09/10/2022 12:04 GMT+7

Người trẻ xài tiền - Kỳ 4: Làm giàu nhờ không để tiền nằm yên một chỗ

YẾN TRINH - DIỆU QUÍ
YẾN TRINH - DIỆU QUÍ

TTO - Không ít người trẻ ngày nay khấm khá nhanh nhờ biết làm ăn. Họ đã tận dụng thành công sức trẻ, lòng say mê và quỹ thời gian dài rộng để viết lên những câu chuyện của đời mình.

Người trẻ xài tiền - Kỳ 4: Làm giàu nhờ không để tiền nằm yên một chỗ - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Ngọc Luân hứng thú với thị trường địa ốc và bước đầu đầu tư có hiệu quả - Ảnh: NVCC

Anh Nguyễn Ngọc Luân (32 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) là một trong số đó.

Hơn nhau ở cách dùng vốn

Ngay từ năm đầu đại học, anh Luân đã tập tành đầu tư như nhiều bạn trẻ khác. Hiện anh đang dùng số tiền mà mình kiếm được để tiếp tục "bắt" tiền đẻ ra tiền.

Với số vốn ban đầu vài trăm triệu đồng, năm 2015 anh Luân mua lô đất 130m2 trong một khu quy hoạch ở Long Thành, Đồng Nai. Anh nói: "Khi đó, thông tin sân bay Long Thành được xây dựng khiến đất ở đây nóng lên". Sau hơn 2 năm, anh nhượng lại lô đất, tiền lời thu về trên cả mong đợi.

Thừa thắng xông lên, anh Luân chuyển hướng đầu tư sang các tỉnh khác như Tây Ninh, Long An, Bình Phước... vì nhận thấy những nơi này có tiềm năng về dịch vụ du lịch sinh thái, tâm linh và có các khu công nghiệp. 

Thói quen đầu tư của anh là dàn trải ra nhiều nơi, không tập trung vào một chỗ để phân tán rủi ro. Có lời anh sẽ bán ngay. Còn nếu là bất động sản nằm ở vị trí đẹp, có tiềm năng, không vướng quy hoạch thì anh giữ lại lâu hơn. 

"Tôi nghĩ mình cũng mát tay với những lô đất", anh nói.

Nghe qua thì việc đầu tư có vẻ đơn giản, nhưng nhiều bạn trẻ cho biết yếu tố quyết định là biết nắm bắt thị trường. Theo đó, đồng vốn bỏ ra phải thật sáng suốt và đúng chỗ.

Với bất kỳ mảnh đất nào, anh Ngọc Luân luôn chú ý mua của chủ đầu tư uy tín nếu đó là đất dự án, hoặc đất dân sinh thì vấn đề quy hoạch và pháp lý phải rõ ràng. 

"Phải xem xét thời điểm mua có phải là thời điểm vàng hay không. Thông tin khu đất có minh bạch, có đang bị thế chấp, rồi vị trí đất, đường đi, môi trường xung quanh thế nào", anh cho biết.

Để có tiền đầu tư, anh Luân đang vay ngân hàng số tiền kha khá. 

"Tùy thời điểm lãi suất và căn cứ năng lực chi trả của mình, tôi sẽ sử dụng đồng vốn hợp lý. Nhờ người thân hỗ trợ và bạn bè chia sẻ kinh nghiệm, tôi thấy tự tin hơn", anh nói. 

Ngoài công việc chính là MC và biên tập viên, anh Luân còn nhận dẫn một số chương trình, thu TVC quảng cáo cho các nhãn hàng, thuyết minh phim...

Đi làm với mức lương 30 triệu đồng/tháng, anh Lê Trung Kiên (29 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) bắt đầu chơi chứng khoán hai năm nay. Anh cho hay thấy đồng nghiệp lướt sóng có lời nên cũng lên các diễn đàn tham khảo kinh nghiệm. 

"Gọi là đầu tư cho sang, tôi xác định đó là cách cất tiền tiết kiệm sinh lời cao hơn", Kiên chia sẻ.

Trải qua những trầy trật ban đầu, anh trở nên nhạy bén và biết quan sát biến động thị trường. "Chứng khoán giúp tôi có khoản thu nhập đều trong nhiều tháng. Có tháng tiền lãi nhiều hơn tiền lương", anh nói.

Từ kinh nghiệm bản thân, anh Kiên cho rằng đầu tư chứng khoán phù hợp với người ở lứa tuổi như anh nếu thu nhập ở mức khá. Quan trọng là biết chọn mã cổ phiếu ít rủi ro. 

"Chứng khoán là kênh đầu tư không cần quá nhiều tiền. Vốn ít, lời ít thì đủ tiền cà phê, ăn sáng, xăng xe. Kiếm được nhiều hơn thì mình tích lũy hoặc giúp cho việc chi tiêu thoải mái hơn", anh nhận định.

Không giống như anh Luân, anh Kiên có quan niệm khác biệt về chuyện vay mượn để đầu tư: "Mỗi người có điều kiện tài chính khác nhau. Nếu có công việc ổn định, mình chỉ nên vay ngân hàng khoảng 30% để không bị áp lực nhiều. Vì khi số tiền trả hằng tháng bằng hoặc lớn hơn tiền lương, đầu óc sẽ rất mệt mỏi".

Anh cho biết mình đang vay tiền của bác gái và trả lãi nhỉnh hơn lãi ngân hàng một chút. 

"Ba mẹ hoặc họ hàng lớn tuổi thường có khoản tiền dư. Nếu mượn không thì cũng ngại vì người lớn thường bỏ vào ngân hàng để có lời. Mình cam kết trả đúng hạn, kèm theo tiền lãi thì ai cũng vui", Kiên nói.

Người trẻ xài tiền - Kỳ 4: Làm giàu nhờ không để tiền nằm yên một chỗ - Ảnh 2.

Anh Đặng Minh Việt vừa tiết kiệm vừa tính toán đầu tư để tiền sinh ra tiền - Ảnh: NVCC

Chia tiền làm nhiều "giỏ"

Nhiều bạn trẻ cho rằng nên phân chia số tiền mình có vào nhiều "giỏ", đừng dồn hết để đầu tư. Điều này giúp hạn chế rủi ro mất trắng và có thể dùng tiền kiếm được từ đầu này để đắp đầu kia.

Ngoài đầu tư đất đai, chứng khoán hoặc bỏ vốn làm ăn, một số bạn chia tiền thành các khoản chi tiêu, đầu tư, dự phòng. Trong đó, số tiền dự phòng có thể gửi tiết kiệm hoặc mua vàng và cho "ngủ đông" 1-2 năm, sau đó được giá thì bán lại.

Với Đặng Minh Việt (32 tuổi, ngụ quận 4), anh dành một khoản tiền lớn để đầu tư dài hạn. 

"Đây là khoản tiền tôi chuẩn bị cho những khoản đầu tư từ một năm trở lên, cụ thể là bất động sản. Tuy nhiên, sau 1-3 tháng nếu tôi cảm thấy thị trường chưa được tốt thì sẽ đem khoản này gửi tiết kiệm ngắn hạn để sinh lãi, mặc dù lãi không nhiều", chàng trai gốc Hà Nội nói.

Chẳng hạn, tháng 7 âm lịch vừa rồi, biết đa số mọi người có tâm lý ngại giao dịch vào tháng này nên anh đã đem khoản tiền định đầu tư đi gửi tiết kiệm. Sau 3-4 tháng, anh sẽ rút cả gốc lẫn lãi để đầu tư vào mảnh đất dự định mua.

Anh Minh Việt dù mới tham gia đầu tư hơn hai năm song đã nắm bắt thị trường khá tốt và luôn có một khoản tiền phòng rủi ro. May mắn phần đầu tư bất động sản của anh đều có lời như dự tính. Anh cũng nỗ lực làm việc, tích lũy số dư tài khoản tiết kiệm để trả góp căn hộ mới mua.

Trong khi đó, anh Kiên kể bạn bè mình, nhất là nữ, thường có thói quen mỗi tháng mua một chỉ vàng. 

"Sau một năm, họ có trung bình một cây vàng, nếu bán đi thì cũng lời một ít. Nếu giá vàng không tăng nhiều, họ cũng có một kênh để dành khá an toàn. Tôi nghĩ chỉ cần có ý định đầu tư thì dù vốn ít hay nhiều cũng thực hiện được", anh nói.

Với Ngọc Oanh (25 tuổi, nhân viên công ty quảng cáo, ngụ TP Thủ Đức), cô còn nhận thêm một số việc bên ngoài để tăng thu nhập.

Ngọc Oanh cũng góp vốn với người bạn thuê nhà nguyên căn, sau đó ngăn phòng cho thuê lại. Sau khi tích cóp được kha khá, mới đây Oanh tiếp tục hùn vốn mở quán cà phê mô hình take away (bán mang đi). Cô gái quê Đắk Lắk tự nhận mình không giỏi đầu tư, kinh doanh mà chỉ tích tiểu thành đại và làm những gì không quá rủi ro.

Khởi nghiệp làm giàu chưa bao giờ dễ dàng. Một số người thành công, nhiều người thất bại, nhưng người trẻ nếu không thử dấn bước thì chẳng bao giờ có cơ hội thành công...

Đừng để đồng tiền dẫn dắt

Dù chí thú đầu tư nhưng một số bạn trẻ cũng nhắc nhở bản thân đừng bị cuốn vào vòng xoáy đồng tiền. Anh Lê Trung Kiên cho biết việc đầu tư là cần thiết, nhất là những bạn ở quê lên phố, phải tự lực cánh sinh như anh.

Tuy nhiên, mục đích đầu tư của Kiên là để cuộc sống ý nghĩa hơn. Theo anh, mỗi người nên tạo cho mình sự hài hòa. Số tiền kiếm được có thể dùng để chăm chút các khoản khác như vun vén cho gia đình, đi du lịch mở mang tầm mắt, không nên chăm chăm ăn thua với đồng tiền...

Ngoài cố gắng kiếm tiền, bản thân anh Nguyễn Ngọc Luân tự trau dồi những hiểu biết mới trong cả công việc chính và việc đầu tư. Anh gặp gỡ nhiều người, đi nhiều nơi xem đất để vững tâm hơn khi quyết định mua một miếng nào đó.

Còn anh Kiên đã học xong bằng đại học thứ hai về kinh tế và dự định học lên thạc sĩ để vừa phục vụ cho công việc chuyên môn và đầu tư hiệu quả hơn nữa.

Nhiều bạn trẻ, nhất là nam công nhân hay lao động tự do, hiện nay làm được đồng nào "rơi rớt" hết vào đáy ly bia. Lý do tại sao cùng làm việc và lương thưởng như nhau nhưng người đủ xài, thậm chí có dư để giúp người thân, còn kẻ quanh năm túng thiếu và nợ nần.

Kỳ tới: Tiền “rớt” hết vào đáy ly bia

Người trẻ xài tiền - Kỳ 3: Người trẻ xài tiền - Kỳ 3: 'Tiền vỗ cánh bay đi' theo mộng đổi đời

TTO - Thấy nhiều người đổ tiền vào việc kinh doanh mua bán, nhiều bạn trẻ cũng hăng hái thử sức. Ý chí khởi nghiệp đáng khích lệ. Có bạn thành công rực rỡ nhưng không ít người thất bại đau đớn do non kinh nghiệm, thiếu kiến thức và nôn nóng làm giàu.

YẾN TRINH - DIỆU QUÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên