08/09/2023 19:51 GMT+7

Làm gì để logistics vùng Đông Nam Bộ phát triển?

Chiều 8-9, diễn đàn ‘Liên kết phát triển logistics - Động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ’ được tổ chức tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Diễn đàn đã ghi nhận nhiều ý kiến xác đáng để ngành logistics của vùng phát triển xứng với tiềm năng, vai trò.

Một góc cảng Cái Mép - Thị Vải - cửa ngõ ra quốc tế của vùng Đông Nam Bộ - một lợi thế để phát triển logistics - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Một góc cảng Cái Mép - Thị Vải - cửa ngõ ra quốc tế của vùng Đông Nam Bộ - một lợi thế để phát triển logistics - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Diễn đàn do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức, với sự tham gia của hàng trăm đại biểu đến từ các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, hiệp hội, ngân hàng…

Còn nhiều điểm nghẽn

Các đại biểu đều đánh giá cao và ghi nhận sự phát triển vượt trội ngành logistics của vùng Đông Nam Bộ so với cả nước. Đó là có gần 18.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực logistics, chiếm 46% doanh nghiệp logistics của cả nước và đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa, cũng như hơn 60% khối lượng hàng container cả nước. 

Ông Trần Thanh Hải - phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết Đông Nam Bộ là vùng hội tụ những lợi thế để phát triển logistics. Đó là hạ tầng cơ sở được đầu tư, có cảng hàng không, có biển cửa ngõ ra quốc tế, có đường bộ, đường sắt. Cũng như có nhiều doanh nghiệp với nhân lực chất lượng cao...

Bốc dỡ container tại cảng Cái Mép - Thị Vải - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Bốc dỡ container tại cảng Cái Mép - Thị Vải - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Tuy vậy, logistics của vùng Đông Nam Bộ vẫn còn những điểm nghẽn, chưa tương xứng với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Ông Đặng Vũ Thành - phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam - cho rằng vẫn còn những hạn chế trong phát triển logistics của cả vùng Đông Nam Bộ nói chung và Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng. 

Đó là các doanh nghiệp thiếu tính liên kết, vẫn còn "độc lập" với nhau. Đó là hành lang pháp lý, chính sách của mỗi tỉnh trong vùng có khác nhau. Ông Thành dẫn ví dụ tại TP.HCM có thu phí hạ tầng cảng, còn Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu thì không thu.

Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ là 'chìa khóa'

Diễn đàn đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp thiết thực và khả thi để logistics vùng Đông Nam Bộ phát triển xứng tầm với vai trò. Trong đó đáng chú ý nhất là ý kiến nói rằng phải hình thành khu thương mại tự do tại Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Bởi việc trên sẽ giúp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam Bộ hình thành một hệ sinh thái thương mại và logistics hoàn chỉnh. Có như vậy mới tăng sức hấp dẫn, nâng cao sức cạnh tranh. Từ đó thu hút các nhà đầu tư, nhất là doanh nghiệp hàng đầu thế giới.

Đường liên cảng ở Cái Mép - Thị Vải được đầu tư khang trang, rộng rãi cũng là một yếu tố quan trọng để logistics phát triển - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Đường liên cảng ở Cái Mép - Thị Vải được đầu tư khang trang, rộng rãi cũng là một yếu tố quan trọng để logistics phát triển - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Ngoài ra có ý kiến khẳng định để logistics vùng Đông Nam Bộ phát triển phải áp dụng mô hình "xanh hóa", "số hóa". Đồng thời trước mắt phải đẩy nhanh đầu tư các đường vành đai, cầu Phước An...

Ông Phạm Tấn Công - chủ tịch VCCI - khẳng định chủ trương hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ ở Bà Rịa - Vũng Tàu theo nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị nhằm tạo không gian đặc thù, tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ. 

"Để đạt mục tiêu có cảng trung chuyển quốc tế, cần có các khu thương mại tự do để trợ lực, tạo sức thu hút cho hàng hóa đến cảng, trong đó liên kết nội vùng, liên vùng có vai trò đặc biệt quan trọng", ông Phạm Tấn Công nói.

Thi công cầu Phước An nối Bà Rịa - Vũng Tàu với Đồng Nai cũng là một thành tố quan trọng để logistics vùng Đông Nam Bộ phát triển - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Thi công cầu Phước An nối Bà Rịa - Vũng Tàu với Đồng Nai cũng là một thành tố quan trọng để logistics vùng Đông Nam Bộ phát triển - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Ông Nguyễn Văn Thọ, chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết hiện tỉnh đang triển khai hai đề án lớn để tạo động lực phát triển ngành logistics. Đó là đề án nghiên cứu khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ và tiếp tục phát triển, hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế. 

"Hai đề án có tác động lan tỏa không chỉ cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và cho cả vùng Đông Nam Bộ", chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định.

Bà Rịa - Vũng Tàu làm loạt dự án hạ tầng lớn, sắp bỏ "trụ cột" kinh tế nông nghiệp công nghệ caoBà Rịa - Vũng Tàu làm loạt dự án hạ tầng lớn, sắp bỏ 'trụ cột' kinh tế nông nghiệp công nghệ cao

Ngày 29-5, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị để bàn về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, từ 2026 thống nhất bỏ trụ cột kinh tế nông nghiệp công nghệ cao. Vì sao?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên