14/03/2023 19:05 GMT+7

Nga, Trung phản ứng mạnh vì Úc sẽ có tàu ngầm hạt nhân

Trung Quốc cáo buộc Mỹ, Anh và Úc kích động một cuộc chạy đua vũ trang, còn Nga lo ngại thỏa thuận tàu ngầm của AUKUS sẽ mang tới "nhiều năm đối đầu" ở châu Á.

Nga, Trung phản ứng mạnh vì Úc sẽ có tàu ngầm hạt nhân - Ảnh 1.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (ảnh trên, trái); Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (ảnh trên, phải); và cảnh lãnh đạo ba nước Anh, Mỹ, Úc phát biểu về thỏa thuận AUKUS ở San Diego (Mỹ) ngày 13-3 - Ảnh: WION

Ngày 14-3, Trung Quốc cảnh báo Úc, Anh và Mỹ - ba nước tham gia thỏa thuận an ninh AUKUS cách đây 18 tháng - đang bước vào "con đường sai lầm và nguy hiểm" sau khi ba nước này vừa công bố thỏa thuận mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Theo thỏa thuận trên, Úc sẽ mua tối đa 5 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ, sau đó chế tạo tàu ngầm mẫu mới dùng công nghệ của Mỹ và Anh.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh Úc sẽ không sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, thỏa thuận trên sẽ giúp Úc trở thành nước thứ bảy trên thế giới sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, sau Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Ấn Độ.

Đây là kế hoạch đầy tham vọng nhằm tăng cường sức mạnh của phương Tây trên khắp châu Á - Thái Bình Dương khi đối diện với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

"Tuyên bố chung mới nhất của Mỹ, Anh và Úc cho thấy rằng vì lợi ích địa chính trị của mình, ba nước này hoàn toàn không quan tâm đến những lo ngại của cộng đồng quốc tế. Họ đang đi xa hơn và sâu hơn vào con đường sai lầm và nguy hiểm" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Uông Văn Bân, nói ngày 14-3.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Mỹ, Anh và Úc kích động một cuộc chạy đua vũ trang. Ông cho rằng thỏa thuận trên là "trường hợp điển hình cho thấy tâm lý Chiến tranh lạnh".

Ông Uông nói thương vụ tàu ngầm hạt nhân như trên "tạo ra nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân nghiêm trọng và vi phạm các mục đích và mục tiêu của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân".

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc phương Tây đang kích động "nhiều năm đối đầu" ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sau khi liên minh AUKUS nhất trí về thỏa thuận mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Trong khi đó, Điện Kremlin cho biết thỏa thuận AUKUS gây ra nhiều quan ngại về vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Úc đền hơn nửa tỉ USD vì hủy mua tàu ngầm, Pháp dịu giọngÚc đền hơn nửa tỉ USD vì hủy mua tàu ngầm, Pháp dịu giọng

TTO - Sau nhiều tháng tranh cãi, Chính phủ Úc và Tập đoàn Naval Group đã thống nhất về mức bồi thường cho việc Canberra đơn phương hủy hợp đồng mua 12 tàu ngầm từ Pháp. Số tiền mà Úc phải trả là hơn 584 triệu USD.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên