Hôm 23-4, với tỉ lệ phiếu ủng hộ áp đảo 79-18, Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ mới trị giá 95 tỉ USD cho Ukraine, Israel và Đài Loan, trong đó có 61 tỉ USD cho Ukraine.
Viện trợ ồ ạt cho Ukraine
Chữ ký của Tổng thống Joe Biden sau đó mở đường cho việc khởi động quá trình chuyển vũ khí cho Ukraine. Đây được xem như "cơn mưa giữa sa mạc khô khát" đối với Kiev, vốn đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc xung đột với Nga.
Trong thế thiếu hụt lực lượng và vũ khí, Ukraine lo ngại không thể trụ vững trước đợt tấn công liên tục của Nga những ngày qua và sắp tới trong mùa hè này. Nói như Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ William Burns hơn một tuần trước, Ukraine thậm chí không qua nổi năm 2024 nếu không có viện trợ của Mỹ.
Mỹ là nước viện trợ nhiều nhất cho Ukraine kể từ lúc Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" vào tháng 2-2022. Sự đóng góp của Mỹ, đặc biệt khoản viện trợ 61 tỉ USD trong gói 95 tỉ USD này, thậm chí đóng vai trò mang tính biểu tượng cho sự hỗ trợ của châu Âu đối với Kiev.
Trong bối cảnh chiến sự Ukraine kéo dài sang năm thứ ba, tâm lý mệt mỏi vì chiến tranh đồng nghĩa các đợt viện trợ mới không khác gì nước cờ quyết định.
Nếu Mỹ cố gắng thêm lần nữa để thể hiện vị thế đầu tàu, các nước đồng minh tại châu Âu cũng có lý do để tiếp tục đặt cược vào khả năng giành chiến thắng của Ukraine, bất kể nội hàm của chiến thắng đó là gì.
Hôm 22-4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cảm ơn Thủ tướng Rishi Sunak vì gói viện trợ lớn nhất từ trước tới nay của Anh được loan báo ngay sau khi Hạ viện Mỹ thông qua gói viện trợ 61 tỉ USD.
"Storm Shadow và các loại tên lửa khác, hàng trăm xe bọc thép và tàu, đạn dược... tất cả đều cần thiết trên chiến trường", ông Zelensky viết trên X sau cuộc điện đàm với ông Sunak.
Gói viện trợ của Anh trị giá 620 triệu USD và sẽ được dùng cho đạn dược, phòng không, drone... Theo thông tin của Chính phủ Anh, Ukraine sẽ nhận 60 chiếc thuyền và hơn 1.600 tên lửa tấn công lẫn phòng thủ và đặc biệt là tên lửa tầm xa Storm Shadow.
Hôm 16-4, Bộ Quốc phòng Đan Mạch cũng đã công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 2,2 tỉ kroner (313 triệu USD) cho Ukraine. Đó là gói viện trợ quân sự thứ 17 của Đan Mạch kể từ tháng 2-2022, nối tiếp đợt viện trợ hồi tháng 3 (336 triệu USD).
Ukraine và ông Trump
Trong câu chuyện đàm phán lưỡng đảng ở Mỹ để thông qua gói viện trợ cho Ukraine, cái tên Donald Trump được nhắc tới không ít lần.
Cựu tổng thống Mỹ trong tuần này ra tòa liên quan cáo buộc hình sự về "bịt miệng" một ngôi sao khiêu dâm - một chi tiết có thể gây cản trở lớn tới khả năng tái đắc cử của ông tại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 tới.
Tuy nhiên, cái gật đầu của ông đối với viện trợ Ukraine được nhận xét có tầm ảnh hưởng lớn đến việc Đảng Cộng hòa chấp nhận thỏa hiệp với phe Dân chủ để thông qua dự luật hỗ trợ nước ngoài nói trên.
Trước đây, ông Trump và nhóm nghị sĩ bảo thủ bên Đảng Cộng hòa tỏ ra hoài nghi, cứng rắn với viện trợ cho Ukraine. Nhưng sự thay đổi lần này không chỉ xuất phát từ thỏa hiệp liên quan tới Israel, mà nhiều khả năng là kết quả của một quá trình vận động hành lang liên tục, nơi các bên ứng xử cứ như thể ông Trump sẽ là tổng thống.
Người ta đã nói nhiều về vai trò của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson - một đảng viên Cộng hòa đã thay đổi lập trường và "thuần hóa" nhóm nghị sĩ bảo thủ trong đảng. Tuy nhiên, báo Politico cũng lưu ý ông Johnson đã có bước đi quan trọng khi thuyết phục thành công ông Trump.
Sau khi được các đồng minh khuyên nên cập nhật cho ông Trump về kế hoạch viện trợ nước ngoài, tuần trước ông Johnson đã tới biệt thự Mar-e-Lago. Tại đây, ông nhận được một cam kết từ ông Trump: "Tôi đứng về phía chủ tịch Hạ viện".
Gói viện trợ 95 tỉ USD của Mỹ cũng tìm được lối thoát sau hàng loạt cuộc tiếp xúc của ông Trump với các quan chức nước ngoài. Vào ngày 8-4, Ngoại trưởng Anh David Cameron đã tới Palm Beach để gặp ông Trump. Politico cho biết ông Cameron đã nhấn mạnh cam kết tài chính của các nước châu Âu với Ukraine cũng như tính cấp bách của việc phải tài trợ thêm cho Kiev.
Tại cuộc họp ngoại trưởng các nước G7 tuần trước, ông Cameron cùng ngoại trưởng Đức và Ý cũng nhấn mạnh việc châu Âu phải làm nhiều hơn cho Ukraine. Gần nhất, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cũng đến gặp ông Trump ở Tháp Trump (Manhattan, Mỹ) để thảo luận về việc châu Âu cần hành động nhiều hơn.
"Châu Âu phải làm nhiều hơn cho an ninh" chính là điều được ông Trump lặp đi lặp lại suốt nhiệm kỳ của mình (2016 - 2020). Vào lúc này, khi cuộc đua vào Nhà Trắng chưa ngã ngũ và bất kể ông Trump có thể gặp nguy hiểm từ các cáo buộc hình sự, dường như cả báo chí Mỹ lẫn quan chức đồng minh đều ứng xử với ông theo kiểu với một tổng thống tương lai.
Nhìn chung còn quá sớm để nói ông Trump hay ông Biden sẽ thắng trong cuộc bầu cử. Một số ý kiến cho rằng chuyện phe Cộng hòa đồng ý viện trợ Ukraine cho thấy ông Trump, một người hoài nghi về Ukraine, mất ít nhiều sự ủng hộ.
Nhưng ở góc nhìn khác, nhóm ý kiến còn lại nhận định đây là bước đi hợp lý của một người nghĩ rằng mình sắp làm tổng thống: không thể để Ukraine thua cuộc, vì như vậy đồng nghĩa ông Trump sẽ vào Nhà Trắng với một cuộc khủng hoảng lớn về an ninh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận