Đây là thông tin các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo tham vấn ý kiến hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) do Bộ Y tế tổ chức chiều 16-4 tại Hà Nội.
Theo bà Trần Thị Trang, vụ trưởng Vụ BHYT, việc mở rộng phạm vi quyền lợi chi trả BHYT dựa trên tiêu chí đánh giá nguy cơ và điều trị ngăn ngừa sự xuất hiện, tiến triển của một số bệnh có tỉ lệ mắc cao, đạt hiệu quả khi can thiệp sớm.
Từ đó, góp phần giảm gánh nặng bệnh tật ở giai đoạn muộn.
"Dựa vào những tiêu chí đặt ra, chúng tôi đề xuất ưu tiên mở rộng phạm vi chi trả BHYT cho sàng lọc chẩn đoán sớm 6 bệnh là ung thư cổ tử cung, ung thư vú, đái tháo đường, cao huyết áp, viêm gan C và viêm gan B.
Trong đó, ưu tiên sớm hơn cho sàng lọc chẩn đoán sớm ung thư cổ tử cung và ung thư vú. Bởi đây là nhóm bệnh ung thư phổ biến, gây gánh nặng bệnh tật lớn.
Trong khi đó, tỉ lệ sàng lọc sớm của bệnh còn thấp. Chi trả BHYT đối với sàng lọc hai bệnh lý này sẽ giúp phát hiện sớm, điều trị sớm.
Hiện đã có nhiều bằng chứng về chi phí - hiệu quả của biện pháp sàng lọc. Trong đó, chi phí cho sàng lọc ung thư cổ tử cung khoảng từ 2,6 đến 3 nghìn tỉ đồng/năm; với ung thư vú là 2,5 đến 5,3 nghìn tỉ đồng/năm. Nhiều quốc gia cũng đã thực hiện chi trả BHYT cho bệnh này", bà Trang nêu.
Theo các chuyên gia, giai đoạn sớm người bệnh có thể điều trị bệnh hiệu quả hơn bằng các biện pháp can thiệp chi phí ít. Trong khi đó, khi bệnh đã tiến triển ở giai đoạn muộn sẽ gây tốn kém trong điều trị, ảnh hưởng lớn đến người bệnh.
Theo nghiên cứu, chi phí điều trị trung bình/năm của người bệnh ung thư cổ tử cung ở các giai đoạn từ I đến IV lần lượt là 89,8 triệu, 136,9 triệu, 138,4 triệu và 136,8 triệu đồng/năm.
Do đó, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm (giai đoạn I), người bệnh sẽ tiết kiệm từ 47 đến 48,6 triệu đồng/năm so với người bệnh phát hiện ở các giai đoạn muộn hơn.
Đối với ung thư vú, chi phí điều trị trung bình của người ở các giai đoạn từ I đến IV lần lượt là 4,2 triệu, 12,1 triệu, 22,5 triệu và 17,7 triệu đồng/năm. Do đó, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm (giai đoạn I), người bệnh sẽ tiết kiệm từ 7,9 đến 18,3 triệu đồng/năm so với người bệnh phát hiện ở các giai đoạn muộn hơn.
"Số tiền người bệnh và BHYT đồng chi trả khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn sẽ tốn kém hơn rất nhiều. Bởi vậy, việc sàng lọc bệnh sớm có thể sẽ gây gánh nặng lên quỹ BHYT trong thời gian đầu nhưng sau đó sẽ giúp giảm chi phí điều trị chuyên sâu. Vì vậy, sẽ không làm ảnh hưởng nhiều đến quỹ trong tương lai", bà Trang nói.
Bổ sung chi trả BHYT cho chế phẩm dinh dưỡng
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề xuất chi trả BHYT đối với chế phẩm máu, khí y tế (O2, NO2) và chế phẩm khác để điều trị bệnh như chế phẩm dinh dưỡng đặc biệt; sữa mẹ hiến tặng thanh trùng.
Với quy định hiện nay về điều trị lác, sụp mí và tật khúc xạ hưởng BHYT, Bộ Y tế cũng kiến nghị mở rộng độ tuổi từ trẻ dưới 6 tuổi thành dưới 18 tuổi.
Theo bà Trang, qua trao đổi với các bác sĩ chuyên khoa mắt, với những bệnh lý này rất hiếm khi các bác sĩ chỉ định điều trị cho trẻ dưới 6 tuổi. Vì vậy, quy định chi trả BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi là không phù hợp với chỉ định chuyên môn, ảnh hưởng đến quyền lợi người tham gia BHYT.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận