27/12/2018 14:35 GMT+7

Lác mắt, nguyên nhân và cách điều trị

Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng
Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng

Lác là một bệnh lý hay gặp ở trẻ em. Nó cũng có thể gặp ở người lớn. Nó có thể di truyền trong gia đình.

Lác mắt, nguyên nhân và cách điều trị - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: nhs.uk

Lác mắt là bệnh lý của mắt mà hai mắt không nhìn thẳng được và nhìn theo các hướng khác nhau. Một mắt có thể nhìn thẳng về phía trước, trong khi mắt kia nhìn vào trong, ra ngoài, lên trên hoặc xuống dưới. Sự chuyển hướng nhìn của mắt có thể cố định, hoặc tạm thời. Mắt nhìn thẳng (và mắt nhìn lệch) có thể hoán đổi hoặc luân phiên nhau.

Lác là một bệnh lý hay gặp ở trẻ em. Có khoảng 4% trẻ em Hoa Kỳ bị lác. Nó cũng có thể gặp ở người lớn. Nó có thể di truyền trong gia đình, tuy nhiên, nhiều bệnh nhân bị lác không có tiền sử gia đình có người bị lác.

Lác trong ở trẻ sơ sinh tức là mắt nhìn lệch vào trong, là dạng hay gặp ở trẻ sơ sinh. Trẻ nhỏ bị lác trong không thể nhìn đồng thời bằng cả 2 mắt.

Lác trong do điều tiết là loại lác trong hay gặp nhất, xảy ra ở trẻ em, thường là 2 tuổi hoặc hơn. Với loại lác này, khi trẻ tập trung 2 mắt để nhìn rõ vật thì 2 mắt sẽ nhìn vào trong. Sự di chuyển hướng nhìn này có thể xảy ra khi tập trung nhìn vật ở khoảng cách xa, ở gần, hoặc cả hai.

Lác ngoài tức là mắt nhìn ra ngoài, là một dạng khác của lác. Nó hay xuất hiện khi trẻ tập trung nhìn vật ở xa. Lác ngoài có thể xảy ra chỉ xảy ra theo thời gian, đặc biệt khi trẻ đang mơ màng, yếu hay mệt mỏi. Bố mẹ thường quan sát thấy các con liếc mắt một bên khi nhìn vật dưới ánh sáng mặt trời.

Nguyên nhân của lác mắt

Có 6 cơ của mắt giúp điều chỉnh hoạt động của nhãn cầu, được gắn vào bên ngoài của mỗi mắt. Mỗi mắt có một cơ giúp nhãn cầu di chuyển về bên phải, và một cơ di chuyển nhãn cầu về bên trái. Bốn cơ còn lại di chuyển mắt lên hoặc xuống và xoay nhãn cầu.

Để chuẩn bị và tập trung cả hai mắt vào một điểm, tất cả các cơ ở mỗi mắt phải được cân bằng và hoạt động đồng thời. Để hai mắt di chuyển đồng thời, các cơ ở cả 2 mắt phải hoạt động phối hợp với nhau. Não sẽ kiểm soát hoạt động của các cơ này.

Ở mắt bình thường, cả hai mắt cùng nhìn vào cùng một điểm. Sau đó não sẽ tổng hợp hình ảnh thu được ở hai mắt thành một ảnh duy nhất, là ảnh ba chiều. Hình ảnh ba chiều này sẽ cho ta thị giác tinh tế.

Khi một mắt bị nhìn lệch, hai hình ảnh khác nhau ở hai mắt được chuyển đến não bộ. Ở trẻ nhỏ, não bộ học cách loại bỏ hình ảnh của mắt nhìn lệch, và chỉ thấy hình ảnh ở mắt nhìn thẳng, hoặc mắt nhìn rõ hơn. Sau đó trẻ sẽ mất đi thị giác tinh tế.

Người lớn bị lác thường nhìn đôi do não bộ của họ đã biết cách nhận hình ảnh từ cả hai mắt và không thể loại bỏ hình ảnh từ mắt bị lệch. Trẻ em bị lác thường không bị nhìn đôi.

Lác mắt đặc biệt hay gặp ở trẻ em mắc các bệnh mà ảnh hưởng đến não bộ, như:

- Bại não;

- Hội chứng Down;

- Não úng thủy;

- U não;

- Trẻ đẻ non.

Chấn thương mắt hoặc thủy tinh thể làm ảnh hưởng đến quá trình nhìn cũng có thể gây lác mắt. Tuy nhiên, đại đa số trẻ em bị lác không mắc những bệnh này. Một số có tiền sử gia đình có người bị lác mắt.

Giảm thị lực do lác mắt

Thị lực tốt hình thành trong thời thơ ấu khi cả hai mắt có sự phối hợp tốt khi nhìn. Lác mắt có thể gây giảm thị lực ở mắt nhìn lệch.

Não bộ sẽ tập trung vào hình ảnh thu được từ mắt nhìn thẳng và loại trừ hình ảnh từ mắt nhìn lệch. Nếu tình trạng này không thay đổi trong những năm đầu đời thì mắt bị nhìn lệch có thể không có thị lực tốt, hoặc thậm chí có thể mất thị lực. Giảm thị lực do lác mắt xuất hiện ở khoảng một nửa số trẻ bị lác mắt.

Giảm thị lực có thể được điều chỉnh bằng cách che hoặc làm mờ mắt bình thường để tăng cường hoặc cải thiện thị lực ở mắt nhìn kém. Nếu lác mắt phát hiện được trong một vài năm đầu đời, việc điều trị thường thành công. Nếu trì hoãn điều trị, giảm thị lực có thể trở thành vĩnh viễn. Về nguyên tắc, điều trị lác càng sớm thì thị lực càng được cải thiện.

Các triệu chứng của lác mắt

Dấu hiệu chính của lác mắt là một mắt không nhìn thẳng. Đôi khi trẻ em sẽ liếc mắt một bên khi nhìn dưới ánh sáng mặt trời hoặc nghiêng đầu để sử dụng hai mắt đồng thời.

Lác giả

Mắt của trẻ sơ sinh thường có vẻ như nhìn chéo nhau, mặc dù thực ra không phải như vậy. Tình trạng này được gọi là "lác giả". Trẻ nhỏ thường có mũi phẳng, rộng, và có một nếp da ở trong mi mắt có thể làm cho hai mắt có vẻ như nhìn chéo nhau. Sự xuất hiện của tình trạng giả lác có thể cải thiện khi đứa trẻ lớn lên. Trẻ sẽ không tiến triển thành lác thật sự. Bác sĩ chuyên khoa mắt có thể phân biệt giữa lác thật sự và lác giả.

Chẩn đoán lác mắt

Lác mắt có thể chẩn đoán được bằng khám mắt. Có khuyến cáo rằng tất cả trẻ em từ 3 tuổi đến 3 tuổi rưỡi cần được khám thị lực bởi các bác sĩ nhi khoa, bác sĩ gia đình hoặc bởi một cán bộ đã được đào tạo về khám thị lực ở trường mầm non. Bất kỳ trẻ nào phát hiện bất thường về thị lực thì sau đó cần kiểm tra mắt toàn diện bởi bác sĩ chuyên khoa mắt.

Nếu trong gia đình có người bị lác mắt hay giảm thị lực, hoặc có người đeo kính dày, bác sĩ chuyên khoa mắt cần khám thị lực ngay, thậm chí trước 3 tuổi. Sau khi khám mắt toàn diện, bác sĩ chuyên khoa mắt có thể chỉ định phương pháp điều trị thích hợp.

Điều trị lác mắt

Điều trị lác mắt là làm cho hai mắt nhìn thẳng và phục hồi thị lực ở cả hai mắt. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cho con bạn đeo kính để giúp mắt nhìn thẳng. Các phương pháp điều trị khác có thể áp dụng như phẫu thuật để chỉnh lại cơ vận động mắt không cân bằng hoặc phẫu thuật lấy thủy tinh thể. Việc che hoặc làm mờ mắt bình thường để cải thiện thị lực đôi khi là cần thiết. Trẻ rất nhỏ bị lác trong thường cần phẫu thuật để chỉnh lại mắt.

Với lác trong ở người lớn, đeo kính làm giảm sự cố gắng tập trung và thường làm thẳng mắt. Đôi khi kính hai tròng là cần thiết để có hiệu quả cao hơn. Nếu khi đeo kính, mắt vẫn nhìn chéo đáng kể kéo dài thì phẫu thuật có thể được chỉ định.

Với lác ngoài, mặc dù việc đeo kính, tập luyện, che mắt hoặc dùng lăng kính có thể làm giảm hoặc giúp điều chỉnh mắt nhìn lệch ra ngoài, tuy nhiên, phẫu thuật thường vẫn cần thiết.

Phẫu thuật lác mắt

Trong một số trường hợp lác mắt ở trẻ em và người lớn, việc điều trị lác mắt bao gồm đeo kính, thấu kính, che mắt hoặc làm mờ một mắt, tiêm độc tố botulium hoặc phối hợp các phương pháp điều trị này. Ở các trường hợp khác, phẫu thuật điều chỉnh cơ vận động nhãn cầu là cần thiết để làm cho mắt nhìn thẳng.

Ở trẻ bị lác dai dẳng, phẫu thuật sớm có thể được chỉ định để cải thiện cơ hội phục hồi hoặc tăng cường thị lực hai mắt bình thường.

Ở người lớn, phẫu thuật chỉnh lác không phải hoàn toàn là thẩm mỹ. Phẫu thuật thẩm mỹ là phẫu thuật nâng cao hơn, như khôi phục lại diện mạo trẻ trung ở người có tuổi bình thường. Phẫu thuật chỉnh lác khôi phục lại diện mạo bình thường, và được gọi là tạo hình. Có rất nhiều lợi ích khác ngoài việc khôi phục lại diện mạo bình thường như: Cải thiện thị lực tinh tế hoặc cải thiện thị lực hai mắt, diện mạo được cải thiện, làm mất hoặc giảm nhìn đôi và cải thiện chức năng xã hội - như giao tiếp bằng mắt là cực kỳ quan trọng trong việc giao tiếp giữa mọi người với nhau. Một điều quan trọng là bạn cần thảo luận với bác sĩ về mục đích và kỳ vọng của bạn về cuộc phẫu thuật này.

Trong phẫu thuật lác mắt, một hoặc nhiều cơ vận động nhãn cầu được làm tăng cường, yếu đi, hoặc chuyển đến vị trí khác để cải thiện hướng nhìn. Phẫu thuật lác mắt thường được tiến hành như một thủ thuật ngoại trú và không cần đòi hỏi ở lại bệnh viện qua đêm.

Các khám nghiệm trước mổ đối với phẫu thuật lác mắt

Trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ khám giác quan - vận động, để đánh giá hướng nhìn của mắt để xác định xem cơ nào gây ra lác và cơ nào cần được điều chỉnh (làm yếu đi, tăng cường thêm, hoặc chuyển vị trí) để cải thiện hướng nhìn của mắt. Lăng kính được dùng để đo độ lác. Những khám nghiệm trước mổ này giúp định hướng cho các bác sĩ trong việc vạch ra kế hoạch mổ. Thường thì cả 2 mắt đều cần phẫu thuật, mặc dù chỉ một mắt bị nhìn lệch. Đôi khi hướng phẫu thuật được xác định dựa vào những phát hiện mới khi tiến hành, đặc biệt khi mổ lại.

Thuốc và phẫu thuật lác mắt

Phẫu thuật lác mắt hiếm khi gây ra chảy máu nhiều. Tuy nhiên, một số phẫu thuật viên có thể chỉ định ngừng sử dụng thuốc làm loãng máu, aspirin, các thuốc có thành phần aspirin, ibuprofen, hoặc bổ sung dinh dưỡng nào đó mà có thể ảnh hưởng đến chảy máu trong một tuần trước khi làm phẫu thuật. Việc giữ lại các thuốc này cũng nên được thảo luận với bác sĩ để đánh giá nguy cơ nếu không dùng chúng. Nếu cần đến thuốc giảm đau trong thời gian này thì acetaminophen (Tylenol) có thể được sử dụng thay thế.

Thủ thuật phẫu thuật lác mắt

Phẫu thuật lác mắt ở trẻ em cần đến gây mê toàn thân. Trước khi phẫu thuật, một loại thuốc thường được sử dụng cho trẻ để làm giảm bớt sự lo lắng về việc phải tách ra khỏi bố mẹ. Ở người lớn, thủ thuật có thể được tiến hành với gây mê toàn thân hoặc gây tê tại chỗ. Dù bằng cách nào thì bệnh nhân phải nhịn ăn khoảng 8 tiếng trước thủ thuật. Vì lý do này, các bệnh nhi thường được chuẩn bị vào buổi sáng sớm.

Mắt không bao giờ bị loại bỏ trong khi tiến hành phẫu thuật. Mi mắt được mở và giữ nhẹ nhàng bằng vành mi. Một đường mổ nhỏ được tạo ra trên kết mạc (màng nhầy phủ bề mặt nhãn cầu) để tiếp cận các cơ. Sau đó cơ được làm yếu đi, được tăng cường hoặc di chuyển để thay đổi hoạt động của nó bằng chỉ khâu tự tiêu. Hầu hết các phẫu thuật lác mắt thường kéo dài không đến 1-2 tiếng, tuy nhiên, bệnh nhân sẽ nằm theo dõi một vài tiếng ở phòng chăm sóc tiền phẫu và hậu phẫu.

Mũi khâu có thể điều chỉnh được

Trong phẫu thuật lác mắt chuẩn, cơ được làm yếu đi, tăng cường thêm hoặc chuyển vị và buộc một nút cố định. Ở người lớn, có thêm lợi ích khi sử dụng mũi khâu có thể điều chỉnh được. Thay vì một nút cố định thì bác sĩ buộc nút tạm thời. Sau phẫu thuật, khi bệnh nhân tỉnh, hướng nhìn của mắt có thể được đánh giá lại, và nếu cần thiết, có thể cần điều chỉnh lại trước khi nút thắt cố định được buộc để giảm nguy cơ quá chặt hoặc quá lỏng. Việc này thường được tiến hành vào ngày phẫu thuật hoặc hôm sau.

Sau phẫu thuật

Bất kỳ bệnh nhân nào sau phẫu thuật, dù là gây mê toàn thân hay gây tê tại chỗ đều cần được theo dõi. Trẻ em có thể đi học trở lại sau 2 ngày. Người lớn không nên lái xe vào ngày phẫu thuật và ngày sau phẫu thuật và có thể cần đến 1 tuần để đi làm trở lại. Bạn có thể nhìn đôi, có thể kéo dài vài tiếng đến vài ngày hoặc 1 tuần hay hơn thế, hiếm khi kéo dài hơn. Phải thận trọng với các hoạt động như lái xe nếu bị nhìn đôi.

Đau thường ít và thường các thuốc không cần kê đơn, như ibuprofen (Motrin) hay acetaminophen (Tylenol) và chườm lạnh là đủ giảm đau. Người lớn và trẻ lớn có thế cần kê thuốc giảm đau.

Việc hạn chế chính sau phẫu thuật lác mắt là không bơi trong 2 tuần.

Mắt có thể bị đỏ từ 1 đến 2 tuần, đặc biệt sau phẫu thuật lại, hiếm khi lâu hơn.

Những nguy cơ tiềm ẩn của phẫu thuật lác mắt

Khả năng bị bất kỳ biến chứng nặng nào từ việc phẫu thuật lác mắt mà có thể ảnh hưởng đến thị lực hoặc tình trạng khỏe mạnh của mắt là cực kỳ hiếm. Tuy nhiên, có các nguy cơ khi thực hiện bất cứ cuộc phẫu thuật nào, như:

- Đau mắt;

- Đỏ mắt;

- Mắt còn lại nhìn lệch;

- Nhìn đôi;

- Nhiễm trùng;

- Chảy máu;

- Mỏng củng mạc;

- Giảm thị lực;

- Bong võng mạc;

- Các biến chứng liên quan đến gây mê.

Phẫu thuật lác mắt thế nào là thành công?

Phẫu thuật lác mắt là một thủ thuật thường gặp và hầu hết bệnh nhân sẽ thấy được sự cải thiện lớn về hướng nhìn sau phẫu thuật. Trong một số trường hợp, bạn có thể cần đến phẫu thuật bổ sung hoặc lăng kính để tối ưu hóa hướng nhìn của mắt. Mỗi trường hợp lác mắt là khác biệt và nên được tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa Mắt để biết được mục tiêu và kỳ vọng về cuộc phẫu thuật./.


Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên