19/05/2017 12:25 GMT+7

Những đứa con của sông Ba

HUỲNH VĂN MỸ
HUỲNH VĂN MỸ

TTO - Dưới nắng chiều, dòng sông Ba bên thị trấn Kon Chro (huyện Kon Chro) lăn tăn những con sóng nhỏ. Đây là thị trấn thứ ba ven sông Ba tính từ thượng nguồn sau K’Bang, An Khê.

Ca sĩ H’Ben hát bài Avơng - Gọi bạn về làng khi ngồi cạnh dòng sông Ba ở quê nhà bà
Ca sĩ H’Ben hát bài Avơng - Gọi bạn về làng khi ngồi cạnh dòng sông Ba ở quê nhà bà

Không khó để tôi tìm đến nhà bà H’Ben bởi ở thị trấn này cả đến đứa nhỏ cũng biết bà.

Người ca sĩ Ba Na

Trong ngôi nhà sát bờ sông hướng mặt ra con đường nằm sau ngôi chợ thị trấn, khi tôi đến bà H’Ben đang nẻ hạt bắp. “Bắp này do H’Ben trồng đó. Trồng để nhớ lại cái thời nhỏ của H’Ben”. Ở đây người phụ nữ Ba Na tuổi 85 luôn xưng tên mình khi trò chuyện.

Khắp Kon Chro, không riêng gì những buôn làng bên sông Ba ai cũng biết H’Ben, quý H’Ben, coi H’Ben là niềm tự hào của người Ba Na. Bởi H’Ben là ca sĩ người Ba Na thế hệ đầu tiên được biết đến không chỉ ở cộng đồng Ba Na, Tây Nguyên mà còn ở cả nước, là giọng ca Ba Na được lưu diễn tại 12 nước Á, Âu và Mỹ Latin.

“H’Ben không thể sống xa con sông Ba, con sông mà người Ba Na mình gọi là Đắk Rông - con nước lớn...”. Và chuyện H’Ben từ giã ngôi nhà êm ấm ở phố thị Pleiku đã khiến nhiều người ngạc nhiên.

Nhưng với người Ba Na bên sông Ba thì họ coi đó là lẽ đương nhiên, giống như cái lá phải che cho cái thân cây, khi rụng phải rụng xuống cái gốc đã nuôi dưỡng mình. Câu chuyện H’Ben kể về sông Ba, về đời mình nghe cứ miên man.

“H’Ben xa sông Ba, xa cái núi Kon Chro, xa buôn làng là vì công việc mà mình phải làm - H’Ben nói bên bàn thờ người chồng mới mất hồi trước tết - Về được làng cũ bên sông, H’Ben cảm ơn chồng nhiều lắm.

H’Ben nhớ miết cái câu nói của chồng “em đi đâu anh đi đó” hồi H’Ben cùng chồng rời Hà Nội để về Pleiku sau ngày hòa bình, cũng như hồi H’Ben nghỉ làm hiệu trưởng Trường Văn hóa nghệ thuật Tây Nguyên cùng chồng về lại đây”.

Chồng H’Ben là nghệ sĩ violon Lê Đức Thịnh, người Hà Nội, cặp đôi nghệ sĩ ưu tú được nhà văn Nguyên Ngọc gọi là “mối tình đẹp nhất Tây Nguyên”.

Có được giọng ca tuyệt hảo, H’Ben nói là nhờ con sông Ba cho mình. 12 tuổi, cô bé H’Ben đã tập tành luyến láy giọng ca theo mẹ: “Mặt trời xuống núi rồi bạn ơi/Ta cũng về làng thôi”. Rồi giọng hát H’Ben dần hình thành vượt ra khỏi những buôn làng.

14-15 tuổi H’Ben được chọn đi hát mừng chiến thắng đồn Tây ở An Khê, ở Cheo Reo, vài ba năm sau được xuống Phú Yên hát tiễn những người tập kết ra Bắc. Rồi H’Ben cũng đi tập kết, trở thành ca sĩ ở Đoàn ca múa Tây Nguyên (Hà Nội).

Năm 1956 Anh hùng Núp “bắt cóc” H’Ben đem về chỗ ông ấy ở để tổ chức lễ cưới. Nhưng H’Ben được tin vợ “nối dây” (em ruột người vợ đầu đã chết của ông) vẫn còn nên cô từ chối. Sau đó Anh hùng Núp để H’Ben được tự do.

Năm 1959 H’Ben và nghệ sĩ Đức Thịnh cưới nhau. Bà H’Ben cười, kể lại chuyện mình được chọn đóng vai mẹ của Anh hùng Núp trong phim Đất nước đứng lên từ kịch bản của nhà văn Nguyên Ngọc.

“Cuộc đời H’Ben nhiều vui buồn lắm. Nhưng vui với H’Ben là được trở về với sông Ba, với núi Kon Chro. Kon Chro nghĩa là núi cầu vồng. Vì cứ hễ trời mưa ở hướng tây là cái cầu vồng lại hiện ra ở núi Kon Chro...” - bà H’Ben nói.

Nghệ sĩ Nay Phai đánh nhạc cồng chiêng pơrơtúk - Ảnh: HUỲNH VĂN MỸ
Nghệ sĩ Nay Phai đánh nhạc cồng chiêng pơrơtúk - Ảnh: HUỲNH VĂN MỸ

Và tiếng cồng chiêng Gia Rai

Sông Ba hùng vĩ và phóng khoáng đã sinh ra những đứa con ưu tú của nó như ca sĩ H’Ben và nghệ sĩ Nay Phai - một bậc thầy về âm nhạc cồng chiêng ở thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa). Tôi phải chạy hơn 50km sau khi vượt đèo Tona mới gặp được ông.

“Mình hát được, đánh được đến 40 bài cồng chiêng. Bài nào cũng có cái hay riêng vì cồng chiêng ở Trường Sơn - Tây Nguyên có nhiều loại, có bộ chiêng cổ 15-16 chiếc, còn chiêng mới được mình cải tiến một bộ có đến 25-26 chiếc...” - Nay Phai nói.

Sinh ra, lớn lên ở Ayun Pa, người nghệ sĩ 60 tuổi này từng rong ruổi khắp Tây Nguyên để chỉnh sửa âm thanh cho những bộ cồng chiêng lúc ông vừa tròn 20 tuổi.

Ông nói: “Sông Ba ở Hậu Bổn (tỉnh lỵ của Phú Bổn xưa kia, nay là Ayun Pa) yên lành lắm. Hồi nhỏ một mình tôi thường ra đó tắm, nằm trên cát nghe gió riu riu trên mặt nước. Nhưng khi có mưa gió, họ (sông Ba) mạnh như bão... Mình nghe được tiếng của họ, lặng im nghe. Rồi bên tiếng của họ, mình lại nghe con chim pơrơtúk - cái con chim nhỏ như chim sẻ, thường kêu nhiều từ mùa tháng 3 - cứ kêu pơrơtúk, pơrơtúk, mình lại càng thích”.

Nghệ sĩ phải sáng tạo, Nay Phai nói. Và ông đã làm được điều đó từ dòng sông đã cho ông nước uống, con cá, lá rau, hạt gạo.

“Năm 1984, khi trên sông Ba nghe tiếng sông, tiếng chim pơrơtúk êm đềm với ngọn gió thổi rào rào trở lại, mình nghĩ đến âm thanh cồng chiêng theo giai điệu này, rồi mình về miệt mài tạo ra cho được bộ cồng chiêng pơrơtúk với tiếng sông Ba đầy ký ức. Bài hát pơrơtúk thì ông nội mình - cũng là thầy chỉnh sửa cồng chiêng - đã hát rồi, nhưng đến đời mình mới tạo được bài nhạc cồng chiêng pơrơtúk, dân mình nghe rất thích...” - Nay Phai giãi bày.

“Nghệ sĩ ưu tú H’Ben có rất nhiều công sức truyền tải, quảng bá văn hóa dân tộc, đặc biệt là nghiên cứu, sưu tầm âm nhạc, dân ca của người Ba Na cho nhiều thế hệ học sinh Trường Văn hóa nghệ thuật Tây Nguyên.

Còn nghệ nhân ưu tú Nay Phai là người đứng đầu trong quảng bá văn hóa cồng chiêng không chỉ ở tỉnh Gia Lai mà khắp Tây Nguyên và cả thế giới. Nay Phai được cộng đồng tin cậy ở tài thẩm định âm thanh để chỉnh sửa cồng chiêng, ở năng lực truyền dạy âm nhạc cồng chiêng vượt trội cho thế hệ trẻ ở Tây Nguyên”.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân
(giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai)

______________

Kỳ tới: Báu vật Đồng Cam

Kỳ 1: Nơi đầu nguồn con nước
Kỳ 2: Bến nước và hạt gạo
Kỳ 3: Những đứa con của sông Ba

HUỲNH VĂN MỸ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên