18/07/2023 15:38 GMT+7

Thị sát siêu cảng Cần Giờ, Thủ tướng yêu cầu phải hoàn thiện hồ sơ dự án trong tháng 7

Chiều 18-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã đi khảo sát cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (cảng Cần Giờ, TP.HCM).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác và lãnh đạo TP.HCM khảo sát cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (huyện Cần Giờ, TP.HCM) - Ảnh: HỮU HẠNH

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác và lãnh đạo TP.HCM khảo sát cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (huyện Cần Giờ, TP.HCM) - Ảnh: HỮU HẠNH

Lúc 14h27, đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu đã xuất phát từ bến Bạch Đằng, di chuyển đến cù lao Phú Lợi (địa điểm xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ) bằng tàu thủy. 

Đoàn công tác còn có bí thư Thành ủy, chủ tịch UBND TP.HCM, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ, Bộ thông tin và Truyền thông.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đi khảo sát cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

Quãng đường hơn 60km đường sông từ trung tâm TP.HCM đến cửa biển Cần Giờ, lãnh đạo Chính phủ và TP.HCM sẽ có dịp khảo sát thêm tiềm năng, kế hoạch phát triển sông Sài Gòn.

Trên tàu, ông Phạm Anh Tuấn - tổng giám đốc Công ty tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển Portcoast (đơn vị tư vấn) - giới thiệu cho đoàn công tác về khu vực sẽ triển khai dự án; làm rõ các thuận lợi về vị trí địa lý tự nhiên, cửa ngõ giao thương thế giới, góp phần phát triển kinh tế cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Không chỉ thuận lợi về địa lý, ông Tuấn nói rằng dự án còn được hãng tàu MSC - hãng tàu lớn nhất thế giới hiện nay, mong muốn đầu tư xây dựng cảng và cam kết sẽ điều nguồn hàng về đây.

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là cửa ngõ giao thương mang tầm cỡ quốc tế

Ông Phạm Anh Tuấn - tổng giám đốc công ty tư vấn thiết kế cảng kỹ thuật biển Port Coast (đơn vị tư vấn) - thuyết trình về siêu cảng ngay tại vị trí xây cảng với Thủ tướng, Bí thư Thành ủy TP.HCM và đoàn công tác - Ảnh: VIỄN SỰ

Ông Phạm Anh Tuấn - tổng giám đốc công ty tư vấn thiết kế cảng kỹ thuật biển Port Coast (đơn vị tư vấn) - thuyết trình về siêu cảng ngay tại vị trí xây cảng với Thủ tướng, Bí thư Thành ủy TP.HCM và đoàn công tác - Ảnh: VIỄN SỰ

Từ cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể khai thác lợi thế vận tải đường biển từ châu Á sang châu Âu và châu Mỹ. 

Dự án sẽ giúp phát triển kinh tế biển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Đồng thời giúp TP.HCM giữ vững vị trí trung tâm logistics của khu vực, vươn lên đứng hàng đầu về vận tải biển.

Theo đề án, cảng khi hình thành sẽ thu hút được số vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp. Ngoài ra còn tạo việc làm cho khoảng 6.000 - 8.000 nhân viên, lao động tại cảng và hàng chục ngàn lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics...

Dự kiến giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh, cảng đóng góp trực tiếp cho ngân sách thông qua các khoản thuế, phí ước tính từ 34.000 - 40.000 tỉ đồng/năm.

Tổng vốn đầu tư dự án dự kiến gần 5,4 tỉ USD. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên - Ảnh: HỮU HẠNH

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên - Ảnh: HỮU HẠNH

Về cơ cấu nguồn vốn, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, công trình phụ trợ, trung tâm dịch vụ logistics... sẽ đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp (nhà đầu tư). 

Còn hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật kết nối cảng sẽ đầu tư bằng vốn ngân sách, hợp tác công tư (PPP) hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác. Cảng sẽ xây dựng với công nghệ hiện đại nhất hiện nay, toàn bộ các thiết bị sẽ sử dụng điện, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Về lộ trình, công tác chuẩn bị đầu tư cảng trung chuyển quốc tế sẽ được triển khai từ năm 2023 - 2024. Từ năm 2024 - 2026 triển khai xây dựng và đưa vào khai thác cảng từ năm 2027. 

Quy mô đầu tư bến cảng đề xuất xây dựng cho tiếp nhận tàu mẹ trọng tải lên đến 250.000 DWT, tàu feeder trọng tải từ 10.000 - 65.000 DWT và sà lan trọng tải tới 8.000 T. Tổng chiều dài bến chính và bến sà lan lần lượt là 6,8km và 1,9km.

Sau năm 2030, TP làm đường kết nối từ vị trí xây dựng cảng với đường Rừng Sác. 

Đường trên cao dọc theo đường Rừng Sác, từ nút giao đường Rừng Sác và cao tốc Bến Lức - Long Thành tại xã Bình Khánh đến nút giao đường kết nối cảng tại xã Long Hòa sẽ được xây dựng. 

TP sẽ nghiên cứu, xây dựng tuyến metro dọc theo đường Rừng Sác kết nối từ khu đô thị biển Cần Giờ với tuyến metro số 4 tại huyện Nhà Bè.

Thủ tướng yêu cầu TP.HCM cùng các bộ ngành hoàn thiện hồ sơ cảng Cần Giờ trong tháng 7

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Tổng giám đốc Cảng Sài Gòn Nguyễn Lê Chơn Tâm và Tổng giám đốc công ty tư vấn thiết kế cảng kỹ thuật biển Port Coast Phạm Anh Tuấn, yêu cầu  đảm bảo tiến độ siêu cảng Cần Giờ - Ảnh: VIỄN SỰ

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Tổng giám đốc Cảng Sài Gòn Nguyễn Lê Chơn Tâm và Tổng giám đốc công ty tư vấn thiết kế cảng kỹ thuật biển Port Coast Phạm Anh Tuấn, yêu cầu đảm bảo tiến độ siêu cảng Cần Giờ - Ảnh: VIỄN SỰ

Sau khi nghe tư vấn giới thiệu về dự án, Thủ tướng đề nghị phía tư vấn nói thêm về kết nối giao thông với cảng.

Trình bày về vấn đề này, ông Tuấn cho hay giai đoạn đầu, dự án sẽ trung chuyển bằng đường thuỷ, chưa đi bằng đường bộ. Trong những năm tiếp theo, TP sẽ nghiên cứu, xây dựng hạ tầng giao thông kết nối.

Phương án ưu tiên là làm đường trên cao để kết nối với đầu mối giao thông, cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Việc xây dựng đường trên cao sẽ giảm đến tác động đến môi trường.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói giai đoạn đầu sẽ đi bằng đường thủy, giai đoạn sau sẽ nghiên cứu kết nối đường bộ.

Việc kết nối đường bộ sẽ được TP nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng để đảm bảo các yếu tố về môi trường.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nói dự án cảng Cần Giờ và cảng Cái Mép Thị Vải là một. Cảng Cần Giờ sẽ thu hút hàng hóa trung chuyển quốc tế, cạnh tranh với các cảng lớn trong khu vực như Singapore, Malaysia và các cảng trên quốc tế, chứ không cạnh tranh với Cái Mép -Thị Vải.

Dự án mở ra cơ hội phát triển rất lớn, do vậy, công tác về đánh giá, nghiên cứu dự án phải được triển khai khẩn trương.

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan phối hợp với TP và các cơ quan triển khai các bước tiếp theo, hoàn thiện hồ sơ dự án vào tháng 7 này. Việc đánh giá phải kỹ, minh bạch để gửi hồ sơ cho nhà đầu tư.

Thủ tướng đề nghị nghiên cứu kỹ ba vấn đề: hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội để cập nhật vào quy hoạch, làm cơ sở triển khai.

Trao đổi với Tổng giám đốc Cảng Sài Gòn Nguyễn Lê Chơn Tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu trong tháng 7 phải mời nhà đầu tư là hãng tàu MSC qua Việt Nam để làm việc thống nhất các phương án về siêu cảng Cần Giờ.

Hình thành cảng trung chuyển quốc tế trên sông Cái Mép-Thị VảiHình thành cảng trung chuyển quốc tế trên sông Cái Mép-Thị Vải

TTO - Theo kế hoạch việc nâng cấp luồng tàu biển Cái Mép-Thị Vải giai đoạn 1 được triển khai thi công và hoàn thành vào năm 2019.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên