Những em gái nhỏ, có em mới 7 tuổi tay kéo nhị, gõ phách, miệng hát bài xẩm cổ…
Hát xẩm ngày nay đã không còn là nghề kiếm cơm trên chiếc chiếu trải đầu chợ, ngân lên tâm tình thê thiết của người nghèo, cũng không mai một theo thời gian và đà phát triển nghệ thuật hiện đại.
Chiếu xẩm đã lên cả những sân khấu lớn, tấm áo nâu, khăn mỏ quạ đã có nhiều cơ hội lung linh trong ánh đèn màu…
Chiếu xẩm Hà Thị Cầu
Trong căn nhà cấp bốn đã cũ của cố nghệ nhân, "báu vật nhân văn" Hà Thị Cầu ở xã Yên Phong, huyện Yên Mô (tỉnh Ninh Bình), nhiều năm nay, gian khách đã được dùng làm nơi tập luyện của những người mê xẩm.
Bốn manh chiếu được trải, hơn chục người, lớn nhất 74 tuổi, trẻ nhất mới 7 tuổi, người kéo đàn, người gõ phách say sưa tập hát.
Bà Nguyễn Thị Mận (64 tuổi), con gái út của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu, là chủ nhiệm câu lạc bộ hát xẩm. Người trong nghề hay gọi chiếu xẩm.
Ở chiếu xẩm này, người đến trước dạy cho người sau, người đã biết dạy cho ai chưa biết. Bà Mận vừa lo cơm áo gạo tiền cho chiếu xẩm, vừa dạy hát cho các thành viên.
Đinh Thị Thùy Linh, 14 tuổi, đã học hát xẩm từ hồi lớp 5 vì cảm thấy xẩm hay từ giai điệu đến lời bài hát. "Em còn nhỏ, đôi khi chưa rõ lời bài hát nhưng khi hiểu rồi mới biết đó là những lời răn dạy con người nên lại càng thích", Linh nói.
Sau một năm tập luyện dưới sự chỉ bảo của nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh (học trò của cụ Cầu), đến giờ khi ngón đàn đã thành thục, Linh hướng dẫn lại cho những người chưa biết. Học trò của cô bé có em mới 5, 6 tuổi được bố mẹ gửi vào chiếu xẩm, nhưng cũng có người đã lên chức ông bà, ngoài 70 tuổi cũng đến học "cô Linh".
Dạy xẩm, Linh viết nốt nhạc lên bảng, đàn em mắt chữ a, miệng chữ o học theo. Rồi cô chị cầm đàn nhị lên kéo từng nốt, rồi đảo mắt nhìn, xung quanh ai kéo "lệch" là phải kéo lại, bao giờ đúng nốt, đúng điệu mới thôi.
Ấy thế mà chục đứa nhỏ, đứa nào cũng mê mẩn. Phạm Thị Mỹ Lệ mới 9 tuổi cũng đã tự hát được, rồi chơi đàn, gõ trống phách. Ngày chưa học hát, Lệ hay mở tivi nghe bà Cầu hát xẩm. Nghe nhiều đến thuộc hết lời bài hát, Lệ xin bố mẹ cho theo chiếu xẩm.
Mới học, cô bé lớp 1 khi ấy thấy… sao mà khó quá. Những ngày mới bấm dây đàn, ngón tay của Lệ đỏ ửng, tấy lên vì đau.
Vậy mà chỉ sau hai năm Lệ đã rành rẽ. Cô bé còn mê xẩm đến độ tích cực đi diễn ở khắp nơi để có cát sê tự mua cho mình một cây đàn nhị. "Cháu rất quý cây đàn này, và vui sướng mỗi lần được dùng nó", Lệ khoe.
Được ngỏ lời diễn một đoạn cho chúng tôi xem, cô bé lớp 3 loắt choắt ôm cây đàn đầu tiên trong "sự nghiệp" xúng xính trong chiếc váy đụp, khăn mỏ quạ say sưa trong một làn thập ân "Công cha ngãi mẹ sinh thành…".
Cũng bài hát này, Lệ, Thùy Linh và 6 bạn nhỏ khác đã diễn mở màn trong live concert "Chân trời rực rỡ" của ca sĩ Hà Anh Tuấn tại Ninh Bình hồi tháng 2. Trên sân khấu, 8 em nhỏ (nhỏ nhất mới 7 tuổi) xuất hiện với cây đàn nhị hát điệu thập ân, lời cổ.
Không gian lắng xuống, chìm về miền ký ức trong tiếng nhị, câu hát mộc mạc "Chớ quên, ngãi mẹ công cha…".
Hà Anh Tuấn mở màn đêm live concert đầy ấn tượng với sự kết hợp của Xẩm thập ân với dàn nhạc giao hưởng, khiến tất cả như vỡ òa xúc cảm.
Bà Mận chưa hết ngỡ ngàng, nhớ lại ngày Hà Anh Tuấn tìm về nhà bà, thắp nhang cho cụ Hà Thị Cầu rồi ngỏ ý cho các em nhỏ hát xẩm trong show của mình.
"Tôi rất ngạc nhiên và cũng bỡ ngỡ vì các cháu nhỏ này chỉ hát xẩm, làm sao có thể đồng hành hát nhạc trẻ được? Nhưng cậu ấy bảo là muốn đưa câu lạc bộ xẩm Hà Thị Cầu lên sân khấu để tỏa sáng bằng cách phối hợp hài hòa giữa xẩm và nhạc trẻ", bà Mận kể.
Xẩm xưa về lại đời nay
"Mẹ tôi căn dặn phải giữ lại lời xẩm cho mẹ. Tôi có thể hát không hay, chơi đàn không hay nhưng phải giữ lại lời bài hát để truyền lại cho thế hệ sau vì có thể sau này sẽ bị mai một", bà Mận nói.
Xưa, chỉ người nghèo, người khiếm thị mới hành nghề hát xẩm ở góc chợ, bóng đa đầu làng, họa hoằn lắm xẩm mới được hát trong nhà quan.
Giờ cuộc sống hiện đại, chiếu xẩm chợ vắng dần, và người ta chỉ còn nghe tiếng xẩm ở những cuộc liên hoan văn nghệ, trên radio, hay một số clip được đăng tải trên mạng xã hội.
Năm 2016, cụ Cầu mất đã ba năm, bà Mận nhận được cuộc điện thoại của một cậu thanh niên, xin đến ở nhà bà để học đàn, học hát. Ấy là Bùi Công Sơn. Sơn năm đó mới 17 tuổi nhưng mê mẩn lối hát của cụ Hà Thị Cầu nên nhất quyết học cho bằng được.
Nhà Sơn ở xã An Cầu, huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình), cách quê nhà cụ Cầu hơn trăm cây số. Lớp 8, cậu nghe cụ Cầu hát bài Thập ân qua chiếc radio đã cũ của ông ngoại.
Đã quen với chiếu chèo trong đình làng, Sơn bỗng thắc mắc: "Em chưa nghe thấy loại nhạc này bao giờ. Hát như đọc, đọc như hát, nhưng càng nghe càng mê", Sơn nhớ lại.
Ngày ấy, canh đến giờ vào môn tin học, cậu vào phòng máy tính của nhà trường chụp tai nghe để nghe cụ Cầu hát xẩm qua các video được quay và đăng tải trên mạng. Thỉnh thoảng, cậu lại ra quán net gần ủy ban xã để phiêu theo làn điệu xẩm.
Hết lớp 9, Sơn nghỉ học, khăn gói sang Nam Định học nghề chạm khắc. Vừa học vừa làm, dành được ít tiền, Sơn lại tìm thầy học đàn, học hát xẩm. Chỉ vài năm, cậu thanh niên choai choai ngày ấy đã được làm học trò của các nghệ sĩ gạo cội như nhạc sĩ Thao Giang, nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch, Ngô Văn Đản, Văn Ti…
Gặp được nhiều thầy dạy, song Sơn vẫn mê và tự luyện theo lối hát của cụ Cầu. Chưa một lần gặp, chưa được cụ Cầu chỉ bảo một câu, một chữ, nhưng giọng hát, cách nhấn nhá, nhả chữ của Sơn hệt như cách của bà. Mỗi lần Sơn cất giọng, ai nghe cũng bảo "thằng bé này chắc là học trò cụ Cầu", nhiều người còn nhầm cậu là con cháu của cụ.
Những ngày tháng sống ở nhà cụ Cầu, ngoài vận động quyên góp xây mộ cho cụ, Sơn còn dạy đàn, dạy hát xẩm cho những em nhỏ muốn học. Nhiều câu xẩm dùng từ cổ gây khó hiểu với bọn trẻ, Sơn "chế" lại bằng những từ mang hơi hướng hiện đại, gần gũi để vừa có thể giải thích nghĩa với học trò, lại giúp các em dễ thấm hơn.
Sơn chia sẻ: "Tôi khao khát được lan tỏa, phát triển nghề hát xẩm đến với thế hệ trẻ, không muốn di sản tinh thần này biến mất trong tương lai. Trong quá trình vừa học vừa dạy, tôi luôn mong tìm ra người có năng khiếu, đam mê và quyết tâm theo đuổi xẩm như mình".
Lao động nghệ thuật trên chiếu chợ
Sơn "xẩm" chọn việc hát ở chợ và đi khắp nơi giống những nghệ sĩ dân gian xưa như một cách rèn luyện để hiểu được phần nào không gian đặc biệt của nghề hát xẩm, tích lũy vốn sống và trải nghiệm. Hành nghề như các bậc tiền bối, cậu mang cây đàn nhị đi khắp các chợ ở Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình… trải chiếu hát xẩm.
Cứ cuối tuần, Sơn lại ra phố đi bộ Hà Nội, rải chiếu kéo đàn. Nhiều lần say sưa vừa hát vừa kéo nhị, túi tiền đeo bên hông bị người ta lấy sạch. Lần khác diễn xong về muộn, nhà trọ khóa cửa, Sơn với anh bạn diễn ra gầm cầu Long Biên đánh một giấc ngon lành.
Vài năm sau, Sơn cùng một người nữa thành lập chiếu xẩm chợ Lồng, Yên Mô, Ninh Bình. Hát ở chợ, dạy học sinh hát xẩm ở đúng cái chợ quê hương cụ Cầu.
Bây giờ, cậu thanh niên được xem là truyền nhân hát xẩm của cụ Hà Thị Cầu chạy show mỗi tháng 15 buổi diễn ở khắp các tỉnh thành miền Bắc. Sơn cho hay việc tích cực đi show giúp cậu có thu nhập hàng chục triệu mỗi tháng, có thể choàng gánh cuộc sống gia đình.
Bên cạnh đó, chàng trai 23 tuổi vẫn tranh thủ đi hát chợ. "Đi hát chợ, vừa cảm nhận được các tiền bối ngày xưa hành nghề thế nào, vừa mưu sinh được như họ ngày xưa, vừa lan tỏa được cái hay, đẹp của xẩm đến với cuộc đời hôm nay".
Sơn tâm sự, rồi vừa hát vừa gảy một đoạn xẩm làm quà tặng khách phương xa…
Chiếu xẩm Yên Mô trẻ hóa
Ông Nguyễn Xuân Bính - phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Mô (tỉnh Ninh Bình) - cho hay ở huyện hiện có 26 câu lạc bộ hát chèo, xẩm. Số người học hát xẩm ngày càng nhiều, trong đó nhiều thành viên tuổi từ 5 đến 15 tuổi.
Có em mới 7 tuổi nhưng đã thuộc và hát được 12 làn điệu xẩm, những em 10 tuổi thành thục đàn, hát không đếm hết. Có những gia đình 4, 5 người từ ông, bà đến đứa cháu mới 6 tuổi cũng muốn vào sinh hoạt ở các câu lạc bộ, chiếu xẩm để được tập đàn, hát xẩm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận