"Trong những tháng tới, nếu hàng rào đó được thiết lập một lần nữa, lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để dỡ bỏ hàng rào đó", Hãng tin AFP dẫn lời phát ngôn viên PCG Jay Tarriela nói ngày 29-9.
Trước đó, Manila tuần tra trên không tại khu vực bãi cạn Scarborough ở Biển Đông và xác nhận đoạn phao nổi của Trung Quốc đã hoàn toàn biến mất. Ông Tarriela cho biết sự hiện diện của tàu Trung Quốc tại đây cũng đã giảm sau vụ việc, còn 4 tàu vào ngày 28-9 so với 7 tàu vào tuần trước.
Trong thông báo ngày 25-9, PCG xác nhận đã gỡ thành công đoạn phao chắn dài khoảng 300m của Trung Quốc tại khu vực này "để bảo vệ quyền của ngư dân" Philippines.
Cũng trong ngày 29-9, trong phát biểu công khai đầu tiên về vụ việc, ông Marcos nói rằng chính phủ của ông "không muốn gây rắc rối".
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh sẽ "tiếp tục bảo vệ Philippines, lãnh thổ hàng hải của Philippines, quyền của ngư dân chúng tôi đánh bắt cá ở những khu vực mà họ đã đánh bắt trăm năm". Nói về vụ cắt đoạn rào chắn nổi của Bắc Kinh, ông Marcos cho biết Manila không thể làm gì khác.
Mối quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc gần đây đã xấu đi, phần lớn là do ông Marcos thúc đẩy quan hệ quốc phòng với Mỹ kể từ khi nhậm chức.
"Tổng thống thực sự chân thành với cam kết chúng tôi sẽ không nhường một tấc lãnh thổ của mình cho bất kỳ thế lực nước ngoài nào", ông Tarriela nói.
Cả Trung Quốc và Philippines đều tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough. Đây là một ngư trường quan trọng cách đảo Luzon của Philippines khoảng 230km và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 850km.
Nằm gần với các tuyến đường vận chuyển ước tính có trị giá thương mại lên đến 3.400 tỉ USD mỗi năm, bãi cạn Scarborough được Trung Quốc xem là một địa điểm chiến lược.
Vụ "hàng rào nổi" là diễn biến mới nhất trong căng thẳng leo thang giữa Philippines và Trung Quốc trên Biển Đông. Mới đây, Manila nói sẽ kiện Bắc Kinh vì phá hoại môi trường ở Biển Đông.
Đầu tuần này, Trung Quốc cảnh báo Philippines không nên "gây rối" và "khiêu khích". Ngày 27-9, lực lượng cảnh sát biển của Bắc Kinh nói rằng họ triển khai hàng rào nổi sau khi tàu Philippines "xâm nhập" vào bãi cạn và dỡ bỏ chúng sau đó. "Hoạt động tại hiện trường rất chuyên nghiệp và chuẩn mực, hợp pháp và hợp lý", người phát ngôn Gan Yu của lực lượng này cho biết.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên 90% Biển Đông, đưa ra những tấm bản đồ thể hiện "chủ quyền" như "đường chín đoạn" và "đường mười đoạn", ôm lấy cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bác bỏ tấm bản đồ này tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 31-8, khẳng định tấm bản đồ vi phạm chủ quyền Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận