Minh bạch tài sản của quan chức không chỉ giúp phòng chống tham nhũng mà còn tránh được những dị nghị, ồn ào của dư luận. Trong ảnh: “phố nhà lầu” của nhiều quan chức tỉnh Lào Cai một thời ồn ào dư luận - Ảnh: XUÂN LONG
Ông Kim đã giải đáp nhiều khúc mắc, hoài nghi xung quanh các quy định mới của dự luật đang được đặc biệt chú ý này.
Đánh thuế 45% không để hợp thức hóa 55% tài sản tham nhũng
* Thưa ông, tại dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (PCTN - sửa đổi) trình Quốc hội lần này, Chính phủ đã bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà không được giải trình một cách hợp lý (với đề xuất đánh thuế thu nhập 45%). Xin ông giải thích về lý lẽ của quy định này?
- Như chúng ta đã biết, đối với tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp (do phạm tội, do vi phạm pháp luật mà có) thì tùy từng trường hợp, pháp luật hiện hành đã có quy định cụ thể để xử lý hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức thu hồi, trả lại cho chủ sở hữu hoặc tịch thu sung công...
Riêng đối với tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được về nguồn gốc, đến nay pháp luật vẫn chưa có quy định để xử lý.
Tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận dự án luật tại kỳ họp thứ 4, dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) đã đưa ra phương án cụ thể tại điều 59.
Quy định này trước hết căn cứ vào quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành, việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc có liên quan đến quyền sở hữu tài sản của người kê khai và vợ/chồng, con chưa thành niên của họ.
Trong khi đó, phương thức xử lý thông qua thủ tục tố tụng hình sự, tố tụng dân sự là một vấn đề còn mới, phức tạp và có thể ảnh hưởng đến các quyền hiến định của công dân, cũng như chưa phù hợp với thực tiễn nước ta (ví dụ như phải có một hệ thống quản lý hiệu quả tài sản, thu nhập và chi tiêu trong toàn xã hội), đồng thời phải thay đổi những nguyên tắc cơ bản trong pháp luật về tố tụng hình sự, tố tụng dân sự liên quan đến trách nhiệm chứng minh.
Chúng tôi cũng cho rằng quy định này phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở nước ta hiện nay, nhằm thể hiện thái độ mạnh mẽ của Nhà nước trong việc xử lý thu nhập, tài sản có nguồn gốc không rõ ràng khi cả người kê khai và cơ quan nhà nước có thẩm quyền đều không có đủ bằng chứng về căn cứ xác lập quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.
Luật PCTN (sửa đổi) coi như đã có một khoản thu nhập vãng lai chưa được kê khai và phải nộp thuế của người có nghĩa vụ kê khai và do vậy, sẽ phát sinh trách nhiệm nộp thuế theo quy định của pháp luật.
Cần phải nhấn mạnh rằng điều 59 quy định rất rõ việc thu thuế không loại trừ trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai, nếu như các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự khác chứng minh được tài sản, thu nhập đó do phạm tội mà có.
Cho nên, không thể nói rằng đánh thuế 45% là hợp pháp hóa 55% tài sản tham nhũng như một số người bình luận.
* Hiện có nhiều quan điểm khác nhau về quy định này, trong đó có những ý kiến đề nghị phải tịch thu sung công đối với toàn bộ tài sản đó (với lý do đã là cán bộ, công chức thì phải có trách nhiệm giải trình minh bạch tài sản thuộc quyền sở hữu của mình); thậm chí có ý kiến cho rằng phải xử lý tài sản bất minh như đối với tài sản tham nhũng. Ông nghĩ gì về các ý kiến này?
- Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về Nhà nước, do đó không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là tài sản do phạm tội tham nhũng mà có để tịch thu bằng biện pháp hình sự.
Mặt khác, theo quy định của Bộ luật dân sự về căn cứ xác lập quyền sở hữu và quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về nghĩa vụ chứng minh, cũng không thể coi đó là tài sản của Nhà nước để xác lập quyền sở hữu nhà nước và cũng khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh của người thay mặt Nhà nước đứng ra khởi kiện.
Phương án xử lý thông qua đánh thuế đã được Cơ quan Chống tội phạm và ma túy của Liên Hiệp Quốc (UNODC) rút ra trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm của các quốc gia thành viên để nhân rộng cho các quốc gia thành viên khác.
UNODC coi đây là một phương thức thu hồi tài sản thay thế. Phương thức này giúp các cơ quan có thẩm quyền không buộc phải chứng minh về nguồn gốc bất minh của tài sản mà chỉ cần chứng minh người đó đã có một khoản thu nhập hiện hữu không được công khai (khi chưa thể chứng minh được hành vi phạm tội của công chức hoặc người quản lý doanh nghiệp nhà nước).
Vì vậy, trách nhiệm chứng minh trong trường hợp này nhẹ hơn so với việc xử lý tài sản theo phương thức tố tụng.
6 biệt thự có diện tích từ 400 đến hơn 600m2, tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng 2.700m2, phía trước là đường An Dương Vương nhìn ra sông Hồng, phía sau là đường Soi Tiền, sau đấu giá đều thuộc quyền sở hữu của nhiều gia đình quan chức tỉnh Lào Cai - Ảnh: XUÂN LONG
Kiểm soát chặt tài sản
* Nhiều người hoài nghi về tính khả thi của quy định nêu trên, đặc biệt là trong điều kiện VN hiện nay (giao dịch tiền mặt phổ biến; tài sản dễ chuyển đổi, che giấu, đứng tên người khác...). Theo ông, làm thế nào để kiểm soát, giám sát, minh bạch được tài sản của quan chức, đảm bảo cho quy định này có tính khả thi cao, cũng là để nâng cao hiệu quả công tác PCTN?
- Như đã phân tích ở trên, trong các phương án được đưa ra thảo luận, phương án thu thuế vẫn là phương án khả thi nhất trong điều kiện ở VN hiện nay.
Bên cạnh đó, tính khả thi của phương án này còn phải được đặt trong tổng thể của các biện pháp mới có liên quan được đưa ra trong dự thảo luật.
Thứ nhất, đó là việc hình thành hệ thống cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập hoạt động chuyên trách với đội ngũ công chức được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ.
Hệ thống cơ quan, đơn vị này được giao chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể để kiểm soát tài sản, thu nhập hiệu quả và thực chất hơn như quản lý dữ liệu bản kê khai tài sản, thu nhập; theo dõi biến động tài sản, thu nhập; xác minh tài sản, thu nhập và yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, dữ liệu về tài sản, thu nhập.
Thứ hai, đổi mới căn bản về hình thức kê khai để quản lý và kiểm soát chặt chẽ, có hiệu quả về biến động tài sản, thu nhập của đối tượng có nghĩa vụ kê khai, đặc biệt là nhóm đối tượng giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên hoặc những đối tượng không giữ chức vụ nhưng thường xuyên làm việc, tiếp xúc với người dân, làm công tác cán bộ, tài chính, tài sản công. Theo đó, yêu cầu kê khai hằng năm đối với nhóm đối tượng này.
Thứ ba, đổi mới toàn diện các quy định về xác minh tài sản, thu nhập, đặc biệt là về các trường hợp xác minh, căn cứ xác minh, nội dung xác minh và trình tự, thủ tục tiến hành xác minh nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác PCTN.
Thứ tư, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản, thu nhập và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác dữ liệu bản kê khai tài sản, thu nhập cũng sẽ từng bước giúp minh bạch hóa và giám sát có hiệu quả hơn đối với tài sản, thu nhập của người có chức vụ.
Bên cạnh đó, khi thực hiện tích hợp dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập và các dữ liệu khác có liên quan của các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan hải quan, cơ quan thuế... sẽ giúp các cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập có dữ liệu đầy đủ và chính xác hơn để phục vụ cho việc phát hiện và xử lý đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tăng thêm mà không giải trình được một cách hợp lý.
Dự thảo luật cũng đưa ra các giải pháp khác có liên quan như tăng cường công khai, minh bạch; thanh toán qua tài khoản và xử lý hành vi vi phạm về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập..., qua đó từng bước kiểm soát, minh bạch hóa tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn để giúp cho quy định về xử lý tài sản, thu nhập có tính khả thi.
Ông Phạm Sỹ Quý, nguyên giám đốc Sở TN-MT Yên Bái, nghe công bố kết luận thanh tra liên quan đến tài sản của ông và gia đình vào tháng 10-2017 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
* Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường:
Nhiều ý kiến tán thành mức thuế suất 45%
Khi thẩm tra nội dung quy định nêu trên, các thành viên Ủy ban Tư pháp cũng có ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất tán thành với phương án 1 của dự thảo luật và cho rằng đối với tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc, nhưng Nhà nước cũng chưa chứng minh được tài sản này có nguồn gốc bất hợp pháp thì trước mắt, có thể coi đây là các khoản thu nhập phát sinh mà người kê khai chưa nộp thuế và buộc họ phải nộp thuế là phù hợp trong điều kiện hiện nay.
Phương án này không mâu thuẫn với các quy định hiện hành của pháp luật hình sự, dân sự và hạn chế ít nhất việc phải sửa đổi các luật có liên quan.
Về mức thuế, nhiều ý kiến tán thành mức thuế suất 45% với những lý do như giải trình của Chính phủ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc mức thuế suất cho phù hợp với các quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân.
Còn cá nhân tôi cho rằng những người thuộc đối tượng phải kê khai tài sản thì phải có trách nhiệm giải trình nguồn gốc các tài sản mà mình có.
Tôi chưa nói là việc giải trình đó có hợp lý hay không hợp lý, nhưng anh nắm giữ tài sản thì không thể nói rằng không biết tài sản đó có nguồn gốc từ đâu. Đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc thì quan điểm của tôi là phải tịch thu, nhưng thông qua phán quyết của tòa án.
* Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách Lê Thanh Vân:
Chưa thuyết phục
Tôi thấy đề xuất thu thuế 45% đối với tài sản không giải trình được, hay tài sản kê khai không trung thực là chưa thuyết phục.
Nếu tài sản của cá nhân, mà về bản chất, là chiếm hữu ngay tình, nhưng do chưa kê khai, do thất lạc giấy tờ, do người làm chứng đã mất... thì có thể xử lý bằng luật hành chính, trong đó có việc phạt thuế. Nhưng nếu tài sản do chiếm đoạt mà có thì nhất thiết phải xử lý bằng luật hình sự.
Bởi vậy, không thể giản đơn áp thuế với mức 45% đối với tài sản không giải trình được, hay tài sản kê khai không trung thực, vì trong trường hợp tài sản ấy do tham nhũng mà có thì chẳng khác nào hợp pháp hóa cho tội phạm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận