10/03/2024 09:12 GMT+7

Lỡ vay trăm tỉ mua đất ở Phú Quốc, xin thủ tục không được bèn xây trái phép

SƠN LÂM
và 1 tác giả khác

Vay mấy trăm tỉ mua đất rồi xin giấy phép xây dựng nhưng không được cấp nên người đàn ông bèn xây dựng liều. Nay đang phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép theo yêu cầu của UBND TP Phú Quốc.

Công trình trái phép trên núi Điện Tiên nhìn từ cửa sông Dương Đông - Ảnh: CHÍ CÔNG

Công trình trái phép trên núi Điện Tiên nhìn từ cửa sông Dương Đông - Ảnh: CHÍ CÔNG

"Tôi đã thực hiện mọi thủ tục xin phép xây dựng nhưng đều bị từ chối nên quyết định làm liều. Hơn nữa, tôi đã được chuyển mục đích sử dụng thành đất ở 300m nên mới xây. Giờ phải tháo dỡ mà không biết tương lai thế nào", ông Đại nói.

Vay 240 tỉ đồng mua đất

Trước đó, ông Đại bị xử phạt 14,5 triệu đồng vì có hành vi chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất sản xuất, kinh doanh (đất thương mại dịch vụ) tại khu vực đô thị với diện tích đất 461,3m2 và buộc khôi phục hiện trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Theo ông Đại, công trình mà ông bị xử phạt là một trong số 47 thửa đất liền kề nhau, có tổng diện tích gần 30.000m2.

"Người chủ đất trước đó chia thành mỗi thửa 500m2. Trước khi mua đất vào cuối năm 2018, chủ đất cũ đã có văn bản đề nghị cung cấp thông tin quy hoạch khu đất này và được Phòng Quản lý đô thị huyện Phú Quốc lúc bấy giờ xác định đất chỗ tôi xây dựng công trình này thuộc chức năng đất nhà ở thấp tầng, mật độ xây dựng 25 - 40%, tầng cao xây dựng tối đa bốn tầng.

Sau khi mua, tôi đã xin chuyển thành đất ở và chỉ được chấp nhận chuyển đổi 300m2 theo hạn mức mà UBND TP Phú Quốc ban hành", ông Đại kể.

Ông Đại cho biết mình mua 47 thửa đất với giá 470 tỉ đồng: "Ngoài tiền có sẵn, tôi phải vay thêm 245 tỉ đồng từ ngân hàng với hình thức đảm bảo tài sản bất động sản hình thành từ vốn vay, thời hạn 300 tháng.

Mỗi tháng sơ sơ tính ra trên 2 tỉ đồng tiền góp cho ngân hàng. Nếu không kinh doanh gì, thì tôi phá sản. Nên tôi phải bất chấp mà xây trái phép".

Tuy nhiên, theo quy hoạch, công trình và số đất mà ông Đại mua đều thuộc dự án Khu du lịch sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đồi Sao đã được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2014, và lập quy hoạch chi tiết 1/500 từ năm 2019.

"Dự án này quá lâu không thực hiện. Sau khi mua lại đất, tôi cũng thực hiện xin lập thủ tục để đầu tư khu du lịch. Nhưng trúng phải quy hoạch dự án này nên không được chấp thuận. Tôi nghĩ mình sẽ kinh doanh được với vị trí đất này nên mới bỏ ra 225 tỉ đồng và vay thêm 245 tỉ đồng để mua đất. Mua rồi mấy năm nay xin xây dựng hoài không được", ông Đại nói thêm.

Quy hoạch dự án mãi vẫn không làm

Khu du lịch sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đồi Sao không được triển khai nhiều năm nay. Dù nơi đây có vị trí rất "đắc địa" bởi khu vực có núi Điện Tiên, nhìn thẳng ra hướng cửa sông Dương Đông, được xem là "mặt tiền" đẹp nhất có cảnh núi nhìn ra sông của đảo ngọc.

Trao đổi về việc này, một lãnh đạo Ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc cho biết ban đầu, dự án này được giao chủ trương thực hiện với diện tích khoảng 22ha.

Năm 2017, đơn vị trình UBND tỉnh Kiên Giang giảm lại 5ha vì có dính cây rừng và năm 2018, Kiên Giang đã đồng ý. Năm 2019, dự án lập quy hoạch xong rồi ký phương án bồi thường với diện tích khoảng 17ha.

"Do địa phương chưa triển khai phương án bồi thường, chưa giao đất nên kể từ thời điểm đó đến nay dự án trên chưa làm. Nguyên tắc đã cấp dự án cho đơn vị rồi thì thôi. Khi nào chủ dự án không đủ năng lực hoặc do lý do gì không thực hiện được, địa phương và các đơn vị liên quan mới tìm nhà đầu tư mới làm", vị này nói.

Tuy nhiên theo tìm hiểu của PV, dự án trên đã từng được điều chỉnh rất nhiều lần. Cụ thể, dự án này đã được UBND tỉnh Kiên Giang công bố từ năm 2008 và được Công ty TNHH đầu tư thương mại và xây dựng Ngôi Sao đăng ký đầu tư năm 2010 với quy mô khoảng 80ha.

Đến năm 2015, công ty này có văn bản đề nghị thay thế pháp nhân thực hiện, chuyển từ Công ty Ngôi Sao sang pháp nhân mới là Công ty Ngôi Sao Dương Đông đồng thời đề nghị điều chỉnh quy mô dự án giảm hơn 57ha và được chấp thuận, còn hơn 22ha. Rồi lại điều chỉnh tiếp xuống còn 17ha.

Sau khi được Ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu vào năm 2018, đến đầu năm 2023, dự án này đã ra quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương lần thứ ba.

Với các nội dung chính là đổi thông tin người đại diện theo pháp luật, đổi tên dự án thành khu dân cư và du lịch đồi Điện Tiên, đổi mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng khu ở kết hợp khu dịch vụ du lịch và đổi tiến độ đầu tư thành "đến đầu quý 3-2024 đầu tư xây dựng hoàn thành các hạng mục theo quy hoạch, thiết kế được phê duyệt và đưa toàn bộ dự án vào khai thác".

Chính vì nhiều lần điều chỉnh như vậy, dự án đã bị gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến nhiều nơi vì cho rằng việc lựa chọn nhà đầu tư và điều chỉnh này đã biến mục tiêu ban đầu của dự án kinh doanh du lịch thành dự án kinh doanh bất động sản. Cũng theo tìm hiểu của PV, dự án này ảnh hưởng đến 38 hộ dân với 92 thửa đất. Ngoài công trình trái phép của ông Đại, trong phạm vi dự án này còn có 9 căn nhà có người dân sinh sống và 3 khu nhà hàng, 1 khu nhà nghỉ.

"Dự án quy hoạch không thấy làm. Thấy xung quanh người ta cũng xây nhà hàng, nhà nghỉ nên tôi cũng xây dựng theo thôi. Có đất ở 300m thì mình xây nới ra một tí hơn 400m. Chỉ muốn nhanh có điểm kinh doanh kiếm tiền bù lãi ngân hàng. Tôi ở TP.HCM, yêu Phú Quốc nên mới ra đây đầu tư để làm. Giờ nếu không làm gì thì nợ xấu, mất hết tài sản", ông Lê Trọng Đại nói.

Lại phát hiện công trình xây dựng trái phép trên núi Điện Tiên, Phú QuốcLại phát hiện công trình xây dựng trái phép trên núi Điện Tiên, Phú Quốc

Nhiều người dân bức xúc khi phát hiện công trình giống nhà ở ngang nhiên ‘mọc’ trên đỉnh núi Điện Tiên, phường Dương Đông, TP Phú Quốc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên