Ngày 27-9, ông Jay Tarriela - phát ngôn viên Lực lượng tuần duyên Philippines (PCG), cho biết các tàu hải cảnh của Philippines không thể duy trì sự hiện diện liên tục nhưng cam kết bảo vệ quyền của ngư dân trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này.
"Chúng tôi sẽ gia tăng tuần tra tại Bajo de Masinloc (cách Philippines gọi bãi cạn Scarborough) và những khu vực khác có ngư dân Philippines", ông Tarriela trả lời Đài DZRH.
Hôm 26-9, PCG thông báo đã gỡ thành công đoạn phao chắn dài khoảng 300m "để bảo vệ quyền của ngư dân" Philippines tại khu vực.
Phản ứng về vụ việc trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định quốc gia của ông "kiên quyết bảo vệ quyền chủ quyền và tài phán ở đảo Hoàng Nham". Hoàng Nham là cách mà Bắc Kinh gọi bãi cạn Scarborough.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilbert Teodoro tuyên bố việc nước này cắt dây phao ở khu vực bãi cạn Scarborough không phải là hành động khiêu khích.
"Chúng ta phản ứng với hành động của họ. Họ hành động trước, họ chặn ngư dân của chúng ta" - ông Teodoro phát biểu trong một phiên điều trần trước Thượng viện ngày 27-9.
Cả Trung Quốc và Philippines đều tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough. Đây là một ngư trường quan trọng cách đảo Luzon của Philippines khoảng 230km và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 850km.
Nằm gần với các tuyến đường vận chuyển ước tính có trị giá thương mại lên đến 3.400 tỉ USD mỗi năm, bãi cạn Scarborough được Trung Quốc xem là một địa điểm chiến lược.
Người phát ngôn Lực lượng tuần duyên Philippines cho biết họ đã neo thành công một tàu chỉ cách đầm phá của bãi cạn Scarborough 300m, điểm gần nhất với đảo san hô này kể từ khi bị Trung Quốc chiếm giữ vào năm 2012.
Hiện chưa rõ liệu vụ "hàng rào nổi" của Trung Quốc có đại diện cho sự thay đổi hiện trạng ở bãi cạn Scarborough hay không.
Vào năm 2017, lực lượng tuần duyên Trung Quốc đã cho phép người Philippines hoạt động tại đây, dù với quy mô nhỏ hơn nhiều so với người Trung Quốc.
Vụ việc là diễn biến mới nhất trong căng thẳng leo thang giữa Philippines và Trung Quốc trên Biển Đông. Mới đây, Manila tuyên bố sẽ kiện Bắc Kinh vì phá hoại môi trường ở Biển Đông.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên 90% Biển Đông, đưa ra những tấm bản đồ thể hiện "chủ quyền" như "đường chín đoạn" và "đường mười đoạn", ôm lấy cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bác bỏ tấm bản đồ này tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 31-8, khẳng định tấm bản đồ vi phạm chủ quyền Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận