02/05/2023 08:12 GMT+7

Sài Gòn - TP.HCM 325 năm: Phố cổ không chỉ để ngắm mà còn là làm ăn

Những thành phố lâu đời trên thế giới luôn tự hào giữ được phố cổ không chỉ để ngắm nhìn, mà còn làm kinh tế phát đạt. Paris có khu Montmartre, Washington DC có Alexandria Town, Matxcơva có phố Arbat, Singapore có China Town và Little India...

Mặt tiền chợ Bình Tây, quận 6, TP.HCM - Ảnh: HẢI QUỲNH

Mặt tiền chợ Bình Tây, quận 6, TP.HCM - Ảnh: HẢI QUỲNH

Với Việt Nam, từ lâu phố cổ Hà Nội và phố cổ Hội An là hai điểm đến vang danh quốc tế.

Trong khi ấy, TP.HCM cũng có các phố cổ độc đáo, đậm tính Sài Gòn, rất cần khám phá và tôn tạo để làm giàu thêm tích sản văn hóa và kinh tế không riêng cho TP.HCM mà còn cho cả nước.

Ký ức 300 năm

Mới đây, Nhà xuất bản Trẻ vừa tái bản sách Ký ức lịch sử Sài Gòn và vùng phụ cận của Petrus Trương Vĩnh Ký. Đây là một trong những "cổng vào quá khứ" quan trọng, giúp chúng ta tìm lại nhiều dấu vết Sài Gòn xưa trước khi người Pháp đến.

Theo Petrus Ký, vào đầu thế kỷ 19, xung quanh tòa thành Gia Định có đến 40 xóm làng nông nghiệp và thủ công, cùng nhiều chợ búa tấp nập.

Theo chỉ dẫn của ông, có thể nhận ra ở vùng đất từ bến Bạch Đằng ngày nay đổ vào, ra đến quận 5 từng có nhiều hàng phố và chợ chuyên kinh doanh. Chúng mang những cái tên rất mộc mạc, phản ánh nhiều loại ngành nghề và sinh hoạt thị dân phong phú.

Mở đầu là chợ Sõi ở bờ sông, chợ Vải (khu vực Kho bạc và chợ Cũ) bên dòng kinh dẫn vào cổng thành. Kế đến là chợ Da Còm (khu vực Bảo tàng thành phố và Thư viện Khoa học tổng hợp), sát bên là xóm Thầy Bói và xóm Thợ Tiện. Trở lên phía công viên Chi Lăng và Nhà hát lớn, khu này có xóm Hàng Đinh.

Về hướng công trường Quách Thị Trang và đại lộ Trần Hưng Đạo có một loạt địa điểm buôn bán và chế biến hàng hóa mang tên chợ Đũi, xóm Buồm Đệm và xóm Lá Buôn (ngã sáu Phù Đổng), xóm Vườn Mít và xóm Cầu Quan (công viên 23-9), Cầu Kho và Cầu Gạo (đường Trần Đình Xu). Quanh đường Yersin và Calmette, từng có xóm người Khmer chuyên dệt chiếu và xóm người Lào chuyên đóng thùng xách nước.

Đi về hướng khu vực Tao Đàn, có thêm xóm Lụa, xóm Thuẫn và xóm Củ Cải. Còn về phía đường Cống Quỳnh, Phạm Ngũ Lão, nhà thờ Huyện Sĩ có chợ Điều Khiển.

Ngôi nhà cổ trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5 (đường Trần Hưng Đạo - Phù Đổng Thiên Vương) - Ảnh: HẢI QUỲNH

Ngôi nhà cổ trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5 (đường Trần Hưng Đạo - Phù Đổng Thiên Vương) - Ảnh: HẢI QUỲNH

Từ Cột cờ Thủ Ngữ, cặp theo rạch Bến Nghé, dẫn vào Chợ Lớn, lần lượt có các xóm Lò Rèn, xóm Bột, xóm Cối Xay, xóm Lá. Và thêm nữa, xóm Cốm, xóm Câu, xóm Dầu, xóm Lò Gốm và xóm Lò Vôi...

Khu Chợ Lớn chính là hai dãy phố nằm dọc con rạch bề thế, nay là đường Hải Thượng Lãn Ông và Châu Văn Liêm. Thời nhà Nguyễn, hai bên rạch là các dãy nhà lớn - người Hoa gọi là Tàu Khậu - vừa là cửa hàng vừa là kho hàng.

Trên con rạch, có đến ba cây cầu mang tên Cầu Đường (nơi bày bán nhiều loại đường), Cầu Khâm Sai và Cầu Phố. Từ đấy, đi tới nữa ta sẽ gặp xóm Thợ Rèn, chợ Lò Rèn - "tiếng Tàu" gọi là Quân Mậu Tài (khu vực chợ vải Đèn Năm Ngọn).

Ngần ấy phố xưa, chợ xưa cho thấy diện mạo Sài Gòn vào đầu thế kỷ 19 là một thành thị tấp nập, giao lưu tứ xứ.

Đó cũng là quang cảnh được bài phú "Gia Định phong cảnh vịnh", do Petrus Ký sưu tầm, khắc họa một cách phấn chấn và tự hào: Trước đường phố bày hàng bày hóa. Sau nhà quê trồng bắp, trồng khoai...

Chốn chốn phong quang ca xướng. Nhà nhà lịch lãm an nơi. Tuy nhiên, vào tháng 2-1859, liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm chiếm Sài Gòn.

Binh lửa đã làm Thành xưa - Phố xưa - Chợ xưa của Sài Gòn điêu tàn. Nhưng dẫu sao, dấu tích của Sài Gòn cách đây hơn 200 năm vẫn còn rải rác qua một số di tích đền miếu, đình chùa, địa danh, tranh vẽ và sách vở.

Trăm năm nay, chợ Bến Thành luôn thu hút khách du lịch trong ngoài nước- Ảnh: HỮU HẠNH

Trăm năm nay, chợ Bến Thành luôn thu hút khách du lịch trong ngoài nước- Ảnh: HỮU HẠNH

Trăm năm phố cổ

Từ giữa thế kỷ 19 trở đi, trên nền đô thị Sài Gòn cổ điển mang tính Á Đông đã ra đời một đô thành Sài Gòn tân tiến, hội nhập cả hai nền văn hóa Đông - Tây. Người Pháp du nhập vào Sài Gòn những con phố thương mại xây dựng theo lối châu Âu.

Đó là những dãy nhà phố nhiều tầng, có vỉa hè phía trước rộng rãi, chạy dọc theo các con đường thẳng thớm. Các con đường có các dãy nhà phố hiện đại được xây cất đầu tiên chính là "bộ ba" Catinat (Đồng Khởi), Charner (Nguyễn Huệ) và Lê Lợi (Bonard).

Cho đến hiện tại, các con phố này vẫn là phố thương mại bậc nhất của TP.HCM với nhiều cửa hàng, thương xá, khách sạn, nhà hàng, quán cà phê sang trọng và mang tính quốc tế.

Rất tiếc từ khoảng năm 2014, nhiều kiến trúc xưa tiêu biểu của bộ ba đường này đã dần dần "lên trời" như khu Eden, tòa nhà 213 Đồng Khởi và đặc biệt là thương xá Tax (xây dựng năm 1925).

Thế nên, chính quyền và toàn xã hội càng khẩn thiết gìn giữ các kiến trúc di sản quý hiếm còn lại như Nhà hát lớn (1901), khách sạn Continental (1905), tòa nhà Hỏa Xa (1914), cư xá Arcade Sài Gòn và tòa nhà Brodard (thập niên 1920), khách sạn Grand và Majestic (thập niên 1920), dãy phố Lê Lợi từ góc Phan Bội Châu đến Nguyễn Trung Trực (thập niên 1920), Kho bạc Nhà nước (1925)...

Trong khi đó, khu phố Chợ Bến Thành, ra đời cách đây 109 năm, may mắn vẫn còn khá nguyên vẹn từ dáng vẻ kiến trúc đến sinh hoạt đặc thù như hồi mới khởi tạo.

Chỉ riêng chợ Bến Thành đã có diện tích là 13.116m2, còn toàn khu gồm các con phố bao quanh (Pasteur, Lê Thánh Tôn, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn An Ninh, Lưu Văn Lang, Phạm Hồng Thái, công trường Quách Thị Trang và một phần Lê Lợi), có tổng diện tích lên đến 91.578m2.

Các con phố xung quanh chợ Bến Thành đều có bề dày về cả kiến trúc, lịch sử và thương mại.

Đơn cử hai con phố Phan Chu Trinh (tên thời Pháp là Schroeder) và Phan Bội Châu (Vienot) từng có những thương hiệu nổi tiếng như Vàng Kim Thành, bánh trung thu Đông Hưng Viên, lụa Bombay...

Các dãy nhà phố tại đây là nhà liên kế ba tầng lợp ngói theo kiểu Tây của "chú Hỏa" - Hui Bon Hua xây cất và kinh doanh cùng với sự ra đời của chợ Bến Thành.

Đối diện phía cửa Bắc chợ, ngay góc đường Thủ Khoa Huân (Garros) và Lê Thánh Tôn (Espagne) vẫn còn nguyên tòa nhà từng là khách sạn Cửu Long Giang - nơi trình diễn đờn ca tài tử như một dịch vụ ca nhạc đầu tiên của Sài Gòn.

Dãy nhà cổ đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, TP.HCM - Ảnh: HẢI QUỲNH

Dãy nhà cổ đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, TP.HCM - Ảnh: HẢI QUỲNH

Bản thân chợ Bến Thành với tháp đồng hồ độc đáo là biểu tượng giao thương của Sài Gòn, in bóng trong tâm khảm nhiều thế hệ người Việt Nam và du khách.

Bên trong và bên ngoài nhà lồng là địa điểm rất thích hợp để không chỉ diễn ra các hoạt động mua sắm và ẩm thực mà còn có thể tiến hành các hoạt động văn nghệ, văn hóa thu hút đông đảo khách trong và ngoài nước như các ngôi chợ nhà lồng cổ ở Hong Kong, Kuala Lumpur, Istanbul.

Từ hè năm rồi, chợ Bến Thành đã thử nghiệm mở cửa đêm đến 21h, với hơn 300 quầy sạp đa dạng. Nếu bổ sung thêm việc quảng bá, trang trí, kể cả dùng ánh sáng nghệ thuật, chắc chắn nơi đây sẽ là một điểm đến rất hấp dẫn. Cả khu phố Chợ Bến Thành xứng đáng được coi là phố cổ Sài Gòn lâu đời và rộng lớn nhất thành phố!

Nay mai tuyến metro Suối Tiên - Bến Thành hoạt động, cả khu phố Chợ Bến Thành còn là địa điểm giao kết nhiều tuyến metro dọc ngang thành phố. Do vậy, việc tái tạo và chỉnh trang khu phố lâu đời và danh giá này càng có thêm lý do và động lực để tiến hành nhanh sớm và vững chắc.

Góc Phan Chu Trinh - Nguyễn An Ninh, nơi từng có tiệm bánh trung thu Đông Hưng Viên - Ảnh: HỮU HẠNH

Góc Phan Chu Trinh - Nguyễn An Ninh, nơi từng có tiệm bánh trung thu Đông Hưng Viên - Ảnh: HỮU HẠNH

Tài nguyên của phố

TP.HCM còn có các khu phố cổ khác trên dưới 100 tuổi đời, với nhiều kiến trúc xưa và sinh hoạt đặc thù vẫn đang tồn tại.

Có thể kể đến các khu Chợ Cũ (Tôn Thất Đạm), khu Tài chính - Ngân hàng (Bến Chương Dương, Nguyễn Công Trứ, Hàm Nghi), khu Boresse (Yersin - Calmette - Ký Con - Phó Đức Chính) tiếp giáp chợ Bến Thành.

Đặc biệt, khu vực quận 5 và quận 6 có các dãy phố xưa, chợ nhà lồng mang dấu ấn kiến trúc Pháp - Hoa và hoạt động giao thương sầm uất như Trần Hưng Đạo (Đồng Khánh cũ), Hải Thượng Lãn Ông, Lương Nhữ Học, Bưu điện quận 5, chợ Bình Tây, chợ Hòa Bình và các nhà phố xung quanh...

Toàn bộ khu vực Chợ Lớn xưa có thể xây dựng thành một "đại phố ẩm thực, đại phố giao thương" giới thiệu tinh hoa hàng hóa và văn hóa của cả Việt lẫn Hoa mà ít nơi nào có được muôn màu muôn vẻ, đặc sắc như thế!

Ngôi nhà góc phố Thủ Khoa Huân - Lê Thánh Tôn từng là khách sạn Cửu Long Giang, nơi diễn ra đờn ca tài tử đầu tiên - Ảnh: HỮU HẠNH

Ngôi nhà góc phố Thủ Khoa Huân - Lê Thánh Tôn từng là khách sạn Cửu Long Giang, nơi diễn ra đờn ca tài tử đầu tiên - Ảnh: HỮU HẠNH

Việc tôn tạo và khai thác các giá trị văn hóa - thương mại - lịch sử từ các khu phố cổ phong phú của TP.HCM cần khởi đầu bằng việc nghiên cứu trên từng địa bàn, sưu tầm, gìn giữ thông tin, ký ức và hiện vật nhiều mặt của các khu phố cổ.

Các tư liệu trân quý này sẽ giúp giới chuyên môn có cách tái hiện chân thực và đầy đủ chân dung phố cổ thông qua các bảng lưu niệm, tiểu cảnh, tượng đài trên đường phố, thêm vào đó là hiện vật, phim ảnh giới thiệu trong các bảo tàng thực và bảo tàng ảo về lịch sử đa dạng của Sài Gòn.

Nếu tiến hành nghiên cứu và quy hoạch một cách lâu dài và chuyên nghiệp thì các phố xưa, chợ xưa tại TP.HCM sẽ chính là những điểm đến du lịch và thưởng ngoạn kỳ thú cho các thế hệ trẻ và đông đảo du khách, là nguồn nguyên liệu dồi dào cho các sáng tạo ca kịch, phim ảnh, tiểu thuyết, đem đến nhiều ý tưởng để tạo ra các thương hiệu và sản phẩm mang bóng dáng "Sài Gòn cổ" cho các doanh nghiệp, cửa hàng, nhà hàng, quán xá, khách sạn, trung tâm thương mại...

Việc nghiên cứu và quảng bá phố cổ Sài Gòn không thể chỉ là công việc của các sở ban ngành liên quan hay báo đài, đó sẽ là công việc đầy say mê và cảm hứng cho các chuyên gia và sinh viên nhiều ngành từ sử học, quy hoạch đến kiến trúc, mỹ thuật, kinh doanh.

Nghĩ từ biểu trưng xưa...

Khu phố Chợ Bến Thành rộng lớn và công trường Cuniac (nay là Quách Thị Trang) cách đây 100 năm - Ảnh: Tư liệu

Khu phố Chợ Bến Thành rộng lớn và công trường Cuniac (nay là Quách Thị Trang) cách đây 100 năm - Ảnh: Tư liệu

Liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm chiếm Sài Gòn vào tháng 2-1859. 6 năm sau, chính quyền chiếm đóng chính thức khai sinh một đô thị hiện đại, gọi đây là "Villle de Saigon" - thành phố Sài Gòn.

Theo các tài liệu lưu trữ, từ khoảng 1870-1880, trên các giấy tờ công văn, khai sanh, thông báo... của chính quyền thành phố đã xuất hiện hình biểu trưng hay còn gọi là huy hiệu đô thị của Ville de Saigon, như thông lệ của các thành phố phương Tây.

Hình vẽ thể hiện hai cọp vằn trong tư thế cường tráng và uyển chuyển vờn quanh một tấm khiên. Cọp chính là linh vật bản địa của Sài Gòn, nơi nổi tiếng có cọp dữ - "chúa sơn lâm" thời khai khẩn, hình tượng phổ biến ở các đình miếu Nam Bộ.

Trên cùng tấm khiên là hình vòng thành răng cưa, kiểu châu Âu, thể hiện cho thành thị. Còn trong tấm khiên là hình ảnh một thương thuyền với hai cột buồm lớn có treo cờ và ống khói ở giữa, đang lướt đi trên sóng nước. Góc phải thuyền có một ngôi sao năm cánh, tượng trưng cho sao mai dẫn hướng.

Có lẽ thương thuyền và dòng nước vừa mang ý nghĩa giao thương, vừa nói đến tư thế của một thành phố mở cửa, hướng đến tương lai văn minh tân tiến. Nền toàn cảnh của logo là cành lá nhiệt đới, rõ nét nhất là cành lá chuối, rất Việt Nam.

Dưới chân tấm khiên và hai con cọp là một dải lụa, ghi dòng chữ bằng tiếng Latin: PAULATIM CRESCAM, nghĩa là TỪ TỪ TÔI SẼ LỚN.

Thực tế cho thấy nửa cuối thế kỷ 19 là thời kỳ đô thị Sài Gòn hiện đại hình thành, và đến nửa đầu thế kỷ 20 Sài Gòn đã nhanh chóng lớn mạnh, bắt kịp và sánh vai cùng Singapore, Penang, Hong Kong và nhiều cảng thị phát đạt trong vùng Đông Á.

Biểu trưng Sài Gòn thời Pháp xuất hiện trên kỷ niệm chương Hội chợ Đông Dương 1942 - Ảnh tư liệu

Biểu trưng Sài Gòn thời Pháp xuất hiện trên kỷ niệm chương Hội chợ Đông Dương 1942 - Ảnh tư liệu

Vào đầu thập niên 1930, khi chính quyền Pháp đẩy mạnh quảng bá Đông Dương để thu hút du khách và nhà đầu tư thì logo Ville de Saigon xuất hiện rộng rãi trên nhiều sách báo, tài liệu bằng nhiều thứ tiếng.

Đặc biệt, vào năm 1942, tại Hội chợ - Triển lãm quốc tế Đông Dương ở vườn Tao Đàn, logo Sài Gòn được đưa vào các bộ kỷ niệm chương bằng kim loại, màu nâu đồng.

Logo được bố trí nằm trong hình tròn, hình dáng tòa thành và thương thuyền có chút sửa đổi, hai lá cờ Pháp bị lược bỏ (thời điểm này quân Nhật đã chiếm đóng Đông Dương, chính quyền Pháp ở thuộc địa buộc phải chủ trương tăng cường vai trò người Việt).

Cho đến nay, chúng tôi chưa rõ các tác giả biểu trưng của Sài Gòn xưa là ai. Chỉ được biết logo này còn tồn tại đến năm 1949-1950 trên các giấy tờ của Tòa thị chính.

Sau đấy, việc quản trị thành phố chuyển sang chính quyền Bảo Đại nên logo này có thể không dùng nữa.

Tuy nhiên vào nhiều thập niên kế tiếp, phù điêu lớn khắc hình logo Sài Gòn thời Pháp vẫn còn được trông thấy bên trong nội thất Tòa thị chính (trụ sở UBND TP.HCM ngày nay) và mặt tiền Bệnh viện Sài Gòn trên đường Lê Lợi. Sau năm 1975, rất tiếc, không còn thấy các phù điêu này.

Nhìn lại biểu trưng của Sài Gòn xưa, chúng ta có thể nhận ra nó bao gồm các yếu tố: lịch sử, tâm linh, đặc điểm địa lý và kinh tế, đồng thời có cả phương châm phát triển.

Chúng tôi mong rằng sắp tới việc thiết kế biểu trưng của Sài Gòn - TP.HCM thế kỷ 21 để sử dụng trong đời sống kinh tế - văn hóa - chính trị - giao lưu với quốc tế sẽ không những hay đẹp mà còn lý thú và cũng hội đủ các yếu tố kể trên!

Cholon Downtown: Để Chợ Lớn là điểm không thể bỏ lỡ ở TP.HCMCholon Downtown: Để Chợ Lớn là điểm không thể bỏ lỡ ở TP.HCM

Khi tìm thông tin về các sự kiện văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn (TP.HCM) dịp Tết Nguyên tiêu 2023, nhiều người tìm đến Cholon Downtown và đều ấn tượng với tâm huyết của fanpage này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên