Theo Hãng tin Reuters, dự luật mới được xây dựng dựa trên các quy tắc ban hành sau khi Nga triển khai quân tới Ukraine, nhắm vào những người chỉ trích "các nhóm tình nguyện", ví dụ tập đoàn lính đánh thuê Wagner.
Wagner đã trở nên nổi tiếng trong những tháng gần đây, sau khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine.
Ông Vyacheslav Volodin, chủ tịch Duma quốc gia Nga, cho biết: "Những người liều mạng để giữ an toàn cho đất nước và công dân của chúng ta nay đã được bảo vệ khỏi những hành động khiêu khích và dối trá".
"Những hành động này là không thể chấp nhận được", ông Volodin nhấn mạnh.
Dự luật này vẫn cần Thượng viện thông qua và Tổng thống Vladimir Putin ký thành luật.
Ngày 14-3, các nhà lập pháp Nga cũng thắt chặt các hình phạt liên quan đến đạo luật được đưa ra sau ngày 24-2-2022, khi Điện Kremlin triển khai quân tới Ukraine.
"Làm mất uy tín" quân nhân Nga hoặc "tình nguyện viên" tham gia quân đội chính quy sẽ bị phạt tới 7 năm tù, so với 5 năm như trước đây.
Theo quyết định mới nhất, mức phạt tối đa cho việc lan truyền "thông tin sai lệch" về các lực lượng của Nga sẽ là 15 năm tù.
Vai trò của lính đánh thuê ngày càng lớn
Tập đoàn Wagner được thành lập vào năm 2014. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của họ là ở bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014, cũng là năm Nga "sáp nhập" Crimea.
Tại Crimea, những lính đánh thuê của tập đoàn này đã giúp lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn kiểm soát khu vực.
Sau khi Nga chính thức đưa quân sang Ukraine vào cuối tháng 2-2022, Matxcơva ban đầu sử dụng lính đánh thuê để củng cố lực lượng tiền tuyến. Nhưng sau đó vai trò của họ ngày càng lớn trong các trận chiến quan trọng, chẳng hạn như những trận chiến xung quanh các thành phố Bakhmut và Soledar ở miền đông Ukraine.
Mới đây, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận Wagner Group đã giúp giành kiểm soát thị trấn chiến lược Soledar.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận