Các quy trình làm việc, phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp không được triển khai cho thấy doanh nghiệp không tuân thủ đúng trách nhiệm tại nơi làm việc.
Về mặt tổ chức nhà nước, chúng ta đã có phân cấp rất rõ về trách nhiệm. Tuy nhiên, tần suất thanh tra, kiểm tra, kiểm định, huấn luyện còn mang tính hình thức, thiếu sâu sát, chưa phát hiện kịp thời các vi phạm, nguy cơ mất an toàn hoặc có phát hiện nhưng việc xử lý chưa nghiêm.
Việc đầu tư nguồn lực của doanh nghiệp cho công tác vệ sinh an toàn, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng còn khiêm tốn, nhất là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Công tác khám, chẩn đoán, giám định và điều trị bệnh nghề nghiệp còn rất hạn chế, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động mới tác động chủ yếu đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh quy mô lớn, tập trung ở các khu công nghiệp, khu chế xuất mà chưa triển khai sâu rộng đến nhóm doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ, các làng nghề truyền thống.
Ở nhiều nước, thanh tra phải đến trực tiếp nơi làm việc của người lao động. Khi phát hiện những điểm chưa đảm bảo, thanh tra yêu cầu doanh nghiệp khắc phục ngay vi phạm an toàn lao động vì khi sự cố xảy ra, hậu quả sẽ rất lớn.
Theo nghiên cứu của Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động, nhiều nguyên nhân dẫn tới tai nạn lao động. Trong đó nguyên nhân chủ quan chiếm phần lớn, lên tới 73%, bắt nguồn từ sự coi nhẹ, làm việc qua loa, sơ sài.
Để giảm thấp nhất các vụ tai nạn lao động, người sử dụng lao động, nhà thầu, chủ đầu tư cần kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên các loại máy móc, trang thiết bị tại cơ sở, đồng thời sửa chữa máy móc, thiết bị hư hỏng kịp thời, bảo đảm an toàn cho quá trình làm việc.
Việc đào tạo chuyên môn, kỹ năng vận hành máy móc rất quan trọng, tránh người lao động chưa biết sử dụng vẫn cố khởi động, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Các đơn vị, tổ chức cần thường xuyên huấn luyện, tập luyện, nâng cao ý thức cảnh giác, xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp các tình huống bất ngờ. Sử dụng lưới bảo hộ, hàng rào che chắn ở những nơi đang thi công, đồng thời lắp biển cảnh báo, biển phát quang để người dân dễ dàng nhận biết.
Về lâu dài, ngoài sửa đổi, bổ sung Luật An toàn vệ sinh lao động, chính quyền địa phương cần có phương án kiểm soát từ sớm, từ xa, không để xảy ra sự cố môi trường, cháy nổ, hóa chất.
Chính phủ cần chỉ đạo có chương trình đánh giá hiện trạng an toàn của hệ thống công nghệ, máy, thiết bị, nhà xưởng, nguyên vật liệu, hóa chất đang sử dụng tại doanh nghiệp để có cơ sở dữ liệu, đánh giá nguy cơ, rủi ro.
Trường hợp vi phạm phải làm rõ nguyên nhân để phòng ngừa tai nạn tái diễn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính, thậm chí xem xét trách nhiệm hình sự nếu có.
Đối với người lao động, phải có trách nhiệm bảo vệ chính mình và đồng nghiệp. Nếu có nguy cơ, rủi ro xảy ra tai nạn lao động, bệnh tật, người lao động có quyền từ chối làm việc.
Song để người lao động thực hiện được các quyền, nghĩa vụ này, người sử dụng lao động, Nhà nước cần phải trang bị cho người lao động kiến thức, kỹ năng và cả thái độ, văn hóa, tác phong làm việc kỷ luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận