải, đồng bằng của tỉnh Bình Định, khi vượt khỏi con đèo An Khê dài, đẹp với cảnh quan hùng vĩ như một dấu nối, một cái bắt tay giữa Trường Sơn - Tây Nguyên với đồng bằng, sẽ rất ngỡ ngàng trước một thảo nguyên rộng bên một dòng sông lớn giữa vùng cao.

Cũng tại An Khê mới đây, các cuộc khai quật khảo cổ đã cho thấy có dấu tích rất sớm của người tiền sử.

Những ruộng đồng, biền bãi phì nhiêu của vùng đất này được bồi tụ bởi phù sa của sông Ba. “Đất đai ở đây tốt, lại lấy được nước sông hay khoan giếng bên bờ sông tưới nên năng suất cây lúa cây mía khá cao...” - già làng Ba Na Đinh Đi (ở làng Lợk) cho biết.

Ngày trước, khi thủy điện An Khê - Kanak chưa ngăn dòng, quanh năm sông Ba chảy ngang qua vùng đất An Khê luôn đầy ắp nước.

Lòng sông rộng, nước sạch, trong vắt, nơi mỗi chiều trên khắp các bến sông người ta gánh nước về làng nấu ăn, tắm giặt, những trảng cỏ quanh năm xanh mượt, dài tít tắp tạo nên những thảo nguyên hai bên bờ là một vùng đất bao la, màu mỡ, phì nhiêu và trù phú nhờ canh tác nông nghiệp và chăn thả đại gia súc.

An Khê có gần 10.000 ha đất nông nghiệp, chủ yếu trồng mía (khoảng 4.000 ha), trồng lúa (2.800 ha), còn lại là diện tích các loại rau xanh, hoa màu khác.

Đất đai lưu vực sông Ba màu mỡ nên năng suất mía tại đây đạt tới 100 tấn/ha, cao hơn từ 25-30 tấn/ha so với các vùng đất phía dưới đèo An khê thuộc Bình Định. Tương tự năng suất cây mía là bắp, mì và các loại đậu ở An Khê có năng suất rất cao.

Nguồn nước tưới như vô tận và phù sa bồi đắp đều đặn hằng năm hai bờ của dòng sông đã ban tặng cho An Khê những điều kiện quá nhiều thuận lợi để sớm trở thành một vùng thảo nguyên trù phú nhất nhì ở phía đông Trường Sơn. Nhờ vậy, suốt hàng chục năm thời bao cấp, An Khê là địa chỉ cung cấp lương thực cho các địa phương khác ở Gia Lai và cho Bình Định.

Cho tới bây giờ, ngoài các sản phẩm nói trên, riêng các loại rau xanh, củ quả thì An Khê vẫn là nguồn cung cấp chính cho các tỉnh duyên hải miền Trung quanh năm.

*** Error ***
Cầu Sông Ba bắc ngang dòng sông Ba chảy giữa thị xã An Khê - Ảnh: H.V.M.

Vùng đất cộng sinh

Chỉ cách Bình Định một đoạn đèo An Khê hơn 10km, nên những cư dân người Kinh đầu tiên từ đồng bằng lên đây khẩn hoang lập ấp không có cảm giác xa cách quê nhà. Những con đường xuyên đèo dốc từ Bình Định dẫn đến vùng châu thổ cao nguyên với những buôn làng Ba Na rải rác bên sông Ba này được mở ra từ sớm để khởi đầu việc chung sống giữa người miền xuôi và miền ngược.

Vùng An Khê tức Tây Sơn thượng đạo trước là ấp Tây Sơn, là nơi tổ bốn đời của Tây Sơn tam kiệt đến khai lập.

Đọc lại những dòng lịch sử của Nhà Tây Sơn khi đến các xã Nghĩa An, xã Đông của K’Bang và các xã Cửu An, Xuân An của An Khê thấy người Kinh cùng người Ba Na sống rất thuận thảo bên nhau. Người Kinh đã đến An Khê mở đất lập làng, cùng chung sống với người Ba Na rất sớm.

Có lẽ đất đai phì nhiêu, rộng rãi, nguồn lâm - thổ sản dồi dào, bên sông bên núi đã buộc bước chân của những người đi khai khẩn phải dừng lại nơi này.

Hơn 200 năm đã qua, cư dân Ba Na trong vùng vẫn còn giữ chuyện kể về Bok Nhạc (Nguyễn Nhạc) lấy bà Ya Đố của người Ba Na làm vợ. Bà Ya Đố với tước phong Cô Hầu, cách gọi ngôi vị vợ thứ của Thái Đức hoàng đế Nguyễn Nhạc.

Chủ tịch UBND xã Yang Nam Đinh Đêi cho biết: “Ở Yang Nam còn cái kho tiền, cái giếng nước, cái nền nhà của Bok Nhạc, nay là di tích quốc gia. Cán bộ mình luôn nhắc dân phải giữ gìn những cái di tích này...”

Từ những móng nền của cuộc mở đất, của cuộc cộng cư người dân hai miền xuôi - ngược, An Khê đã sớm trở thành vùng đất phát triển nơi cửa ngõ đông bắc của đại cao nguyên Gia Lai.

“Từ thời Pháp thuộc, rồi đến thời tiếp theo An Khê đã là nơi thị tứ, thị trấn có đông người ở, rất phát đạt. Đến thời đất nước hòa bình, An Khê lại càng nhanh phát triển. Năm bảy năm trở lại đây An Khê đã thành thị xã, là đô thị cấp 4. Nhìn nay nhớ xưa, thấy biết ơn những lớp người đã sớm đến đây mở đất, mở ra sự kết đoàn giữa hai miền xuôi - ngược...” - một người dân cố cựu ở An Khê, nhà thơ Quốc Thành bày tỏ.

Không chỉ cung cấp nước tưới và bồi đắp phù sa, sông Ba còn cung cấp nguồn cá đá ngon tuyệt của vùng đất này. Nếu Sê San, Sêrêpôk có cá lăng, sông Trà nổi tiếng cá bống, sông Côn có cá niên thì sông Ba có cá đá. Tất nhiên, sông Ba khá phong phú nhiều loại cá ngon như cá roái, cá phá, cá nhao, cá chình bông, nhưng ngon nhất vẫn là cá đá.

Vừa giống cá bống vừa giống cá lúi ở đồng bằng, nhưng cá đá sông Ba do ở gần thượng nguồn, nhiều ghềnh thác nên thịt cá đá rất săn và thơm. An Khê tới giờ vẫn còn dấu tích một số làng chài ở An Xuyên ngay bên bờ sông, trong lòng thị xã.

>> Kỳ tới: Những đứa con của sông Ba

Kỳ 1: Nơi đầu nguồn con nước

Kỳ 2: Bến nước và hạt gạo

HUỲNH VĂN MỸ - BẢO TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên