07/10/2022 09:07 GMT+7

Người trẻ xài tiền - Kỳ 2: Dè sẻn, mỗi ngày xài 120.000 đồng

DIỆU QUÍ - YẾN TRINH
DIỆU QUÍ - YẾN TRINH

TTO - Khác với những bạn trẻ xài tiền thoải mái, để trang trải chi phí đắt đỏ nơi thành phố, nhiều bạn lại "thắt lưng buộc bụng". Họ tự quy định mỗi ngày xài bao nhiêu, cân đo đong đếm để cuối tháng dư ra một chút.

Người trẻ xài tiền - Kỳ 2: Dè sẻn, mỗi ngày xài 120.000 đồng - Ảnh 1.

Anh Minh Phương tính toán, quản lý chi tiêu - Ảnh: DIỆU QUÍ

Sáng xôi, trưa cơm, hạn chế mua sắm

Lê Thành là một nhân viên văn phòng 28 tuổi, làm việc tại quận 1 (TP.HCM) với thu nhập 15 triệu đồng/tháng. Khoảng 3 năm nay, Thành hạ quyết tâm sống tiết kiệm.

Anh cho biết mỗi ngày chỉ xài khoảng 120.000 đồng. "Sáng ăn xôi hoặc bánh mì bình dân. Trưa cơm văn phòng, muốn đổi món thì hủ tiếu, mì quảng giá cao hơn chút. Tối tôi mua cơm cũng chừng đó tiền", Thành nói.

Công việc phải nhìn màn hình laptop suốt dễ buồn ngủ nên ngày nào anh Thành cũng uống hai cữ cà phê vỉa hè cỡ 30.000 đồng. Anh chọn ở trọ tại TP Thủ Đức, cách chỗ làm gần 20km vì giá rẻ và "ở xa thì phòng ốc rộng rãi hơn". Ngoài những khoản chi tiêu kể trên, hầu như anh không mua sắm gì nhiều, cả năm mới mua quần áo một lần.

"Với những món đồ công nghệ như điện thoại hay laptop, khi nào không còn dùng được nữa tôi mới mua cái khác. Chiếc điện thoại cũ tôi xài đã sáu năm, nếu không bể màn hình thì tôi cũng chưa đổi", anh nói.

Tương tự anh Thành, Nguyễn Thanh Bình (26 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) cũng cố gắng giữ thói quen xài tiền hợp lý. "Tôi chỉ mua những gì cần thiết. Quần áo, đồ đạc tôi thường chọn loại tốt để mặc được lâu hơn. Mỗi khi về quê, tôi đem rau củ, trứng gà... lên để tủ lạnh nấu ăn dần", cô cho biết.

Nếu Thanh Bình cho rằng nấu ăn ở nhà sẽ tiết kiệm hơn thì anh Lương Minh Phương (27 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) lại chọn ăn ba bữa ngoài quán. "Với người sống một mình, đi làm cả ngày như tôi thì ăn ở ngoài giúp tiết kiệm thời gian, đỡ tốn công đi chợ mua về nấu, tốn hao gas, điện rồi lại dọn dẹp, rửa chén", anh nói.

Theo anh, ăn quán bình dân chỉ mất 20 phút, chẳng tốn hơn nấu ở nhà bao nhiêu. Anh cũng cân nhắc tiền ăn mỗi ngày không quá 120.000 đồng.

Để dành 60% thu nhập

Để hình thành thói quen dành dụm tiết kiệm, nhiều bạn trẻ có những quy định khá nghiêm ngặt cho bản thân. Như trường hợp anh Thành, do đã giới hạn mỗi ngày xài 120.000 đồng nên anh tự thấy có trách nhiệm với khoản chi này. 

"Nếu đi ăn đột xuất với bạn bè hay đồng nghiệp, tức là bội chi, thì tôi sẽ tiết kiệm vào những ngày tiếp theo. Tôi sẽ bỏ một cử cà phê, ăn những món rẻ hơn", anh kể.

Thành cũng cho biết mỗi tháng anh để dành 60% thu nhập và phân chia vào những "chiếc giỏ": sổ tiết kiệm gửi tại quầy, sổ tiết kiệm online theo từng mục tiêu với thời gian có thể tự điều chỉnh từ 3-6 tháng... 

Tháng nào anh cũng sẽ kiểm lại số tiền mình đang có, các khoản thu chi đã hợp lý chưa. Còn với Thanh Bình, mỗi tháng cô cố gắng để dành hai triệu đồng và chuyển cho dì của mình giữ giùm.

Khác với Bình, anh Minh Phương chọn cách kiểm soát chi tiêu bằng ứng dụng trên điện thoại. Mỗi tháng sau khi lãnh lương, anh thường nhập số tiền vào mục "Lương" và chia làm ba loại chi phí.

Thứ nhất là chi phí bắt buộc. Anh chàng chuyên viên quản trị phân tích tài chính này sẽ nhập vào app số tiền thuê nhà, ăn uống, WiFi, điện thoại. Tiếp theo là chi phí cần thiết như tiền tập gym, bảo dưỡng xe, đám tiệc, thuốc men...

Một số lần chi vượt kiểm soát, anh Phương sẽ vay mượn đắp vào và trả khi có lương. Tình huống này cũng hiếm vì anh còn có một khoản tiết kiệm và thu nhập thụ động khác. Biết cách quản trị tài chính và kỷ luật bản thân đã giúp chàng trai quê Đà Nẵng sống sót qua bốn tháng thất nghiệp.

Người trẻ xài tiền - Kỳ 2: Dè sẻn, mỗi ngày xài 120.000 đồng - Ảnh 2.

App quản lý chi tiêu, phòng quá tay, mất kiểm soát tiền bạc - Ảnh: DIỆU QUÍ

Tiện tặn nhưng không ki bo

Có lẽ ai cũng muốn sống dư dả, tiêu xài thoải mái không phải tính toán. Nhưng nỗi lo cơm áo khiến nhiều bạn trẻ luôn phải suy nghĩ trước khi chi trả một món nào đó. Bên cạnh đó, những trải nghiệm theo năm tháng giúp họ cảm nhận đa chiều hơn về đồng tiền mình kiếm được.

Là người sống tình cảm, Thành cho biết: "Tôi bắt đầu có ý thức tiết kiệm khi đi bệnh viện thăm người thân, nhìn thấy nhiều hoàn cảnh bệnh tật mà không có tiền chạy chữa đáng thương lắm". Dù còn độc thân nhưng Thành luôn có tâm lý tự lo. 

"Ai cũng có gia đình, có những khó khăn riêng nên mình cũng hạn chế nhờ vả vì sẽ làm người được nhờ khó xử. Mình phải chăm sóc tốt cho bản thân và nên có tiền phòng khi đụng chuyện", anh chàng "cụ non" lý giải.

Còn Bình kể trước đây cũng hay mua sắm, tiêu xài linh tinh. Trong một lần bị đau dạ dày phải chữa trị trong nhiều tháng, cô nhận thấy nếu không có tiền để dành thì khi có việc cần đến sẽ khó mà xoay xở. Hơn nữa, những thú vui như mua sắm, đi hát hò... cuối cùng cũng không đọng lại gì. Có một cuốn sách đã giúp cô thay đổi nhiều, đó là cuốn Lối sống tối giản của người Nhật.

Theo Bình, việc tiêu xài hợp lý đem lại cho cô niềm vui dù đôi khi bị bạn bè chọc ghẹo là ki bo. Mỗi tháng, tiền lương từ công việc giáo viên mầm non và việc bán son môi online của cô cộng lại chừng 12 triệu đồng.

Công việc hằng ngày của cô là trông chừng gần 20 đứa trẻ từ sáng tới chiều, tối lại phải trả lời khách đặt son và lo gói hàng. Cô cho biết không còn thói quen mua sắm nhiều cho mình nhưng sẵn sàng mua vé số, mua những món đồ linh tinh ủng hộ những người bán dạo... Hoặc khi người thân đau bệnh, cô cũng chủ động gửi tiền đỡ đần.

Có suy nghĩ tương tự, Thành cũng cho biết tích lũy tiền cũng là một thú vui, tạo sự an tâm khi trong người có chút tài sản. Thành nói: "Có tiền thì mình không phải lo sợ. Đợt dịch vừa rồi, tôi thấy nhiều người khi bị giảm lương, không nhận lương chừng 1-2 tháng là không có tiền đóng tiền trọ, mua đồ ăn".

Không phải gửi tiền cho gia đình nhưng mỗi lần về thăm nhà Thành đều mua quà bánh cho cha mẹ và mấy đứa cháu. Nhờ sự dành dụm và biết chia sẻ khi cần thiết, anh thấy cuộc đời dường như cũng dễ chịu với mình hơn.

Nguyễn Thị Bích Nhi (nhân viên ngân hàng, ngụ quận 7) cũng là một người trẻ chú trọng việc tích lũy. Nhi cho biết thu nhập của cô chừng 10 - 15 triệu đồng tùy doanh số mỗi tháng. Sau khi nhận lương, cô "dồn một cục" vào tài khoản và nếu tháng nào lương ít sẽ bớt tiêu xài. Mỗi tháng Nhi cũng trích ra năm triệu đồng đưa chồng trả góp căn hộ mới mua.

"Tôi không phân chia thu nhập mà để chung vậy rồi tự kiểm soát trên tinh thần tiết kiệm chứ không xài lố. Vì nhiều khi phân chia ra rồi có tháng phát sinh chi phí, lại lấy chỗ này đắp chỗ kia càng mệt hơn", Nhi nói. Sau khi trừ hết các chi phí, mỗi tháng Nhi dư khoảng 3-4 triệu đồng. "Không nhiều, nhưng cũng đủ để mình sống không chật vật và chẳng phải vay mượn ai", cô chia sẻ.

Luôn có khoản dự phòng

Ngoài khoản đầu tư, anh Phương luôn dự phòng một khoản tiền khi cần thiết mới rút ra chi tiêu. "Khoản tiền đó phải đủ cho mình sống từ 6 - 12 tháng trong lúc chưa kiếm ra tiền", anh nói. Hiện anh Phương vừa hoàn tất kỳ thi liên quan đến chuyên môn, anh dự định sau khi có chứng chỉ sẽ tham gia giảng dạy ở các hội nhóm trên mạng để tăng thu nhập.

Còn anh Thành cho biết cứ nửa năm anh sẽ mua thêm vài chỉ vàng để dự phòng. Anh chia sẻ: "Nếu gửi tiết kiệm thì tâm lý hay bồn chồn, dễ rút ra xài. Còn khi mua vàng, mình muốn xài thì phải đem đi bán, tạo cảm giác tiếc của. Vì vậy số vàng tôi dành dụm được vẫn còn y nguyên...".

-----------

Thấy nhiều người đổ tiền vào việc kinh doanh mua bán, nhiều bạn trẻ cũng hăng hái thử sức. Có bạn thành công rực rỡ, nhưng không ít người thất bại...

Kỳ tới: Đầu tư và những "cú ngã" đầu đời

Người trẻ xài tiền - Kỳ 1: Trắng đêm Người trẻ xài tiền - Kỳ 1: Trắng đêm 'săn sale' và 'tiền đi một nửa hồn tôi mất'

TTO - Một bộ phận giới trẻ ngày nay sớm độc lập tài chính nên tự chủ tiêu xài, biết đầu tư để tiền sinh ra tiền, lo cho tương lai.

DIỆU QUÍ - YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên