12/03/2020 10:46 GMT+7

Nguyễn Quang Long - 'nhà khảo cổ' xẩm

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Thuộc "đội đặc nhiệm" đã đưa nghệ thuật hát xẩm trở về với đời sống hiện đại, nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long đã làm việc cật lực suốt gần 20 năm qua.

Nguyễn Quang Long - nhà khảo cổ xẩm - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Nguyễn Quang Long (giữa) và hai diễn viên tham gia MV Trách ông nguyệt lão - Ảnh: BÌNH QUÁCH

Chính anh đã trở thành một nghệ sĩ biểu diễn xẩm và mới đây anh còn tự sáng tác xẩm.

Nguyễn Quang Long sinh ra ở làng Thương Giang, một trong 49 làng quan họ cổ ở Bắc Ninh. Cha anh là nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Tưởng, một giọng nam dòng ca khúc trữ tình cách mạng nổi tiếng ở tỉnh Hà Bắc ngày xưa.

Nguyễn Quang Long từng học thanh nhạc, nhưng bệnh viêm xoang không cho phép theo nghề này lâu dài nên anh chuyển sang học lý luận, phê bình âm nhạc.

“Xẩm không chỉ dân dã mà nó còn đầy tính triết lý, nhiều tầng nghĩa, thể hiện tinh thần lạc quan của người Việt nên gần gũi lắm. Tôi nghĩ rất cần có những nhóm độc lập như chúng tôi bảo tồn xẩm. Tuy nhiên, bảo tồn như thế nào là câu chuyện dài, mà ngành văn hóa không thể phó mặc cho những nhóm độc lập.

Nghệ sĩ Nguyễn Quang Long

Đi tìm các mảnh ghép của xẩm

Năm 2005, khi nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long còn là phó ban biên tập của Nhà xuất bản Âm Nhạc (Dihavina), anh vô tình gặp nhạc sĩ Thao Giang, được nghe ông chia sẻ về tâm huyết khôi phục xẩm, anh mới hiểu xẩm thực sự là "vàng rơi" của âm nhạc dân gian. Anh nhanh chóng xin một chân trong "đội đặc nhiệm chấn hưng xẩm" của nhạc sĩ Thao Giang.

Ngay trong năm 2005, "đội đặc nhiệm" này đã vận động thành lập Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam. Nhóm nhạc sĩ Thao Giang, GS.TS Phạm Minh Khang, NSND Xuân Hoạch, nhạc sĩ Hạnh Nhân, NSƯT Văn Ty, NSND Thanh Ngoan, Nguyễn Quang Long, Mai Tuyết Hoa... bắt đầu nghiên cứu tất cả các nguồn tài liệu, đi điền dã khắp Hà Nội, Bắc Ninh, Sơn Tây, Hà Đông, Thanh Hóa, Ninh Bình, Bắc Giang... để gặp những nghệ nhân hát xẩm còn sót lại.

"Những bài xẩm nổi tiếng như Mục hạ vô nhân, Cô hàng nước, Lỡ bước sang ngang, Giăng sáng vườn chè, Quyết chí tu thân... theo thời gian chỉ còn là những mảnh ghép rời rạc trong trí nhớ của những nghệ nhân ở tuổi xế chiều.

Công việc của chúng tôi không khác gì những nhà khảo cổ. Sau khi tìm kiếm được những mảnh vỡ, chúng tôi ráp nối lại thành những bài xẩm hoàn chỉnh" - nhạc sĩ Nguyễn Quang Long nhớ lại.

Họ mất rất nhiều công sức để tìm nghệ nhân vì "xẩm thiệt phận nên nghệ nhân giấu thân phận với ngay cả gia đình, con cái của họ". Cuộc gặp gỡ đáng giá nhất của những người nghiên cứu xẩm là cuộc gặp nghệ nhân Hà Thị Cầu - nghệ nhân hát xẩm danh tiếng còn sót lại của thế kỷ XX.

Dù lúc đó tuổi cao sức yếu nhưng khi bà Cầu cất lời thì "cả một vùng văn hóa dân gian sống dậy". Bằng những bài báo của mình, Nguyễn Quang Long đưa nghệ nhân Hà Thị Cầu ra ánh sáng, khiến báo chí biết đến bà như một "di sản sống" của âm nhạc dân gian.

Nguyễn Quang Long - nhà khảo cổ xẩm - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Nguyễn Quang Long

Trở thành ca sĩ bất đắc dĩ

Không chỉ những nghệ sĩ chèo như Thanh Ngoan, Thúy Ngần học hát xẩm để giữ xẩm, mà chính Nguyễn Quang Long và Mai Tuyết Hoa, hai người nghiên cứu, cũng lao vào học hát, bởi họ biết chắc chắn xẩm chỉ sống khi có người hát.

Đến giờ, xẩm đã được nhân lên ở Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Sài Gòn, Thanh Hóa... chứ trong giai đoạn mới bắt đầu khôi phục gần như không có ai hát cả.

Đến với xẩm với tư cách nhà nghiên cứu, Nguyễn Quang Long cũng không ngờ một ngày nào đó anh trở thành một nghệ sĩ hát xẩm. Mấy năm trở lại đây, chính anh cũng phải bất ngờ khi mình bắt đầu có khả năng sáng tác bài xẩm mới.

Sáng tác đầu tiên của Nguyễn Quang Long là bài xẩm Tiễu trừ cướp biển năm 2016, lên tiếng để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đến tết năm đó, Nguyễn Quang Long ra bài Bốn mùa hoa Hà Nội "dành tặng cho Hà Nội, là tuổi thanh xuân của tôi".

Anh khai thác thêm làn điệu khác như đồng dao, đẩy nhanh tiết tấu giống rap để thu hút người nghe hơn. Đến năm 2019, anh chính thức ra mắt album Trách ông nguyệt lão - album gồm 9 bài xẩm trữ tình do anh sáng tác toàn bộ.

"Trong giai đoạn hiện nay, xẩm cũng phải thay đổi để thu hút người nghe. Văn hóa phải có tiếp nối, chứ nếu chỉ bảo tồn là tự ngắt mạch sống của nó. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải đảm bảo gieo cây gì phải mọc lên cây đó chứ không thể là cây khác" - Nguyễn Quang Long nói.

13 năm chiếu xẩm Hà thành

Nguyễn Quang Long là người đề xuất làm một chiếu xẩm khi chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân hình thành. Anh, Mai Tuyết Hoa cùng với Khương Cường, Phạm Đình Dũng đã thành lập nhóm Xẩm Hà thành...

Suốt 13 năm qua, chiếu xẩm Hà thành 36 phố phường hoạt động không nghỉ. "Chỉ có tình yêu vô bờ bến của nghệ sĩ với xẩm mới làm được điều đó. Mình biết xẩm đẹp, nếu mình không gìn giữ, cái mất đi không chỉ là xẩm mà còn là văn hóa" - nghệ sĩ Nguyễn Quang Long nói.

Xẩm Hà Thành ra MV Rượu bia tối kỵ lái xe - Dặn chồng chớ uống rượu bia Xẩm Hà Thành ra MV Rượu bia tối kỵ lái xe - Dặn chồng chớ uống rượu bia

TTO - Trước tình trạng tai nạn xảy ra liên tiếp do lái xe uống rượu bia, nhóm Xẩm Hà Thành đã công bố 2 MV 'Rượu bia tối kỵ lái xe', 'Dặn chồng chớ uống rượu' bia góp phần nâng cao nhận thức về việc tham gia giao thông.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên