09/11/2017 17:33 GMT+7

'Kê khai tài sản không có gì, xây nhà thờ vài chục tỷ'

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, phó tư lệnh Quân khu 2, nói nhiều cán bộ khi bổ nhiệm thì kê khai tài sản chẳng có gì nhưng về quê xây cái nhà thờ họ từ vài tỷ đến vài chục tỷ.

Kê khai tài sản không có gì, xây nhà thờ vài chục tỷ - Ảnh 1.

Thiếu tướng Sùng Thìn Cò so sánh tội tham nhũng gây nguy hại không khác gì gián điệp, phản quốc - Ảnh Quochoi.vn

Sau khi dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) được trình vào đầu giờ chiều 9-11, Quốc hội đã nhóm họp tại tổ để thảo luận bước đầu.

Cứ nói thế thôi, nhưng...

Tại phiên thảo luận, thiếu tướng Sùng Thìn Cò, phó tư lệnh Quân khu 2, đại biểu Hà Giang phát biểu: "Tội gián điệp, tội phản quốc chúng ta xử lý rất nặng bởi nó chống lại Đảng, Nhà nước. Còn tội tham nhũng nó không chống lại Đảng, Nhà nước nhưng nó cũng nguy hiểm không kém, vì nó gây mất lòng tin của nhân dân". 

"Nhiều lãnh đạo nói thế thôi nhưng có sân sau cả đấy" - tướng Cò nói.

Theo thiếu tướng Sùng Thìn Cò, "đất nước ta chỉ có một đảng lãnh đạo, mà để đội ngũ cán bộ tha hoá, quan liêu như vậy thì sẽ đi về đâu. Có những cán bộ mà đi làm thì xe dí vào sát cổng bước lên xe, về thì xe cũng dí vào cổng xuống xe, chẳng biết đến bà con xung quanh nữa".

"Nhiều ông lãnh đạo cứ nói thế thôi, nhưng có sân sau, có doanh nghiệp cả đấy. Có dự án nào mà tiêu không hết tiền đâu, chỉ thấy dự án phát sinh tiền".

Vị tướng đã từng cầm súng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tâm sự: "Cán bộ là cái gốc của công việc. Có cán bộ tốt thì đất nước được nhờ, nhân dân không được nhờ. Cái đức là gốc của người cán bộ. Cán bộ không có đức thì trở thành người hại nước hại dân. Tôi là người lính từng cầm súng chiến đấu giữ mảnh đất quê hương, tôi cũng xác định là chiến đấu với giặc nội xâm".

Bày tỏ quan điểm về kê khai, công khai tài sản, ông nói: "Anh là cán bộ, công chức thì khai báo tài sản, thu nhập là đương nhiên. Không phải tất cả khai báo thì đều phải xác minh, nhưng trước hết phải khai báo, sau đó sẽ từng bước xác minh, rồi xác minh với các trường hợp nghi vấn".

"Có thực tế là không ít cán bộ từ trung ương đến địa phương, khi bổ nhiệm thì kê khai tài sản chẳng có gì, nhưng về quê xây cái nhà thờ họ từ vài tỷ đến vài chục tỷ, rồi xe lớn xe nhỏ kéo về tắc cả đường. Dân coi sao được. Khi kê khai không có gì, nhưng khi có chuyện thì mới lộ ra nào nhà nào xe".

Công khai, minh bạch phải là yêu cầu số 1

Kê khai tài sản không có gì, xây nhà thờ vài chục tỷ - Ảnh 2.

Thượng tướng Lê Quý Vương khẳng định công khai, minh bạch là yếu tố quan trọng nhất trong phòng ngừa tham nhũng - Ảnh: Quochoi.vn

Thượng tướng Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công an, cho rằng với Luật PCTN muốn thành công thì minh bạch, công khai là yêu cầu số 1.

"Hình như trong dự thảo này không đề cập. Hôm trước cơ quan soạn thảo có lý giải là công khai, minh bạch đã đưa vào từng đạo luật chuyên ngành. Nếu viết thế này thì có mỗi câu công khai minh bạch tổ chức hoạt động của mình thôi. Các chương trình, dự án phải công khai, minh bạch chứ" – ông Vương nêu.

Và phân tích thực tế: "Trong quá trình đấu thầu vẫn hình thành các nhóm để hồ sơ thắng thầu hoàn toàn hợp lệ, nhưng bên trong đó là bắt tay nhau. Công khai minh bạch là vấn đề cần đề cập rất sâu".

Về kiểm soát tài sản, thu nhập, tướng Vương bày tỏ: "Quản lý chặt chẽ kê khai, kiểm soát thu nhập là rất cần thiết. Đã kê khai rồi nhưng kiểm soát thế nào? Tôi đề nghị quy định phải kiểm soát đồng tiền. Tại sao Trung Quốc khi kiểm tra mấy ông bị điều tra, xử lý đấy thì lại có rất nhiều tiền để trong nhà? Vì luật họ chặt, mang tiền đi gửi không được, mua bất động sản, vàng bạc đều bị lộ".

Con cán bộ 19 tuổi có biệt phủ nguy nga, tin sao được!

Kê khai tài sản không có gì, xây nhà thờ vài chục tỷ - Ảnh 3.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu đề nghị bổ sung quy định buộc kê khai tài sản, thu nhập đối với cán bộ trong 5 năm đầu tiên nhận số hưu - ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) nhận định: dự thảo luật vẫn còn xa cuộc sống, dù quy định nhiều hình thức, nội dung để phòng ngừa tham nhũng nhưng tính khả thi chưa cao.

"Trên thực tế, một ông cán bộ địa chính phường có khả năng tham nhũng cao hơn cả một Vụ trưởng, Vụ phó nếu lĩnh vực quản lý của người này không liên quan trực tiếp đến giữ tiền, phân bổ nguồn lực. Vì vậy nên mới có việc, một công chức địa chính xã có thể có đến 4-5 cái nhà, không lạ" – ông Hiểu phân tích.

Đại biểu Hiểu đề nghị có quy định để cán bộ công chức phải tiếp tục kê khai tài sản trong thời gian 5 năm sau khi về hưu, coi đây là giải pháp để ngăn chặn tương tự như quy định cấm quản lý doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý của cán bộ sau thời gian đảm nhiệm chức vụ.

"Nhiều cán bộ lúc đương chức thì chưa thấy, nhưng về hưu lại xuất hiện biệt phủ nguy nga" – đại biểu Ngọ Duy Hiểu bình luận.

Đại biểu, bác sĩ Nguyễn Anh Trí cho rằng, buộc kê khai tài sản với cả con đã thành niên sẽ là công cụ kiểm soát hữu hiệu. 

Nêu trường hợp biệt phủ của nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại huyện Bình Chánh, TPHCM mà dư luận nêu vấn đề gần đây, ông Trí bình luận: "Biệt phủ đứng tên sở hữu của con gái cán bộ. Nhưng con gái mới 19 tuổi đã có biệt phủ nguy nga như vậy thì thật là kỳ lạ. Trường hợp này dễ thấy điểm bất thường ở đây".

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên