22/02/2023 13:45 GMT+7

Sống sót kỳ diệu dưới lưỡi hái tử thần - Kỳ 3: Người sống sót như có phép màu trong máy bay rơi

98 người thiệt mạng gồm 97 người trên máy bay và một người dưới đất. Ông Zafar Masud là một trong hai hành khách may mắn sống sót như có phép màu cứu giúp.

Ông Masud là một trong hai hành khách sống sót - Ảnh: Facebook

Ông Masud là một trong hai hành khách sống sót - Ảnh: Facebook

Ngày 22-5-2020, máy bay Airbus A320 mang số hiệu PK-8303 của Hãng hàng không Pakistan International Airlines (PIA) bay tuyến Lahore - Karachi đã rơi xuống khu dân cư trên đường số 1 thuộc khu phố Jinnah Garden tại Karachi cách sân bay quốc tế Jinnah không xa.

Tôi luôn nhắc nhở bản thân rằng đây là thiên đường vay mượn.
ZAFAR MASUD

Quyết định đổi ghế vào giờ chót đã cứu mạng

Sau một thời gian dài làm việc trong nhiều ngân hàng như American Express, Citibank và Barclays, ông Zafar Masud (52 tuổi) vừa mới nắm quyền chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Ngân hàng Punjab vài tuần trước khi tai nạn máy bay xảy ra.

Lúc bấy giờ Pakistan đang bước vào đợt phong tỏa đầu tiên trong đại dịch COVID-19. Do đó, ông điều hành công việc qua các cuộc họp trực tuyến từ nhà riêng ở Karachi.

Cuối cùng do cần đích thân giải quyết công việc, ông đã bay tới Lahore và dự kiến cuối tháng 5 sẽ trở lại Karachi dự lễ Eid vào cuối tháng ăn chay Ramadan của các tín đồ Hồi giáo.

Sáng ngày định mệnh 22-5-2020, lẽ ra ông phải đáp chuyến bay sớm nhưng do có thói quen dậy muộn nên ông đã đổi vé sang chuyến bay muộn hơn. Đây là chuyến bay mới bổ sung thêm để giải quyết lượng hành khách gia tăng đột ngột trong dịp lễ Eid.

Người trợ lý mới không biết ông thích ngồi gần lối đi nên đã đặt cho ông một chỗ cạnh cửa sổ. Ông đã quyết định đổi chỗ ngồi từ ghế gần cửa sổ sang ghế 1C cạnh lối đi.

Sau một giờ chiều hôm ấy, chuyến bay bắt đầu cất cánh. Ông quan sát thấy mọi việc diễn ra khẩn trương một cách bất thường. Ông nhớ lại: "Mọi thứ trông như vội vội vàng vàng cho kịp giờ như thể có điều gì đó sắp xảy ra".

Khi chuẩn bị đáp xuống Karachi, máy bay Airbus A320 đã đập mạnh xuống đường băng ba lần rồi cất cánh trở lại để tiếp tục hạ cánh. Va chạm đã làm hỏng hai động cơ và chúng đã ngừng hoạt động khi máy bay quay đầu đáp xuống trở lại sân bay.

Động cơ va xuống đường băng một thời gian ngắn với tốc độ cao tạo ra va chạm khiến các hành khách có cảm giác như máy bay đang cào dọc đường băng. Các tiếp viên hàng không ngồi gần đó bắt đầu bật khóc và cầu nguyện.

Kết quả điều tra sau này cho thấy máy bay đã hạ cánh quá nhanh và cắm đầu bất thường do các phi công bị phân tâm trong lúc thảo luận về đại dịch COVID-19. Họ đã điều khiển hạ càng đáp cách sân bay 1.600m nhưng không hiểu sao lại nâng càng lên ở khoảng cách 800m.

Từ chỗ ngồi của mình, qua cửa máy bay ông Masud có thể nhìn thấy máy bay cắm mũi xuống đất và ông biết không còn cơ hội nào sống sót. Ông có niềm tin tâm linh rất mãnh liệt và thường hay nói chuyện một mình.

Ông kể trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, ông đã tự nhủ: "Trời ơi, mọi chuyện kết thúc rồi". Không hiểu sao ông nghe có tiếng phản hồi trong con người ông: "Vâng, nhưng bạn rồi sẽ ổn". Ông đáp: "Làm sao có thể ổn được? Chuyện này không thể tránh được". Tiếng nói nội tâm trả lời: "Đúng, nó đang xảy ra nhưng bạn sẽ sống sót".

Giờ đây nhắc lại tai nạn máy bay kinh hoàng và phân tích vì sao mình là người sống sót kỳ diệu trong khi hầu như tất cả hành khách và phi hành đoàn đều thiệt mạng, ông cho rằng ông còn sống có lẽ bắt nguồn từ sở thích đơn giản thích ngồi gần lối đi.

Trao đổi với báo The Telegraph (Anh) từ văn phòng tại trụ sở chính của ngân hàng ở Lahore, ông giải thích: "Tôi nghĩ vị trí của ghế ngồi đã giữ vai trò rất quan trọng để tôi còn sống sót".

Vị hành khách đổi ghế cho ông nằm trong số các nạn nhân thiệt mạng, nhưng nhiều hành khách ngồi cùng hàng ghế lối đi cũng không được may mắn như ông.

Máy bay mang số hiệu PK-8303 rơi tan nát ở khu dân cư Karachi - Ảnh: AP

Máy bay mang số hiệu PK-8303 rơi tan nát ở khu dân cư Karachi - Ảnh: AP

Sống để mang đến điều tích cực cho mọi người

Ông Zafar Masud đã ngất xỉu trước khi máy bay rơi. Ghế ngồi của ông bị gãy văng cách xa thân máy bay bốc cháy, sau đó va vào tòa nhà ba tầng rồi rơi xuống mui một chiếc xe hơi đậu dưới đất, vì vậy lực rơi đã giảm đi rất nhiều. Ba người trong xe hơi đã giúp cứu ông. 

Ông giải thích: "Tôi chắc chắn đây phải là phép màu chứ không thể gọi cách nào khác. Xác suất bao nhiêu khi máy bay rơi xuống khu vực đó và có ai đó ngồi sẵn trong xe của họ?".

Ông được đưa vào bệnh viện với một cánh tay bị gãy nặng và dây chằng đầu gối bị rách. Ông tin rằng nhờ ngất xỉu trước khi va đập xảy ra nên đã tránh được chấn thương tâm lý. Dù vậy, trong hai năm qua ông phải chấp nhận cuộc sống cá nhân thay đổi vì là một trong hai người sống sót. 

Ông bộc bạch: "Đây có lẽ là giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời tôi mà tôi vẫn đang cố gắng vượt qua với rất nhiều nỗ lực và can đảm".

Ông đã cố gắng hồi phục sau tai nạn, đặc biệt là hồi phục về sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, ông phát hiện mình phải chịu đựng cảm giác tội lỗi mãnh liệt rằng mình còn sống trong khi những người khác thì không.

Ông giải thích: "Tôi nhận ra mình đã chìm ngập trong cảm giác tội lỗi của người sống sót. Tôi không thể tự mình gặp những người sống sót khác hoặc gia đình các nạn nhân. Tôi rất khó đến dự tang lễ mà không suy nghĩ rằng gia đình những người đã khuất chắc hẳn thắc mắc tại sao tôi lại được ban phép màu trong khi người thân của họ thì không".

Ông Masud (trái) đi máy bay trở lại lần đầu vào tháng 9-2020 Ảnh: pkaviation.com

Ông Masud (trái) đi máy bay trở lại lần đầu vào tháng 9-2020 Ảnh: pkaviation.com

Sau khi ông quay trở lại làm việc trong ngành ngân hàng, tai nạn máy bay đã làm thay đổi cách nhìn của ông về cuộc sống hiện tại. 

Ông kể: "Trải nghiệm này đã củng cố một số suy nghĩ vốn chông chênh trước khi tai nạn xảy ra. Bây giờ tôi đã xác định rõ ràng hơn về điều gì quan trọng và điều gì không quan trọng trong cuộc sống".

"Đây là cuộc sống ân huệ tôi đang thụ hưởng. Tôi đang sống trong thiên đàng vay mượn. Tôi phải bảo đảm làm mọi việc tôi bắt buộc phải làm để mang đến tác động tích cực cho mọi người", ông kết luận.

Ngân hàng do ông quản lý hiện nay đã chi tiêu nhiều hơn cho lĩnh vực nghệ thuật. Ông đã quyết định thành lập một quỹ riêng về an toàn giao thông cho hành khách. 

Quỹ thực hiện hai chức năng chính. Một là nâng cao nhận thức về an toàn của hành khách và quyền của họ. Hai là làm việc với các nhà hoạch định chính sách để cải thiện các quy định về an toàn, vận động hành lang để thay đổi luật và thực thi pháp luật nhằm bảo vệ hành khách.

Chiếc xe mất phanh lăn xuống con dốc đứng. Một người phụ nữ mắc kẹt trong xe trong tình trạng chấn thương. Hình ảnh các con đã giúp bà vượt qua khổ nạn sáu ngày.

Người sợ máy bay, người vẫn đi

Hành khách sống sót thứ hai tên Mohammad Zubair (24 tuổi) ngồi ghế 10C là kỹ sư cơ khí đã bị bỏng ở tay và chân trong tai nạn máy bay. Sau khi bình phục, Zubair quyết định không đi máy bay nữa mà chỉ di chuyển bằng đường bộ.

Trong khi đó, ông Masud lại quyết định cần phải đi máy bay trở lại để làm gương cho người khác. Ông chọn cách đi cùng chuyến bay của Hãng hàng không PIA trên cùng tuyến đường đã gặp tai nạn và ngồi đúng ghế 1C cạnh lối đi.

Từ đó đến nay ông đã đi máy bay theo cách này hàng chục lần.

Sống sót kỳ diệu dưới lưỡi hái tử thần - Kỳ 2: Lênh đênh trên vùng biển cá mập hổSống sót kỳ diệu dưới lưỡi hái tử thần - Kỳ 2: Lênh đênh trên vùng biển cá mập hổ

Đêm 16-10-2017, tàu FV Dianne quyết định ra khơi sau một ngày neo ở cảng vì biển động. Tàu dự tính đi từ Cairns xuống Bundaberg (bang Queensland của Úc) để săn bắt hải sâm dưới đáy biển.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên