06/04/2025 09:15 GMT+7

Những địa danh thân thương Sài Gòn - TP.HCM - Kỳ 2: Địa danh Chí Hòa ít nhất đã có từ cuối thế kỷ 18

"Độ chừng năm Chúa Giáng sinh 1760, một ít người có đạo ngoài Huế vào Gia Định mà kiếm nghề làm ăn. Mấy người ấy làm nghề rẫy bái, đã gặp chỗ trong Chí Hòa, làng Tân Sơn Nhứt có bề thế dễ làm ăn, thì đã xin khẩn vài ba mẫu đất, mà ở tại đó".

Chí Hòa - Ảnh 1.

Trụ sở Radio Chí Hòa đầu thập niên 1930 góc ngã ba Lý Thường Kiệt - Bắc Hải hiện nay mà xưa thuộc làng Phú Thọ

Tuần báo Nam Kỳ Địa Phận (thông tin chính thức của Công giáo địa phận Nam Kỳ thời đó) năm 1918, số 515, ra ngày 26-12-1918 (phần trong ngoặc đơn là tác giả chú thích) viết như vậy.

Vị trí làng Chí Hòa?

Cụ thể ra sao? Bài báo viết tiếp:

"Lúc ấy, Đức thầy Vêrô (Phêrô, tên thánh của giám mục Pigneau de Behaine, tức Bá Đa Lộc) ở Gia Định - Sài Gòn với vua Gia Long đang lo sắm sửa binh khí mà thảo trừ quân Tây Sơn (theo sử lúc này giám mục Bá Đa Lộc góp phần hỗ trợ Nguyễn Ánh xây thành Gia Định năm 1790). Bữa kia Đức thầy Vêrô đi dạo chơi tới Chí Hòa, gặp được một ít nhà có đạo ở đó, thì mầng lắm; mà bổn đạo gặp được cha cả, càng mầng hơn nữa bội phần (...).

Đến sau Đức Cha thấy nơi ấy vắng vẻ, khí thanh mát mẻ thì năng vào ở đó với bổn đạo, lại ý người muốn gửi thân mình lại đó, cho nên đã xin chủ đất để lại cho mình một ít cao (1 cao = 100m2) đặng sau mà mai táng xác mình. 

Bổn đạo nghe vậy, thì mầng lắm, liền dâng cho Đức Cha một ít cao đất, Đức Cha dạy trồng cây vông đồng (bã đậu), mà nơi đó chính chỗ sẽ mai táng xác mình (...).

Khi Đức cha đã tạ thế tại Quy Nhơn (năm 1799), vua Gia Long cứ theo lời Đức Cha trối lại thì đã đem xác người về Sài Gòn, cùng chôn cất trọng thể lắm, như đã thuật lại trong sử ký. Vậy đã mai táng Đức thầy Vêrô tại Chí Hòa, chính nơi cây vông đồng, theo lời người đã dạy. Vua Gia Long muốn đền ơn trả nghĩa cho Đức thầy, thì đã dạy xây một cái lăng cao lớn, xinh tốt xứng đáng (...).

Chí Hòa - Ảnh 2.

Khu vực ngã tư Bảy Hiền hiện nay trên bản đồ năm 1911, có tên ấp Lăng Cha Cả

Từ đó không còn kêu họ Chí Hòa, một kêu là họ Lăng Cha Cả".

Cho tới nay, sau hơn 225 năm, tên "Lăng Cha Cả" vẫn được gọi để chỉ một vùng đất xưa có một lăng mộ dù lăng mộ ấy đã giải tỏa từ giữa thập niên 1980.

Tập Abrege de l' Historie d'Annam (Lược sử An Nam - xuất bản ở Sài Gòn đầu thế kỷ 20) của tác giả Alfred Schreiner. Trang 182 (tạm dịch):

"Quân (quân triều đình Nhà Nguyễn) trước đây bị ép rời khỏi hai khu trung tâm (Sài Gòn và Chợ Lớn - CMC), nhưng đi không xa. Họ rút một số vào các đồn Thuận Kiều, đồng thời một ngàn lính do tướng Tôn Thất Hiệp kéo tới đóng tại làng (village) Chí Hòa, cách Sài Gòn 5km, cách Chợ Lớn 4km".

Vị trí này, theo Monographies des Chiréfientés mission de Saigon (Chuyên khảo Sứ vụ Truyền giáo ở Sài Gòn) II - viết đầu thế kỷ 20, đang được lưu trữ trong Văn khố Tòa tổng giám mục Sài Gòn. Ở trang 39, linh mục André Trần An Hiệp (đặc trách văn khố Tòa tổng giám mục Sài Gòn, 2010-2014) dịch:

"Giáo xứ Chí Hòa ngày xưa đã là một họ đạo rất đông, tất cả vùng xung quanh mộ Đức Cha Pigneaux de Béhaine hầu như hoang vắng hoặc là những cánh đồng lúa được bao phủ bởi nhà các Kitô hữu. Số giáo dân đã vượt hơn một ngàn người".

Chí Hòa - Ảnh 3.

Pháo đài Thạnh Hòa trên họa đồ năm 1909, hiện vẫn còn trên đường Cộng Hòa - Nguồn: fortiff.be

Số dân này rõ ràng thuộc hàng "tầm cỡ" so với số dân các làng thời đó. Trong khi đó, theo Monographie de la province de Gia Đinh (Chuyên khảo tỉnh Gia Định - Sài Gòn, 1902), ở trang 125 thì Chí Hòa là: "Một làng được thành lập vào những năm đầu của vua Gia Long, do những người Công giáo mà con cháu ngày nay họp thành xứ đạo Thạnh Hòa".

Theo đó, "làng Chí Hòa" vốn là một họ đạo Công giáo trên đất thôn/làng Tân Sơn Nhứt từ thời Nguyễn Ánh (cuối thế kỷ 18), sau là Gia Long (đầu thế kỷ 20). Sang thời Minh Mạng (1820-1847), từ thập niên 1830, đặc biệt sau vụ nổi loạn của Lê Văn Khôi, đã chủ trương cấm đạo.

Có lẽ vì vậy, họ đạo này sinh hoạt "tự trị" để trốn tránh lệnh cấm đạo nên không được công nhận chính thức và không ghi vào Địa bạ tỉnh Gia Định của thời Minh Mạng 1836?

Địa bạ không thừa nhận dù thực tế họ đạo lớn này vẫn tồn tại. Năm 1838, tác giả Jean Louis Taberd, một vị giám mục Hội Thừa sai Paris, giám mục Đàng Trong đã vẽ khá kỹ "An Nam đại quốc họa đồ". Trong bản đồ này, tỉnh Phiên An (tức tỉnh Gia Định - Nam Kỳ lục tỉnh) trong phủ Gia Định (cũ) ghi nhận bảy địa danh như Phan Yên trấn, Chợ Lớn, "núi thiêng Bà Đen"..., trong đó có "Holăng" (họ Lăng).

Sau thời Minh Mạng, ngôi làng này đã được công nhận. Tự điển địa danh hành chính Nam Bộ (Nguyễn Đình Tư - Nxb Chính Trị Quốc Gia 2008), trang 306 viết: "Chí Hòa: thôn thuộc tổng Dương Hòa Thượng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định từ triều Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1847-1883)".

Thông tin tương tự cũng được ghi chép trong Chuyên khảo Sứ vụ Truyền giáo ở Sài Gòn) II. Ở trang 40, bản dịch của linh mục André Trần An Hiệp viết:

"Dưới thời Vua Gia Long, cùng thời với Đức Cha Pièrre Pigneaux de Béhaine (1771-1799), tồn tại một họ đạo khá đáng kể ở Chí Hòa. Nơi ở đó hiện nay tìm thấy mộ của Đức Cha Pigneaux de Béhaine là trung tâm. Tại địa điểm ngôi mộ, có một vườn đẹp được trồng toàn những cây ăn trái với một nhà vuông lộng lẫy có những cây cột bằng gỗ lớn".

Ngôi nhà vuông này là nhà riêng của giám mục Pigneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc) đã bị quân triều đình triệt hạ để dựng đồn Tả của đại đồn Chí Hòa 1859-1861 - theo tài liệu này.

Chí Hòa - Ảnh 4.

Không ảnh khu Lăng Cha Cả năm 1966 đối chiếu với hiện nay - Ảnh: Alan Beckler

Chí Hòa không chỉ là làng mà hơn thế, là một vùng

Như vậy Chí Hòa là một vùng đất ban đầu ở khu vực Lăng Cha Cả (nằm giữa phường 2 và phường 4, Tân Bình hiện nay). Về phía bắc, nó ăn lên cả đường Cộng Hòa hiện nay. Trên đường Cộng Hòa, trong một khu vực quân đội, hiện còn khá nguyên vẹn một pháo đài xây dựng đầu thế kỷ 20, xưa mang tên Thạnh Hòa.

Về phía nam, Chí Hòa ăn xuống khu vực trung tâm làng Thạnh Hòa xưa (nay là đường Phạm Văn Hai chạy qua phường 1, 2, 3 và 5), đi lên ngã tư Bảy Hiền (một số bản đồ thời Pháp ghi "ap Lang Cha Ca" ở một góc ngã tư Bảy Hiền nay là khu vực Trung tâm Triển lãm - hội chợ quận Tân Bình, xưa là nghĩa trang quân đội Pháp).

Từ ngã tư Bảy Hiền, vùng Chí Hòa (xin nói rõ là vùng, không nói là làng) đi dọc đường Thuận Kiều/Verdun/Phạm Hồng Thái (nay là đường Cách Mạng Tháng 8, khu vực phường 5, 6, 7 - Tân Bình), nơi có nhà thờ Chí Hòa. Thập niên 1960 cho tới trước 1975, tôi đi học qua lại nơi đây hằng ngày, thấy nhiều bảng hiệu nơi đây vẫn ghi là Chí Hòa.

Những địa danh thân thương Sài Gòn - TP.HCM - Kỳ 2: Địa danh Chí Hòa ít nhất đã có từ cuối thế kỷ 18 - Ảnh 5.

Khu vực Lăng Cha Cả hiện nay, xưa được gọi là vùng Chí Hòa - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Không dừng lại, đến đầu thập niên 1930, Đài "Tiếng nói Đông Dương" phát sóng hầu khắp thế giới đặt ở góc đường Lý Thường Kiệt - Bắc Hải hiện nay lấy tên Chí Hòa, dù đây vốn là đất làng Phú Thọ xưa.

Riêng về mục vụ Công giáo, đến giữa thập niên 1960, Hạt (Công giáo) Chí Hòa vẫn gồm nhiều giáo xứ, giáo họ xung quanh, như Tân Việt (phía trên Bảy Hiền), có nơi rất xa như Bùi Phát (quận 3), Bắc Hà (quận 10), Truyền Tin (trên đường Phổ Quang hiện nay)...

Những giáo xứ này xưa là khu vực phòng tuyến đại đồn Chí Hòa/Phú Thọ rộng lớn (gồm cả đại đồn trung tâm) và thuộc khu vực ảnh hưởng của vùng Chí Hòa xưa. Đến đầu thập niên 1940, khi chưa có nhà thờ Hòa Hưng, giáo dân Hòa Hưng đi lễ nhà thờ Chí Hòa.

Nói thêm: Đến 9-12-1939, một làng Chí Hòa mới xuất hiện. Làng này sáp nhập hai làng Hòa Hưng và Phú Thạnh, địa giới từ đường Bắc Hải đến Nguyễn Thị Minh Khai hiện nay - tức nằm ngoài đại đồn trung tâm Chí Hòa. Tuy nhiên tới giờ người ta vẫn gọi đây là khu Hòa Hưng chứ không gọi Chí Hòa, dù sau khi đổi tên, đình Hòa Hưng đã bị đổi tên thành đình Chí Hòa và một trại giam nổi tiếng ở đây được gọi là khám Chí Hòa.

-----------------------------------

Tân Sơn Nhứt hay Tân Sơn Nhất cũng đều là một, chỉ khác nhau cách gọi trước và sau năm 1975 (ít nhất là trên bảng hiệu, giấy tờ hành chính) nhưng nhiều người cố cựu truyền đời ở vùng làng cổ xưa của Sài Gòn này vẫn quen gọi Tân Sơn Nhứt.

Kỳ tới: Tân Sơn Nhứt hay Nhất cũng đều là một thôi nghen

Những địa danh thân thương Sài Gòn - TP.HCM - Kỳ 2: Địa danh Chí Hòa ít nhất đã có từ cuối thế kỷ 18 - Ảnh 3.Những địa danh thân thương Sài Gòn - TP.HCM - Kỳ 1: Làng Chí Hòa ở đâu?

"Dạ, bác tài ơi, cho tui xuống Bà Quẹo nghen". "Ồn quá, dạ nghe hổng rõ, cô xuống Bà Điểm hay Bà Quẹo?". Đó là những lời hành khách với bác tài xe lam ngày tháng cũ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên