22/11/2018 17:06 GMT+7

Phòng ngừa và sàng lọc ung thư cổ tử cung

Nguồn: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Nguồn: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Ung thư cổ tử cung là một trong những loại ung thư thường gặp và gây tử vong ở nữ giới.

Phòng ngừa và sàng lọc ung thư cổ tử cung - Ảnh 1.

Pap test. Nguồn: mayoclinic.org

Ung thư cổ tử cung là gì?

Ung thư bắt đầu khi các tế bào trong cơ thể bắt đầu phát triển ngoài tầm kiểm soát. Các tế bào trong gần như bất kỳ phần nào của cơ thể có thể trở thành ung thư, và có thể lan sang các khu vực khác của cơ thể. Ung thư cổ tử cung bắt đầu từ các tế bào lót cổ tử cung - phần dưới của tử cung. Cổ tử cung nối thân tử cung với âm đạo. Cổ tử cung được tạo thành từ hai phần khác nhau và được bao phủ bởi hai loại tế bào khác nhau:

- Một phần của cổ tử cung gần nhất với thân của tử cung được gọi là vùng trong cổ tử cung và được bao phủ bởi các tế bào tuyến.

- Các phần bên cạnh âm đạo là vùng ngoài cổ tử cung và được bao phủ trong các tế bào vảy.

Hầu hết các bệnh ung thư cổ tử cung đều bắt đầu ở các tế bào trong vùng chuyển đổi. Những tế bào này không đột nhiên biến thành ung thư. Thay vào đó, các tế bào bình thường của cổ tử cung đầu tiên dần dần phát triển những thay đổi tiền ung thư biến thành ung thư. Những thay đổi này có thể được phát hiện bằng xét nghiệm Pap test.

Mặc dù ung thư cổ tử cung bắt đầu từ các tế bào có thay đổi tiền ung thư nhưng chỉ một số phụ nữ sẽ phát triển ung thư. Nó thường mất vài năm để trở thành ung thư, nhưng nó có thể xảy ra trong vòng chưa đầy một năm. Đối với hầu hết phụ nữ, các tế bào tiền ung thư sẽ biến mất mà không cần điều trị. Tuy nhiên, ở một số phụ nữ tiền ung thư biến thành ung thư thực sự (xâm lấn). Điều trị tất cả các bệnh tiền ung thư cổ tử cung có thể ngăn ngừa hầu như tất cả các bệnh ung thư cổ tử cung.

Các yếu tố nguy cơ của ung thư cổ tử cung là gì?

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung. Phụ nữ không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào hiếm khi phát triển ung thư cổ tử cung. Mặc dù những yếu tố nguy cơ này làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư cổ tử cung tuy nhiên nhiều phụ nữ có yếu tố nguy cơ không phát triển căn bệnh này.

Các yếu tố nguy cơ ung thư cổ tử cung bao gồm:

- Nhiễm papillomavirus ở người (HPV);

- Hút thuốc;

- Có hệ miễn dịch suy giảm;

- Nhiễm Chlamydia;

- Một chế độ ăn ít hoa quả và rau quả;

- Thừa cân;

- Sử dụng lâu dài thuốc tránh thai;

- Sử dụng vòng tránh thai;

- Mang thai nhiều lần đủ tháng;

- Mang thai lần đầu dưới 17 tuổi;

- Tình trạng kinh tế ;

- Diethylstilbestrol (DES): Một loại thuốc nội tiết tố đã được dùng cho một số phụ nữ;

- Có tiền sử gia đình bị ung thư cổ tử cung;

Ung thư cổ tử cung có thể được ngăn ngừa không?

Tìm tiền ung thư cổ tử cung

Một cách được chứng minh tốt để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung là phải xét nghiệm (sàng lọc) để tìm tiền ung thư trước khi chúng có thể biến thành ung thư xâm lấn. Xét nghiệm Pap (hoặc Pap smear) và xét nghiệm HPV (human papillomavirus) được sử dụng cho việc này. Nếu phát hiện ung thư tiền ung thư, nó có thể được điều trị, ngăn chặn ung thư cổ tử cung trước khi nó thực sự bắt đầu. Hầu hết các bệnh ung thư cổ tử cung xâm lấn được tìm thấy ở những phụ nữ không có xét nghiệm Pap thường xuyên.

Một xét nghiệm HPV có thể được thực hiện trên cùng một mẫu tế bào thu thập được từ xét nghiệm Pap.

Những điều cần làm để ngăn ngừa tiền ung thư và ung thư

HPV được truyền từ người này sang người khác khi da tiếp xúc với vùng nhiễm trùng, kể cả có hay không có quan hệ tình dục. Đồng thời HPV có thể bị lây từ vị trị này đến vị trí khác trên cùng một người.

Một số biện pháp ngăn ngừa tiền ung thư và ung thư:

- Sử dụng bao cao su: Bao cao su cung cấp một số bảo vệ chống lại HPV, và chúng cũng giúp bảo vệ chống lại HIV và một số bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.

- Không hút thuốc: Không hút thuốc là một cách quan trọng khác để giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung và ung thư khác.

- Tiêm phòng: Tiêm vắc-xin có thể bảo vệ những người trẻ chống lại một số chủng HPV nhất định, những chủng này thường là yếu tố nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung. Những vắc-xin này chỉ hoạt động để ngăn ngừa nhiễm một số chủng HPV mà chúng sẽ không điều trị nhiễm trùng đã có. Đó là lý do tại sao, để có hiệu quả nhất, nên chủng ngừa HPV trước khi một người tiếp xúc với HPV (chẳng hạn như thông qua hoạt động tình dục).

Những vắc-xin này giúp ngăn ngừa ung thư cổ tử cung và ung thư tử cung. Một số vắc-xin HPV cũng được chấp thuận để giúp ngăn ngừa các loại ung thư khác, mụn cóc hậu môn và bộ phận sinh dục.

Các khuyến cáo của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ về việc sử dụng vắc-xin HPV tương tự như khuyến cáo của Ủy ban Tư vấn về Thực hành Chủng ngừa Liên bang (ACIP) bao gồm những điều sau đây:

- Việc chủng ngừa HPV định kỳ cho trẻ em gái và trẻ em trai nên được bắt đầu ở tuổi 11 hoặc 12. Có thể bắt đầu tiêm chủng sớm nhất là 9 tuổi.

- Việc chủng ngừa HPV cũng được khuyến cáo cho phụ nữ từ 13 đến 26 tuổi và đối với nam giới từ 13 đến 21 tuổi chưa bắt đầu chủng ngừa, hoặc những người đã bắt đầu nhưng chưa hoàn thành. Nam giới 22 đến 26 tuổi cũng có thể được chủng ngừa, tuy nhiên hiệu quản kém hơn.

- Việc chủng ngừa HPV cũng được khuyến cáo cho đến 26 tuổi đối với nam giới có quan hệ tình dục đồng giới và đối với những người bị suy giảm hệ miễn dịch (kể cả những người bị nhiễm HIV), nếu trước đó họ không được chủng ngừa.

Điều quan trọng là phải nhận ra rằng không có vắcxin nào cung cấp sự bảo vệ hoàn toàn chống lại tất cả các chủng HPV gây ung thư, do đó việc kiểm tra ung thư cổ tử cung thường quy là cần thiết.

Khuyến cáo của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ về Phòng ngừa và Phát hiện sớm Ung thư Cổ tử cung

- Tất cả phụ nữ nên bắt đầu xét nghiệm ung thư cổ tử cung (sàng lọc) ở tuổi 21. Phụ nữ tuổi từ 21 đến 29, nên được thử Pap mỗi 3 năm một lần. Không nên sử dụng xét nghiệm HPV để sàng lọc ở nhóm tuổi này.

- Bắt đầu từ 30 tuổi, cách tốt nhất để sàng lọc là xét nghiệm Pap kết hợp với xét nghiệm HPV sau mỗi 5 năm, nên tiếp tục cho đến 65 tuổi.

- Một lựa chọn hợp lý khác cho phụ nữ từ 30 đến 65 là được xét nghiệm 3 năm một lần chỉ với xét nghiệm Pap.

- Những phụ nữ có nguy cơ cao bị ung thư cổ tử cung vì suy giảm miễn dịch (ví dụ nhiễm HIV, cấy ghép nội tạng hoặc sử dụng steroid lâu dài) hoặc do họ tiếp xúc với DES trong tử cung có thể cần được kiểm tra thường xuyên hơn. Họ nên làm theo các khuyến nghị của nhóm chăm sóc sức khỏe của họ.

- Phụ nữ trên 65 tuổi đã được kiểm tra thường xuyên trong 10 năm trước nên ngừng sàng lọc ung thư cổ tử cung miễn là họ chưa từng có tiền ung thư trong 20 năm qua.

- Phụ nữ đã cắt bỏ tử cung toàn phần (cắt bỏ tử cung và cổ tử cung) nên ngừng sàng lọc (chẳng hạn như xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV), trừ khi cắt bỏ tử cung được thực hiện để điều trị ung thư cổ tử cung. Phụ nữ đã cắt bỏ tử cung mà không cần cắt bỏ cổ tử cung nên tiếp tục sàng lọc ung thư cổ tử cung theo các hướng dẫn ở trên.

- Phụ nữ ở mọi lứa tuổi không nên được kiểm tra hàng năm bằng bất kỳ phương pháp sàng lọc nào.

- Phụ nữ đã được chủng ngừa HPV vẫn nên tuân thủ các hướng dẫn này.

- Phụ nữ đã ngừng sinh con vẫn có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung và cần được sàng lọc định kỳ phát hiện sớm.

- Mặc dù không nên thực hiện sàng lọc hàng năm, những phụ nữ có kết quả xét nghiệm bất thường có thể cần phải làm xét nghiệm Pap tiếp theo (đôi khi có xét nghiệm HPV) trong 6 tháng hoặc một năm.

Sàng lọc và phòng ngừa chiếm một vai trò vô cùng quan trọng giúp ngăn ngừa, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả ung thư cổ tử cung.

Nguồn: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên