25/09/2019 07:56 GMT+7

Tâm điểm Iran ở Liên Hiệp Quốc

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Vấn đề Iran dự kiến là tâm điểm tại kỳ họp toàn thể của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 74 (UNGA) từ ngày 24 đến 30-9 ở New York (Mỹ), với kỳ vọng vào một thỏa thuận hạt nhân mới giữa Tehran và các cường quốc.

Tâm điểm Iran ở Liên Hiệp Quốc - Ảnh 1.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) bắt tay với Tổng thống Iran Hassan Rouhani sau cuộc gặp tại trụ sở LHQ ở New York hôm 23-9 - Ảnh: AFP

Iran bước vào kỳ họp LHQ năm nay với lời cảnh tỉnh rằng cái mà họ có thể tìm kiếm ở châu Âu sẽ không có gì hơn ngoài sự ủng hộ chính trị mang tính vỏ bọc, núp dưới sự ủng hộ thỏa thuận hạt nhân.

Bà Ellie Geranmayeh nhận định

Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh Iran và Mỹ khẩu chiến quyết liệt nhiều ngày qua về một vụ tấn công nhằm vào hai cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia. Mỹ và Saudi khẳng định Iran đứng sau vụ việc, trong khi Tehran phản bác cáo buộc. Nhưng bản chất của các tranh cãi và thậm chí vụ tấn công trên không nằm ở bản thân... vụ tấn công.

Tehran rơi vào thế yếu

Trong diễn biến kịch tính trước ngày diễn ra phiên thảo luận chung cấp cao ngày 24-9 (giờ New York), các đồng minh của Mỹ tại châu Âu dường như đã đứng về phía Washington.

Sau cuộc gặp giữa các lãnh đạo tại New York, Anh, Đức và Pháp hôm 23-9 ra một tuyên bố chung cho rằng Iran phải chịu trách nhiệm vụ tấn công vào cơ sở lọc dầu Saudi Arabia nêu trên, đồng thời kêu gọi Tehran phải chấp thuận phương án đàm phán mới với các siêu cường về tình hình hạt nhân và chương trình phát triển vũ khí, cũng như các vấn đề an ninh trong khu vực.

Quan điểm và thái độ của châu Âu về vụ tấn công ở Saudi Arabia phản ánh một sự thay đổi rất đáng chú ý khi nhắc về Iran. Nó lột tả tình trạng của Iran từ chỗ thắng thế cách đây một năm, nay bước vào kỳ họp của Đại hội đồng LHQ với nhiều áp lực hơn.

Lâu nay, dư luận quốc tế vẫn đóng đinh hình ảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump là người chuyên phá hủy các thỏa thuận đa phương mà Mỹ đã ký, bao gồm Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) - hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran. Việc ông Trump rút khỏi JCPOA khiến Anh, Đức và Pháp chưng hửng.

Châu Âu đã rất hi vọng JCPOA sẽ giúp mở toang cánh cửa tiếp cận thị trường Iran và đàm phán làm ăn với công ty năng lượng ở Iran. Đó là lý do châu Âu vốn dĩ muốn cứu thỏa thuận hạt nhân và đây là điểm bất đồng giữa họ và chính quyền ông Trump.

Tuy nhiên như đã nói, mọi thứ nay đã khác, và tờ New York Times còn minh họa cho tình thế của Iran thông qua quan điểm của John Kerry. Là cựu ngoại trưởng Mỹ đồng thời đóng vai trò then chốt trong thỏa thuận hạt nhân JCPOA được mô tả "lịch sử" năm 2015, chính ông Kerry mới đây cũng khẳng định luôn Iran "bằng cách này hay cách khác" cũng là kẻ đứng sau vụ tấn công ở Saudi Arabia.

Bản chất của xung đột

Theo bà Ellie Geranmayeh - phó phụ trách nghiên cứu Trung Đông và Bắc Phi tại Trung tâm nghiên cứu quan hệ đối ngoại châu Âu, Iran tới New York trong tâm thế nhận thức rõ người châu Âu không thể cung cấp bất kỳ hỗ trợ kinh tế thực chất nào.

Lấy ví dụ, sáng kiến trị giá 15 tỉ USD của Pháp về hệ thống tài chính giúp Iran và châu Âu "lách" khỏi lệnh phong tỏa ngân hàng của Mỹ gần như sẽ thất bại. Mỹ sẽ không miễn trừ cho hệ thống này, và các ngân hàng châu Âu cũng không sẵn sàng tham gia do lo sợ bị Mỹ cấm thực hiện các khoản thanh toán bằng USD.

Điều châu Âu mong muốn lúc này không gì khác hơn là làm tốt vai trò trung gian để Iran và Mỹ quay lại thỏa thuận. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được cho sẽ gặp song phương với cả Tổng thống Trump lẫn Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Phía châu Âu, trong tuyên bố chung Anh - Pháp - Đức nêu trên, đáng chú ý đã bày tỏ lập trường về việc kêu gọi Iran "đàm phán lại" JCPOA. Điều này chính xác ủng hộ quan điểm của Tổng thống Mỹ Trump.

Nhưng Iran đã đáp trả châu Âu bằng giọng điệu cứng rắn. Ngoại trưởng Mohamad Javad Zarif cáo buộc châu Âu thất bại trong việc thể hiện cam kết JCPOA với Iran, và nói thẳng: "Tôi nghĩ họ cần có tín hiệu đèn xanh từ Mỹ" thì mới cam kết.

Ông Zarif, người cùng ông Kerry góp sức đàm phán thành công JCPOA năm xưa, khẳng định sẽ "không mua một con ngựa hai lần" - kiểu chơi chữ lấy hình tượng con ngựa trong văn hóa Mỹ, và nói luôn rằng: "Tôi đã mua một con ngựa rồi".

"Nếu Mỹ muốn là một phần trong bất kỳ đàm phán nào với Iran, họ phải chứng minh mình là đối tác đáng tin tưởng" - ông Zarif khẳng định.

Có rất nhiều nghi án và thuyết âm mưu xung quanh vụ tấn công nhằm vào nhà máy lọc dầu Saudi Arabia. Sự kiện này đã khiến một cuộc gặp song phương Trump - Rouhani từ chỗ đầy lạc quan trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Và trước mắt, nó là cái cớ để châu Âu không thể ủng hộ Iran trong việc duy trì cam kết JCPOA đã ký.

77 nước cam kết trung hòa carbon

Tại hội nghị thượng đỉnh về hành động chống biến đổi khí hậu của LHQ ở New York hôm 23-9 giờ địa phương, Tổng thư ký LHQ António Guterres cho biết "sóng đã đổi chiều sau từng hành động" và công tác chống biến đổi khí hậu đang có tiến triển.

Theo ông Guterres, 77 quốc gia đã cam kết thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Ngoài ra, các nước này cũng cam kết sẽ thực hiện nhiều biện pháp khác để bảo vệ môi trường. Lãnh đạo từ 100 doanh nghiệp thế giới cũng hứa sẽ tham gia ngành công nghiệp xanh.

Tuy nhiên, tất cả các quốc gia tham gia cam kết đóng góp chưa tới một nửa lượng khí thải toàn cầu. Các nhà hoạt động môi trường tham gia hội nghị tuyên bố những biện pháp này vẫn không đủ hiệu quả để ngăn sự ấm lên toàn cầu, cũng như kiểm soát khủng hoảng về môi trường.

Trong phiên làm việc ngày 24-9, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cũng tuyên bố Diễn đàn Internet toàn cầu chống khủng bố sẽ hoạt động độc lập và "phản ứng nhanh hơn và hợp tác hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn" các cuộc tấn công khủng bố. Đây là tổ chức được Facebook, Twitter, YouTube và Microsoft thành lập vào năm 2017 nhằm xóa bỏ các nội dung "cực đoan" trên trang.

NGUYÊN HẠNH

Ngoại trưởng Iran: ông Trump tự ‘đóng cánh cửa đối thoại’ với Tehran Ngoại trưởng Iran: ông Trump tự ‘đóng cánh cửa đối thoại’ với Tehran

TTO - Ông Mohammad Javad Zarif cho rằng việc ông Trump quyết định áp thêm trừng phạt với Ngân hàng Trung ương Iran cũng có nghĩa đã “đóng cánh cửa đối thoại” giữa Tehran và Washington.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên