12/04/2025 12:04 GMT+7

Những địa danh thân thương Sài Gòn - TP.HCM - Kỳ 8: Tên cỏ cây hoa lá Sài Gòn xưa vẫn mãi còn

Tên Sài Gòn không mất dù ngày nay trên đất TP.HCM rất hiếm thấy cây Gòn. Ở xóm Bàn Cờ của tôi gần Trường tiểu học Phan Đình Phùng, những năm 1960 vẫn còn một cây Gòn khá cao nhưng sau này cây đã 'lên trời'.

sài gòn - Ảnh 1.

Bùng binh Cây Gõ giờ không còn bảng tên nhưng nhiều người Sài Gòn - TP.HCM vẫn quen gọi mãi - Ảnh: QUỐC MINH

Ở quận Phú Nhuận, có hẻm Hàng Gòn (270 Phan Đình Phùng) song cây Gòn chỉ còn là "vang bóng một thời". Giờ đây, muốn tìm cây Gòn ở gần trung tâm thành phố, có lẽ phải qua Thủ Thiêm.

Không riêng cây Gòn, nhiều cây cổ xưa - dấu tích của thời nửa thôn nửa thị - đã biến mất, nhường chỗ cho phố phường và đường sá mới. Nếu may mắn, dấu tích thiên nhiên ngày xửa ngày xưa còn lưu giữ trong nhiều địa danh xa gần.

Những cái tên dân dã trên địa bàn thành phố hiện tại chính là chứng nhân cuộc chung sống của người Việt với cư dân bản địa và môi trường sinh thái mới vào nhiều thế kỷ trước.

Hoa lá cây cỏ

Hiện đang có một "ngân hàng địa danh" thiên nhiên rất lớn lao của Sài Gòn và Nam Bộ "trú đóng" trong các sách biên khảo công phu. Dẫn đầu là Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (Lê Quang Định, 1806) và Gia Định thành thông chí (Trịnh Hoài Đức, 1820).

Kế đến là các tập chuyên khảo địa lý của Hội Cổ học Ấn - Hoa, sách của các học giả Petrus Trương Vĩnh Ký, Vương Hồng Sển, Bùi Đức Tịnh, Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Đình Tư và Lê Trung Hoa cùng nhiều công trình khảo cứu khác. Tìm xem trong những bộ sách ghi chép tường tận lịch sử ấy, ta sẽ thấy nhiều "tiêu bản" sự vật và con người thuở mới khai phá đất phương Nam.

Trong đấy, chỉ riêng những tên địa điểm liên quan cây cỏ hoa lá đủ sức tạo thành một "vườn bách thảo" quý hiếm. Chẳng hạn, bắt đầu từ Bàng là cỏ Bàng, tên Hán Việt là Thảo Câu, còn trong tên rạch Bàng (quận 7). Bàng còn là cây Bàng có lá dùng để đan buồm cho ghe thuyền - bến đò Cây Bàng (Thủ Thiêm).

Bằng Lăng là cây to, hoa tím nhạt - giồng Bằng Lăng (Hóc Môn). Bần là cây to, mọc ven nước, hoa trắng, tên Hán Việt là Thủy Liễu - rạch Bần (quận 9 cũ). Buôn là loại cây rừng có lá hình rẻ quạt, dùng đan buồm, đệm, nón - còn gọi là Lá Buông (Bối Diệp) - rạch Lá Buôn (Cần Giờ). Còn Cám là cây có phấn mịn như cám - rừng Cây Cám (Thủ Đức), kinh Cây Cám (nay là đường Lê Thánh Tôn).

Trong khi ấy, Cui là cây to, lá đơn, còn gọi là cây Huỳnh Long- rạch Cây Cui (Cần Giờ). Củ Chi là cây cao, lá hình trứng - huyện Củ Chi và thị trấn Củ Chi. Da còn gọi là cây Đa, có thân và tán to lớn - chợ Cây Da Còm (không còn nữa, nay là khu vực Bảo tàng thành phố, công viên Bách Tùng Diệp), khu vực Cây Da Sà (quận 6 và Bình Tân).

Nối tiếp là Sanh, một loại cây thuộc họ cây da, như khu Hàng Sanh, biến âm thành Hàng Xanh (Bình Thạnh). Mặt khác, có những cái tên lạ lùng như Dần Xây, âm gốc Giằng Xây, là một loại gỗ tạp - sông Dần Xây, cầu Dần Xây (Cần Giờ).

Hoặc Lứt là một loại cây mọc theo bờ nước có rễ dùng làm thuốc, biến âm thành Lức, như sông Bến Lức (Bình Chánh). Còn Nhum là một loại cọ, nhiều gai - rạch Bàu Nhum (Củ Chi), rạch Cái Nhum (Hóc Môn).

Quéo là cây cao to, thuộc giống xoài, trái chua - Gò Quéo (quận 2 cũ). Và ngộ nghĩnh như Thiềng Liềng là một loại cây ngãi, gốc từ là Thiền Liền - ấp Thiềng Liềng, rạch Thiềng Liềng ở xã đảo Thạnh An (Cần Giờ).

Nhiều địa danh thể hiện hoa lá và cây trái quen thuộc vẫn đang tồn tại như Mai là hoa mai vàng hay mai trắng - gò Cây Mai, đồn Cây Mai (quận 11). Hay Trầu - cây lá trầu - khu 18 thôn Vườn Trầu (Hóc Môn). Trôm là cây to tiết ra mủ trôm - ấp Cây Trôm (Củ Chi). Ở Bình Chánh có khu Vườn Thơm, ở quận 3 có Vườn Chuối, Vườn Xoài và quận 10 có Vườn Lài. Còn Gõ là cây quý hiếm, to cao - vùng Cây Gõ (quận 6).

Mốp là cây xốp dùng làm nút chai - Bến Mốp (Củ Chi). Sơn là cây cho ra mủ dùng làm thuốc - rạch Cầu Sơn (Bình Thạnh). Sộp là cây to lá xanh, đọt trắng - ấp Cây Sộp (Củ Chi). Đước, loại cây vùng ngập mặn - rạch Cái Đước (Cần Giờ).

Đặc biệt, có những tên thảo mộc bắt nguồn từ tiếng Khmer trở thành địa danh Việt. Cần Giuộc là biến âm từ Kantuot - tiếng Khmer có nghĩa là cây chùm ruột - sông Cần Giuộc (chạy từ Bình Chánh ra sông Soài Rạp, Cần Giờ).

Hay như Chiếc là biến âm từ Cek - tiếng Khmer - Prêk Cèk có nghĩa là loại cây thấp, lá lớn, thường ở vùng nước lợ - rạch Chiếc (Thủ Đức). Kế đến là Vấp hay Vắp là loại cây cứng như cây Lim, từ tiếng Khmer Kom Pắp trở thành Gò Vấp. Còn Sác là loại cây sống ở vùng ngập mặn cũng có gốc từ tiếng Khmer - Rừng Sác và Vàm Sác (Cần Giờ).

sài gòn - Ảnh 2.

Địa danh Cây Da Sà hiện vẫn còn ở cổ miếu và ngôi chợ tại quận Bình Tân - Ảnh: QUỐC MINH

Thế đất và sông nước, ao hồ

Một điều lý thú khác, nhiều địa danh Sài Gòn phản ánh đặc điểm địa lý của vùng đô hội sinh thành từ sông biển, sông rạch và ao hồ. Cần kể trước nhất là Gành - mũi đất hay vịnh ở cửa biển - vịnh Gành Rái (Cần Giờ). Và rồi, Cần Giờ có gốc từ tiếng Khmer Kanchoeu, nghĩa là cái thúng và có thể là thuyền thúng. Trong khi đó, Cù Lao là biến âm từ Pulau (tiếng Chăm và Malay) để nói về đảo trên sông hay biển.

Hiện tại, ở Cần Giờ có nhiều Cù Lao, trong đấy Cù Lao Con Chó đã được chọn làm nơi xây cảng trung chuyển container quốc tế. 

Tên Cù Lao còn có ở nội thành, trước đây là khu Cù Lao (vùng đất giữa rạch Miễu và rạch Thị Nghè, nay là khu Phan Xích Long, Phú Nhuận và khu Miếu Nổi, Bình Thạnh).

Một số địa danh thể hiện rặt từ ngữ Nam Bộ về ao hồ và sông nước. Phổ biến là Bàu tức ao nhỏ, rạch nhỏ như Bàu Sen (quận 5), Bàu Cát (Tân Bình), Bàu Đồn (quận 7), Bàu Nai (quận 12), Bàu Lách, Bàu Nhum và Bàu Trăn (Củ Chi), Bàu Lung (Thủ Đức).

Có những tên bị biến âm cho thuận miệng như Bàu Hom (quận 6, đổi thành Bà Hom), Bàu Môn (Bình Chánh, đổi thành Bà Môn), Bàu Quẹo (Tân Bình, đổi thành Bà Quẹo).

Độc đáo hơn nữa, có Bùng Binh còn đọc là Bồn Binh, chỗ phình rộng giữa sông rạch - rạch Bùng Binh (Thủ Đức). Chữ này sang đầu thế kỷ 20 dùng cho giao lộ nhiều ngả đường, như Bùng Binh Sài Gòn (giao lộ có tượng Phù Đổng Thiên Vương, tiếp giáp giữa quận 1 và quận 3). Thêm nữa, Bưng tiếng Khmer đọc là Bâng, có nghĩa chỗ đất trũng giữa đồng, cây mọc um tùm - vùng Bưng Sáu Xã, Thủ Đức.

Về hình thể sông rạch và ruộng đồng, có những địa danh chụp hình y chang dáng vẻ. Điển hình là Cổ Hủ là hình dáng con rạch có chỗ co lại như cổ của chiếc hũ, có trong tên kinh Tàu Hủ. Còn Giồng là biến âm của Vồng, chỉ dải đất phù sa nổi cao ven sông, như Ngã Ba Giồng (Hóc Môn), Giồng Cá Vồ, Giồng Cháy, Giồng Phệt (Cần Giờ).

Hói là rạch ở giữa có chỗ phình rộng - rạch Bà Hói (Nhà Bè). Hóc là con rạch nhỏ - rạch Hóc Môn và thị trấn Hóc Môn, rạch Hóc Hươu (Bình Chánh), Hóc Ớt (Củ Chi giáp Tây Ninh). Láng là vùng ngập nước, cầu Láng Le (Bình Chánh), cánh đồng Láng Thé (Củ Chi).

Soài Rạp là vàm, rạch, mũi đất, biến âm từ tiếng Khmer Păm Prek Crôy Phkăm, như tên sông Soài Rạp. Ụ là chỗ sâu trên dòng sông và ăn sâu vào đất liền để ghe thuyền dễ neo đậu, như rạch Ụ Cây (quận 8), Ụ Ghe (Thủ Đức), Ụ Tàu nhà máy Ba Son (không còn nữa). Và Trảng là đồng trống và bằng phẳng, ấp Trảng Lấm (Củ Chi)...

Một điều đáng chú ý trong vốn từ vựng địa danh vẫn có một số từ ngữ nguyên gốc từ miền Bắc, miền Trung. Tiêu biểu là địa danh Cái để chỉ sông rạch lớn hay sông rạch chính, như rạch Cái Cùng (Cần Giờ), rạch Cái Đước (Cần Giờ), sông Cái Mép (ranh giới xã Thạnh An, Cần Giờ và xã Phước Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu) và rạch Cái Tắc (Bình Chánh). "Ngân hàng" từ vựng địa danh thiên nhiên ắt còn nhiều tài khoản giàu có khác, làm sao khám phá đủ và giữ gìn?

******************

>> Kỳ tới: Địa danh nhân kiệt vào lòng người

Những địa danh thân thương Sài Gòn - TP.HCM - Kỳ 8: Tên cỏ cây hoa lá Sài Gòn xưa vẫn mãi còn - Ảnh 3.Những địa danh thân thương Sài Gòn - TP.HCM - Kỳ 7: Tên gọi Sài Gòn và lời nhắn nhủ của tiền nhân

Mới đây trong chuyến đi dạo trên sông Sài Gòn bằng ca nô chiều 4-5, các chuyên viên quy hoạch Singapore bất ngờ hỏi người viết: "Tên Sài Gòn từ đâu tới, có nghĩa gì?".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên