12/02/2024 06:11 GMT+7

Trăm năm du xuân Sài Gòn - TP.HCM

Tết đến, dẫu có bao phương tiện, người dân vẫn đến những điểm đến trăm năm: bến Bạch Đằng, đường hoa Nguyễn Huệ, chợ Bến Thành, chợ Bình Tây, Lăng Ông - Bà Chiểu, nhà thờ Đức Bà, chùa Bà Thiên Hậu...

Du khách tham quan trước trụ sở HĐND - UBND TP.HCM (đường Lê Thánh Tôn, quận 1)

Du khách tham quan trước trụ sở HĐND - UBND TP.HCM (đường Lê Thánh Tôn, quận 1)

325 năm kể từ ngày phủ Gia Định được lập, chính thức sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam, những lưu dân miền Trung, những di dân người Minh Hương, những người Chăm, người Khmer chính thức trở thành người Việt.

Thành Gia Định rồi đô thành Sài Gòn lần lượt được người Việt, người Pháp quy hoạch đường sá, xây dựng phố chợ, lấp kênh làm đường rồi lại đào kênh thông thủy, thương cảng Bến Nghé - Sài Gòn tấp nập tàu bè, thành bệ phóng mọi mặt kinh tế, kiến trúc, văn hóa, giao thương cho Sài Gòn rộng mở.

Từ ngày ấy đến nay, Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM đã bao nhiêu thay đổi để rừng rậm, đồng lầy ngã ba sông thành một thành phố sôi động, hiện đại, nơi làm ăn, sinh sống, gầy dựng tương lai của người cả nước, nơi du lịch và tìm cơ hội mới của bạn bè quốc tế.

Hôm nay, dẫu có bao lựa chọn, TP.HCM vẫn là một điểm hẹn. Tết đến, dẫu có bao phương tiện, người dân vẫn đến những điểm đến trăm năm: bến Bạch Đằng, đường hoa Nguyễn Huệ, chợ Bến Thành, chợ Bình Tây, Lăng Ông - Bà Chiểu, nhà thờ Đức Bà, chùa Bà Thiên Hậu...

Chợ Bến Thành

Được dời từ bên bờ kinh Lớn (nay là đường Nguyễn Huệ) đến địa điểm mới cạnh ga xe lửa đi Mỹ Tho, chợ Bến Thành đã tọa lạc tại nơi này đến nay tròn 110 năm. Bao nhiêu biến động lịch sử đã kéo qua khu vực trung tâm Sài Gòn này nhưng chợ vẫn như xưa, vẫn là biểu tượng thân thuộc bình an trong tim mỗi người Sài Gòn.

Dù đi xa đến tận đâu, dù các nẻo đường đã mở thêm bao nhiêu lối ra vào thành phố thì trong lòng người, cụm từ "đi Sài Gòn" vẫn cứ có nghĩa là đi đến khu chợ Bến Thành.

Trăm năm du xuân Sài Gòn - TP.HCM- Ảnh 2.

Chợ Bến Thành xưa (ảnh trên) và nay

Chợ Bến Thành xưa (ảnh trên) và nay

Bến Bạch Đằng

"Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai/ Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay/ Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này/ Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi"... Tất cả những nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa đều khẳng định và nhấn mạnh tầm quan trọng mang tính quyết định của dòng sông Sài Gòn và địa điểm cụ thể là bến Bạch Đằng với sự hình thành và phát triển của thành Gia Định - đô thành Sài Gòn - TP.HCM.

Từ dòng sông này, bến cảng này mà thành phố đã dang rộng vòng tay, tiếp nhận những dòng người, những màu sắc văn hóa, những phương cách phát triển kinh tế, để chọn lọc, để hòa trộn, để phát triển thành sức sống và phong cách Sài Gòn. Bến Bạch Đằng vẫn mãi là cánh cửa mở rộng.

Trăm năm du xuân Sài Gòn - TP.HCM- Ảnh 4.

Bến Bạch Đằng xưa và nay

Bến Bạch Đằng xưa và nay

Đường hoa Nguyễn Huệ

Đã mấy trăm năm kể từ ngày hình thành, từ ngày là kinh Chợ Vải dẫn từ sông Sài Gòn vào thành Gia Định, đến kinh Lớn với chợ Bến Thành bên bờ, đến thành hình đường Kinh Lấp - đại lộ Charner - đại lộ Nguyễn Huệ, thời điểm nào nơi đây cũng là một tâm điểm tấp nập phồn hoa. Chợ hoa Nguyễn Huệ mỗi mùa Tết xưa hay đường hoa Nguyễn Huệ mỗi mùa Tết nay, quảng trường - phố đi bộ Nguyễn Huệ từng ngày vẫn là một điểm đến của Sài Gòn như vậy.

Trăm năm du xuân Sài Gòn - TP.HCM- Ảnh 6.

Đường Kinh Lấp - đại lộ Charner - đại lộ Nguyễn Huệ xưa và nay

Đường Kinh Lấp - đại lộ Charner - đại lộ Nguyễn Huệ xưa và nay

Lăng Ông - Bà Chiểu

Gần 200 năm kể từ ngày người dân Gia Định xây mộ lập miếu thờ vợ chồng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt - người đã hai lần nhậm chức Tổng trấn Gia Định thành. Trải qua nhiều nổi chìm, biến động, đến nay Lăng Ông - Thượng Công miếu vẫn là điểm đến tôn nghiêm trong tâm thức người Sài Gòn. Lễ Tết, đến Lăng Ông không chỉ là thắp nén nhang lên Đức Ông Thượng Công mà còn tỏ lòng biết ơn tất cả những người đã đi trước để mở cõi, để bồi đắp lên một miền Nam trù phú, khởi đầu cho một Sài Gòn - TP.HCM hào sảng và bao dung.

Trăm năm du xuân Sài Gòn - TP.HCM- Ảnh 8.

Lăng Ông - Bà Chiểu xưa và nay

Lăng Ông - Bà Chiểu xưa và nay

Nhà thờ Đức Bà - Bưu điện thành phố

Những tấm ảnh, những thước phim xưa ghi lại quảng trường Bưu điện, nhà thờ Đức Bà Sài Gòn với sự hiện diện của rất nhiều người nước ngoài, và hôm nay khu vực này vẫn là nơi hẹn hò của khách du lịch quốc tế. Cảnh vật vẫn như xưa, bình yên chứng kiến những đổi thay sống động hơn, rực rỡ hơn của cuộc sống con người.

Trăm năm du xuân Sài Gòn - TP.HCM- Ảnh 10.

Nhà thờ Đức Bà xưa và nay

Nhà thờ Đức Bà xưa và nay

Bưu điện TP

Bưu điện TP

Chợ Bình Tây

Đã sắp tròn 100 tuổi, chợ Bình Tây vẫn lộng lẫy xứng danh là một trong những ngôi chợ đẹp nhất, sầm uất nhất thành phố. Đến chợ những ngày cận Tết, người Sài Gòn - Chợ Lớn không chỉ được sống lại không khí tấp nập bán mua của những ngày xưa mà còn có thể đo được độ ấm - lạnh của nền kinh tế thành phố hôm nay.

Trăm năm du xuân Sài Gòn - TP.HCM- Ảnh 13.

Chợ Bình Tây xưa và nay

Chợ Bình Tây xưa và nay

Chùa bà Thiên Hậu

Hơn 260 năm tọa lạc tại khu vực Chợ Lớn, chùa Bà Thiên Hậu là chứng nhân cho sự gắn kết, hòa hợp, đóng góp của người Hoa trên đất Việt.

Trăm năm du xuân Sài Gòn - TP.HCM- Ảnh 15.

Chùa bà Thiên Hậu xưa và nay

Chùa bà Thiên Hậu xưa và nay

Kiều bào du xuân, tour Tết Kiều bào du xuân, tour Tết 'đông cực kỳ'

Du khách Việt kiều về quê ăn Tết, đón xuân trong dịp Tết Giáp Thìn tăng vọt so với các năm, góp phần làm sôi động thị trường du lịch Tết năm nay.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên