Công tác điều tra tài sản không chỉ nhằm vào các đối tượng bị khởi tố, ngay cả những người đương chức hoặc hồi hưu vẫn có thể "nằm trong tầm ngắm", dù là dưới hình thức "cung cấp thông tin". Đây là việc đáng làm, nên làm, lẽ ra phải làm từ lâu!
Có tổng cộng 2 tổ chức, 30 cá nhân bị Bộ Công an yêu cầu rà soát, cung cấp thông tin về tài sản để phục vụ điều tra vụ án xảy ra tại Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.
Những người thuộc diện phải cung cấp thông tin là những cán bộ bị khởi tố trong vụ án vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại Khu du lịch biển Phan Thiết do Tập đoàn Rạng Đông làm chủ đầu tư.
Ngoài ra còn có hàng loạt cựu lãnh đạo tỉnh, trong đó có hai cựu bí thư Tỉnh ủy là Huỳnh Văn Tý và Nguyễn Mạnh Hùng cùng nguyên chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Phương.
Nhiều cán bộ đương chức cũng có tên trong danh sách. Tài sản buộc phải cung cấp thông tin bao gồm bất động sản, cổ phần, vốn góp... Tất cả tài liệu điều phải được photocopy, có đóng dấu xác nhận và thống kê chi tiết kèm theo.
Việc yêu cầu làm rõ thông tin về tài sản trên chỉ là để phục vụ điều tra vụ án, song điều quan trọng là không chỉ có vậy. Thực tiễn lâu nay cho thấy dư luận xã hội thường xầm xì, đồn đãi về tài sản của một bộ phận không nhỏ các quan chức.
Vấn đề đặt ra là họ làm gì để có nhà cao cửa rộng, đất đai bạt ngàn, rủng rỉnh tiền bạc... trong khi lương bổng không thể với đến được mức đó?
Thật khó giải thích thỏa đáng, chỉ những người bị lộ, phải "vào lò" thì dân mới hiểu phần nào căn nguyên, xuất xứ của khối tài sản khổng lồ. Riêng những người "hạ cánh an toàn" hoặc chưa bị lộ vẫn sống khỏe re, mặc kệ "kẻ nói ra, người nói vào"...
Thực tiễn này đang đòi hỏi việc minh bạch tài sản quan chức là rất cần thiết. Nó không chỉ là cơ sở để góp phần sớm tìm ra những "con sâu" đang ẩn mình đục khoét, mà còn tạo điều kiện xóa đi những dư luận không đúng về những người bị hàm oan.
Một thực tế khác cũng cần phải lưu ý: Việc đề bạt, bổ nhiệm lại cán bộ đều được thông qua quy trình nhiều bước mà vẫn xuất hiện tình trạng "con voi chui lọt lỗ kim". Sự thật là có một số cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm lại chưa bao lâu thì... thành "củi".
Đánh giá phẩm chất con người phải dựa vào nhiều tiêu chí, nhưng làm rõ tài sản là một tiêu chí quan trọng. Lâu nay chỉ làm tự kê khai tài sản là chưa thật sự ổn. Cần có cách làm hiệu quả hơn, tức là có kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Chúng ta phải đặt dấu hỏi đối với người có tài sản bất minh. Những người không chứng minh được nguồn gốc tài sản, liệu có đáng tin cậy để giao trọng trách?
Làm rõ thông tin tài sản quan chức là điều rất khó. Không thể làm tràn lan, bởi không đủ khả năng triển khai đại trà, nhất là dễ gây xao động lòng người.
Nên chăng cần lựa chọn những trường hợp như có dấu hiệu nghi vấn liên quan đến vụ án nào đó, những người có dư luận không tốt, đề bạt và bổ nhiệm lại cán bộ...
Như vậy là hoàn toàn làm được, qua đó minh bạch tất cả mọi điều đã xác minh, tùy theo từng trường hợp để có hướng xử lý cụ thể.
Đồng tiền đi liền nhân cách, tài sản minh bạch luôn gắn liền với con người tử tế và ngược lại. Việc làm rõ tài sản của quan chức là một cách để có đội ngũ cán bộ minh bạch, có được lòng tin của dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận