20/05/2017 10:00 GMT+7

Theo dòng sông Ba - Kỳ 5: Báu vật Đồng Cam

 HUỲNH VĂN MỸ
HUỲNH VĂN MỸ

TTO - Vượt hơn 300km về vùng hạ du, trước khi ra biển, sông Ba đã trở thành báu vật cho một vùng cư dân cả triệu người khi đập Đồng Cam được Pháp xây dựng để lấy nước tưới cho những cánh đồng khô hạn.

Cư dân Mơ-nâm làng Kon Plong ở đầu nguồn Đăk Păk của sông Ba chuyên làm lúa nước, giữ rừng đầu nguồn rất tốt - Ảnh: H.V.M.
Cư dân Mơ-nâm làng Kon Plong ở đầu nguồn Đăk Păk của sông Ba chuyên làm lúa nước, giữ rừng đầu nguồn rất tốt - Ảnh: H.V.M.

“Chúng ta xây dựng (đập Đồng Cam) với một trình độ khoa học kỹ thuật cùng chủ trương cũ của người Chăm với kỹ năng dẫn nước và chinh phục nước rất đáng thán phục

Toàn quyền Đông Dương Pasquier

Con đập kỳ tích

Hơn 80 năm trôi qua khi con đập được coi là thành quả kinh tế nông nghiệp lớn nhất mà chính quyền thực dân Pháp đã làm được ở miền Nam Trung Bộ, người dân Phú Yên vẫn tự hào khi nhắc đến nó.

Báo cáo về xây dựng đập Đồng Cam từ Sở Thủy nông Đông Dương cho biết công trình này là công lao khổ nhọc của các nhà khoa học, các kỹ thuật viên và đáng nói là của một lượng nhân công người Việt khổng lồ.

Vì sao có đập Đồng Cam? Nhà nghiên cứu Trần Sĩ Huệ giải thích: “Vì người Pháp thấy cái đồng bằng Tuy Hòa nằm sát con đường lớn của Phú Yên quá rộng lớn nhưng người dân vùng này cứ mãi thiếu đói hạt gạo ăn, trong khi nước sông Đà Rằng (tên gọi sông Ba chảy qua Tuy Hòa) lại không được tận dụng. Không đói sao được khi năng suất ở châu thổ Đà Rằng lúc ấy chỉ có 800kg thóc/ha/vụ?”.

Với quy mô xây một con đập lớn đủ tưới cho hàng vạn hecta ruộng, lại chặn dòng một sông lớn như sông Ba phải có nguồn kinh phí lớn.

Những toan tính xây đập trên sông Ba của Phú Yên được người Pháp hoạch định từ năm 1890 nhưng phải đợi đến năm 1923 mới thực hiện được theo thiết kế của kỹ sư trưởng Lefèvre.

“Người Pháp phải bỏ ra đến 3.651.000 đồng bạc Đông Dương để xây đập Đồng Cam, chưa kể những khoản chi phí cho khảo sát ban đầu, chi phí cho nhân viên, công chức...” - ông Huệ cho biết.

Để thi công cùng lúc vừa đập chính - dài đến 680m trên dòng sông, vừa hai kênh chính Nam và chính Bắc 68km cùng 16 kênh phụ và mương ở hai kênh này với chiều dài 97km cùng các cống vượt qua đường, qua suối chủ yếu dựa vào thủ công cả là một kỳ tích.

Con đập kỳ vĩ có thể đo được, nhưng sẽ không đo được sức lực, mồ hôi nước mắt của con người đổ ra để xây lên nó lúc ấy.

Trong thời gian xây dựng cao điểm (năm 1924-1929), mỗi ngày trên công trường có đến 1.200 nhân công. Những giai đoạn cần tranh thủ làm tối đa mỗi ngày có đến 1.800 - 5.000 người trên công trường.

Để con đập được hoàn thành, đã có nhiều người Việt đã nằm xuống. Trong báo cáo về đập Đồng Cam của người Pháp có ghi tai nạn làm 49 công nhân chết vì lật đò, 2 người chết đuối khi đắp đê tạm, 1 người chết vì bắn đá.

Người Pháp đã xây miếu thờ, lập bia khắc tên những người đã chết vì xả thân cho đập Đồng Cam.

Bia kỷ niệm khắc bằng chữ Nho tên 52 người bỏ mình vì tai nạn khi tham gia xây dựng đập Đồng Cam hồi tháng 9-1929 - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ
Bia kỷ niệm khắc bằng chữ Nho tên 52 người bỏ mình vì tai nạn khi tham gia xây dựng đập Đồng Cam hồi tháng 9-1929 - Ảnh: HUỲNH VĂN MỸ

Dòng nước ấm no

Sau hai năm cho dẫn nước thử nghiệm, năm 1933 đập Đồng Cam đã chính thức đưa vào sử dụng, tưới được cho 19.000ha ruộng của Phú Yên.

“Đập Đồng Cam là cuộc đổi đời của người dân Phú Yên. Ấy là họ có được cơm no, có được năm hai mùa lúa, năng suất cao hơn thời ăn nước trời gấp mấy lần - ông Nguyễn Văn Trúc, nguyên phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Phú Yên, nói - Cũng nhờ vậy mà thời Việt Minh, Phú Yên đã góp lương thực cho Liên khu 5 và cứu đói cho mấy tỉnh lân cận...”.

Theo ông Trúc, thời chiến tranh năm 1951, quân Pháp đã cho một đội quân kéo đến phá hủy đập Đồng Cam.

Nhưng vì thân đập quá kiên cố, quân Pháp đã không đạt được ý đồ. Sau đó, họ cho máy bay ném bom đánh sập hai cầu máng của đập Đồng Cam là cầu máng Đồng Bò ở phía nam và Suối Cái ở phía bắc.

Vì sập cầu máng làm đứt nước tưới lúa nên năm 1952 dân ở đây đói. Đến khoảng đầu năm 1955 hai cầu máng này mới được chính quyền Sài Gòn cho làm lại.

Đập Đồng Cam đã tồn tại qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đến nay, sau khi cơi thêm thân đập cao lên, đập Đồng Cam đã cung cấp nước tưới được cho 31.000ha ruộng, xứng danh “báu vật” trên những cánh đồng của tỉnh Phú Yên.

Đập Đồng Cam nằm cách trụ sở xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa) bên quốc lộ 25 theo con đường nhỏ về phía nam chừng 2km.

Một kiến trúc toàn đá granite chẻ lục giác với kích cỡ nhỏ được gắn kết với ximăng. Đẹp lạ thường. Mặt trên của tất thảy những bờ ngăn của đập - cũng là những lối đi, dù không tô trát nhưng mặt đá vẫn bằng như mạch cắt. Kiến trúc Đồng Cam khiêm tốn nhưng chứng tỏ được cái hùng vĩ nhân tạo của con người trước thiên nhiên.

Qua cây cầu Đà Rằng dài trên 1.500m bắc qua sông Ba tại thành phố Tuy Hòa, dòng nước phù sa luôn cuồn cuộn chảy vào mùa mưa để đổ về biển rộng.

“Đoạn sông Ba từ dưới đập Đồng Cam xuống đến cửa biển dài trên 30km, người Phú Yên mình quen gọi là sông Đà Rằng. Còn cửa biển thì có người gọi là cửa Đà Rằng, có người gọi cửa Đà Diễn. Nhưng gọi là vậy chứ bà con ai cũng biết Đà Rằng là sông Ba; Đà Rằng, Đà Diễn đều là cửa ra biển của sông Ba...” - ông Trần Sĩ Huệ dẫn giải.

Dự án xây dựng đập Đồng Cam chắn ngang sông Ba, nối liền từ Đồng Cam với Quy Hậu, có chiều dài 657m.

Đập Đồng Cam được thi công trong những điều kiện kỹ thuật phức tạp vì lũ sông Đà Rằng mỗi năm có thể lên xuống tới 20 lần.

Lưu lượng lũ từ 8.000 - 10.000m3/giây, có khi lên đến 13.000m3/giây. Trở lực này là nghiêm trọng nhất, có thể làm đảo lộn bất ngờ mọi kế hoạch của công trường nên không một hãng nào dám mời thầu.

Chính quyền thuộc địa phải thi công theo lối công quản dưới sự điều khiển của hai kỹ sư thượng hạng De Fargue và Machefaux, đập chính được thi công liên tục từ năm 1925 - 1929 mới hoàn thành và từ năm 1933 mới đi vào hoạt động.

Trong bài diễn văn nhân dịp khánh thành hệ thống thủy nông Đồng Cam ngày 7-9-1932, toàn quyền Đông Dương Pasquier đã nhận xét về giá trị công trình này: “Du khách đi theo đường thuộc địa, vừa qua một vùng đất hết sức tốt tươi của xứ Trung Kỳ, một vùng đất mà nước trong lấp lánh khắp nơi giữa các cây hoa màu xanh tốt, không thể tưởng tượng được cảnh đau buồn trước đây của đồng bằng Tuy Hòa, thường sáu tháng trong một năm biến thành vùng thảo nguyên khô cằn, bị mặt trời thiêu cháy và bão cát đè lên” (dẫn theo Bộ Thủy lợi 1981 và Sở Thủy lợi Phú Yên 1990).

HUỲNH HIẾU

______________ 

Kỳ tới: “Sai lầm thế kỷ”

 

HUỲNH VĂN MỸ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên