Theo thông báo của tuần duyên Philippines, cuộc diễn tập kéo dài một tuần ở ngoài khơi bán đảo Bataan hướng ra Biển Đông sẽ có sáu tàu tuần duyên tham gia, trong đó có hai tàu Philippines mua của Nhật và thuộc loại lớn nhất.
Tiền đề cho tuần tra chung
Cuộc diễn tập diễn ra không lâu sau khi Mỹ và Philipines có ý tưởng tuần tra chung trên Biển Đông (hiện chưa có thông tin chi tiết về việc này). Trong tuyên bố chung sau chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, hai bên cũng để ngỏ khả năng sẽ có sự tham gia của Nhật và Úc.
Theo tuần duyên Philippines, ở ngoài khơi Bataan, các bên sẽ diễn tập cơ động theo đội hình, thông tin liên lạc, kiểm tra tàu khả nghi và tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn. Ngoài vấn đề tính thời điểm, thành phần tham dự cũng là chủ đề được quan tâm.
Có vài lý do khiến Philippines muốn Nhật Bản tham gia diễn tập. Đầu tiên, Tokyo là nước đã hỗ trợ mạnh mẽ Manila tăng cường năng lực hàng hải trong thập niên qua. Nhiều tàu của tuần duyên Philippines hiện nay được Nhật Bản chuyển giao.
Thứ hai, đây là một trong những lực lượng có kinh nghiệm nhất hiện nay tại châu Á trong đối phó với chiến thuật "vùng xám". Chiến thuật này được định nghĩa chung là sử dụng các công cụ, cách thức phi quân sự để thúc đẩy những yêu sách chủ quyền, quyền hàng hải mà không đẩy căng thẳng đến mức xung đột và vượt tầm kiểm soát.
Sau sự kiện ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông năm 2012, tuần duyên Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng. Để đối phó với "vùng xám", số tàu tuần tra cỡ lớn (> 1.000 tấn) của Nhật đã tăng lên hơn 60 chiếc.
Trong đó có một tàu 6.000 tấn dự kiến biên chế trong năm nay và bốn tàu nữa sẽ gia nhập thời gian tới. Các tàu không chỉ tăng về kích thước mà còn về năng lực, đủ sức hoạt động ở các vùng biển xa.
Mỹ điều chỉnh chiến lược "tàu trắng"
Mặc dù đã có lịch sử hiện diện lâu dài tại châu Á, vai trò ban đầu của tuần duyên Mỹ là hỗ trợ các hoạt động quân sự của Washington tại khu vực. Những thông điệp kêu gọi "Tuần duyên Mỹ phải thay đổi vai trò, cách thức hoạt động" ngày một nhiều sau khi chiến thuật "vùng xám" được sử dụng với tần suất đáng lo ngại ở Đông Nam Á.
Đến năm 2020, bằng chiến lược "ba lực lượng", tuần duyên Mỹ chính thức được khoác lên mình chiếc áo mới và bắt đầu tích cực hơn tại châu Á.
Chiến lược này xác định vai trò của hải quân, thủy quân lục chiến và tuần duyên Mỹ trong việc chống lại chiến thuật "vùng xám". Trong đó, tuần duyên được đặc biệt ưu tiên nếu Mỹ tiếp cận các quốc gia là "nạn nhân" của chiến thuật "vùng xám".
Chiến lược cũng công nhận tuần duyên là lực lượng có những công cụ giúp quản lý khủng hoảng, giảm leo thang các cuộc đối đầu trên biển mà không gây chết người.
Chiến lược "ba lực lượng" đã nhận được sự hoan nghênh từ giới học giả, những người gọi nó bằng một cái tên khác là chiến lược "tàu trắng" (vì các tàu tuần duyên Mỹ sơn màu trắng, khác với chiến lược "tàu xám" dùng để chỉ các tàu chiến). Dẫu vậy, cách tiếp cận của tuần duyên Mỹ được đánh giá là còn đang thận trọng.
Lực lượng này vẫn tập trung vào đối phó với những thách thức an ninh phi truyền thống như các hoạt động phạm tội xuyên quốc gia trên biển hay nạn đánh bắt cá trái phép, không khai báo và không kiểm soát (IUU).
Việc tiếp tục là một nhánh của Bộ An ninh nội địa Mỹ phần nào cũng giới hạn các hoạt động của tuần duyên Mỹ. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây cho thấy một động lực cải cách ngầm đang được thúc đẩy với nhiều phép thử đã được thực hiện.
Cuộc diễn tập chung với Nhật Bản và Philippines lần này là ví dụ mới nhất. Trước đó, vào các năm 2019 và 2021, các tàu tuần duyên Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan cùng với hải quân Mỹ tham gia tập trận quân sự tại khu vực.
Vào tháng 2 năm nay, chuẩn đô đốc Michael Ryan - phó chỉ huy phụ trách tác chiến của tuần duyên Mỹ - tuyên bố lực lượng này có kế hoạch tăng gấp ba lần số tàu triển khai đến tây Thái Bình Dương trong năm 2023.
Trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 30-5, đô đốc Linda L. Fagan - tư lệnh tuần duyên Mỹ - cũng bắt đầu nói về các hoạt động làm suy yếu chủ quyền trên biển và vai trò của tuần duyên. Trong đó, bà nhấn mạnh IUU là một hình thức làm "xói mòn" chủ quyền của một nước, và Mỹ sẵn sàng hợp tác hằng ngày với các đối tác để tăng cường năng lực, không chỉ để chống lại IUU mà còn để tự bảo vệ chủ quyền.
Vai trò của tuần duyên Mỹ trong khu vực là hợp tác với các lực lượng bảo vệ bờ biển khác, giúp các nước đó tạo ra năng lực của riêng họ, tăng sự hiện diện trong vùng đặc quyền kinh tế của riêng họ, cung cấp chuyên môn và hiểu biết về cách thực thi chủ quyền của chính họ.
Đô đốc Linda L. Fagan (tư lệnh tuần duyên Mỹ) nói trong họp báo ngày 30-5.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận