Hôm 24-4, hàng trăm người Ukraine chen chúc trước văn phòng hộ chiếu đã đóng cửa ở Warsaw (Ba Lan). Họ tức giận trước việc Ukraine tạm ngừng các dịch vụ lãnh sự, gồm cả cấp hộ chiếu, đối với nam giới Ukraine trong độ tuổi chiến đấu, nhằm buộc những người này trở về Ukraine và tăng quân số, theo Hãng tin AFP.
Trước đó một ngày, chính quyền Ukraine thông báo "tạm thời" ngăn nam giới từ 18 đến 60 tuổi tiếp cận các dịch vụ lãnh sự, sau khi Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết những người này đang để những người đồng hương chiến đấu thay họ ở tiền tuyến.
"Sống ở nước ngoài không khiến nghĩa vụ của một công dân với Tổ quốc biến mất", ngoại trưởng Ukraine viết trên X.
Động thái trên được coi là một phần trong nỗ lực của Ukraine nhằm củng cố quân đội, trong bối cảnh các binh sĩ nước này đang nỗ lực giữ vững các vị trí chống lại Nga trên chiến trường.
Nhưng tại Ba Lan, nhiều người Ukraine tức giận vì cảm thấy họ bị nhắm tới một cách bất công. Quốc gia này là nơi sinh sống của hàng trăm ngàn người Ukraine, trong đó có cả người tị nạn bị ảnh hưởng bởi xung đột và những người vốn đã sống ở Ba Lan khi xung đột nổ ra.
"Chúng tôi không được hỏi về lý do gì mà chúng tôi ra nước ngoài. Tại sao tôi lại bị xem là kẻ trốn quân dịch nếu tôi ra nước ngoài hợp pháp?" - anh Maksym, tài xế xe tải 38 tuổi, một trong hàng chục người hy vọng lấy được hộ chiếu mới mà họ đã nộp đơn xin nhưng không thành công, chia sẻ.
Một số người cho biết họ đã mất cả đêm để xếp hàng. Còn văn phòng cấp hộ chiếu cho người Ukraine ở Warsaw đổ lỗi cho "lỗi kỹ thuật", chứ không phải chỉ thị mới từ Kiev.
Theo báo The Kyiv Post, nhiều video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy nam giới Ukraine (một số nguồn tin cho biết có tới 300 người) tụ tập bên ngoài văn phòng cấp hộ chiếu để bày tỏ sự phản đối. Một số người cho biết họ sẽ ở lại cho đến khi nhận được hộ chiếu.
Hiện nay có hàng trăm ngàn người Ukraine trong độ tuổi quân dịch đang sống ở nước ngoài. Trong khi đó, Ukraine đang đối mặt với tình trạng thiếu binh sĩ trầm trọng đối phó các lực lượng Nga, theo Hãng tin Reuters.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận