Hôm 21-2, Tổng thống Nga Putin thông báo nước này ngưng tham gia vào hiệp ước hạt nhân với Mỹ. Hiệp ước này có tên New START, vốn giới hạn việc triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga.
'Sẵn sàng thử nghiệm nếu cần thiết'
Tuyên bố của ông Putin được đưa ra trong phát biểu trước Quốc hội và các tướng lĩnh Nga. Sự kiện này diễn ra ngay trước cột mốc tròn một năm Nga khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine (24-2-2022). Những phát biểu của lãnh đạo Nga vì vậy được xem sẽ định hình tương lai cuộc chiến này.
Theo Hãng thông tấn TASS, ông Putin cho rằng Bộ Quốc phòng Nga và công ty năng lượng hạt nhân quốc gia Rosatom nên "sẵn sàng thực hiện các cuộc thử nghiệm hạt nhân nếu cần thiết".
Một nguồn tin thân cận với Bộ Quốc phòng Nga nói với TASS rằng yêu cầu trên sẽ được đáp ứng. Theo đó khu vực bãi thử hạt nhân Novaya Zemlya đang trong điều kiện có thể hoạt động.
"Nhiệm vụ do tổng thống Nga yêu cầu về việc chuẩn bị cho các cuộc thử nghiệm hạt nhân sẽ chắc chắn được hoàn thành. Bãi thử Novaya Zemlya vốn được giữ trong điều kiện sẵn sàng để tái khởi động thử nghiệm hạt nhân nếu có nhu cầu", nguồn tin này nói.
New START là cam kết kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng còn sót lại giữa Nga và Mỹ. Việc ngừng tham gia của Nga đang khiến phương Tây lo ngại về chạy đua vũ trang. Liên Hiệp Quốc trong hôm 21-2 cũng nhấn mạnh Nga và Mỹ phải đối thoại và giữ cam kết hạn chế triển khai vũ khí hạt nhân.
'Nga sẽ không thử nghiệm hạt nhân trước Mỹ'
Trong phát biểu trên, Tổng thống Putin khẳng định Nga ngừng tham gia New START nhằm duy trì sự cân bằng. Ông nhấn mạnh Matxcơva sẽ chỉ hành động nếu Mỹ có động thái thử nghiệm hạt nhân trước.
Ông nói: "Dĩ nhiên chúng tôi sẽ không làm điều này trước. Nhưng nếu Mỹ triển khai thử nghiệm thì chúng tôi sẽ làm. Đừng ai ảo tưởng rằng sự cân bằng chiến lược toàn cầu có thể bị phá hủy".
Điện Kremlin sau đó cũng tái xác nhận việc Nga sẽ không đơn phương thử nghiệm hạt nhân trước.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tuyên bố ngừng tham gia New START của ông Putin không đồng nghĩa Nga sẽ rút hoàn toàn khỏi hiệp ước này.
Thay vào đó, Nga sẽ không cho phép đại diện các quốc gia và tổ chức liên quan tiến hành thị sát chương trình hạt nhân. Dẫu sao, tuyên bố này cũng tạo ra nỗi lo về sự suy giảm trong các nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận