27/09/2023 10:51 GMT+7

Kinh tế TP.HCM cần gì để xoay chuyển?

Suốt ba quý đầu năm 2023, hàng loạt khó khăn, thách thức bủa vây nền kinh tế cả nước nói chung, TP.HCM nói riêng.

Dự án bất động sản đang xây dựng ở quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dự án bất động sản đang xây dựng ở quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dù nỗ lực với nhiều giải pháp để xoay chuyển tình hình, thúc đẩy tăng trưởng nhưng một số chỉ tiêu kinh tế của TP.HCM không đạt như mong đợi.

Ba tháng cuối năm, giải pháp nào cho tăng trưởng kinh tế TP.HCM? Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến, hiến kế trong thời điểm quan trọng này, trong đó có nhiều vấn đề không còn nằm trong phạm vi xử lý của TP.

* Ông Lê Hữu Nghĩa (phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM):

Bộ máy công quyền phải chuyển động nhanh hơn

Kinh tế TP.HCM cần gì để xoay chuyển? - Ảnh 2.

Tăng trưởng kinh tế của TP thời gian qua không cao như kỳ vọng do khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến tình hình xuất nhập khẩu, sản xuất cũng như tiêu dùng của người dân. 

Tuy nhiên, có một nguyên nhân cũng đáng lưu ý đó là thị trường bất động sản khó khăn đã kéo theo hàng chục ngành liên quan đến bất động sản cũng chững lại, trong đó có nhiều ngành có vai trò quan trọng trong nền kinh tế TP.

Thủ tướng và các cơ quan liên quan đã có nhiều quyết sách rất quyết liệt để gỡ khó, song vấn đề muôn thuở của ngành này đó là vướng ở luật, chồng chéo các nghị định và các biện pháp tháo gỡ cũng chung chung khiến các cơ quan thực thi ở cấp TP cũng vướng.

Riêng với các địa phương như TP.HCM, chúng ta cần phải nhìn nhận một cách sòng phẳng là có những dự án gặp những vướng mắc tương tự, các địa phương khác vẫn gỡ được, dự án vẫn phát triển nhưng tại TP.HCM lại gặp khó. 

Đó là một câu hỏi đặt ra cho sự chuyển động của bộ máy công quyền ở TP trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Nếu cần thiết để thúc đẩy cho sự phát triển, cần một cơ chế rõ ràng, TP là trung tâm can thiệp, giải quyết khi những trao đổi giữa các sở ngành chưa thống nhất.

Tôi thấy UBND TP rất quyết liệt, song các sở ngành lại quá cẩn thận, xin ý kiến đi ý kiến lại giữa các sở, thậm chí có những sở không trả lời. 

Hay như Sở Xây dựng đã làm tốt các vấn đề trong mảng bất động sản, song sở này lại không có thẩm quyền để can thiệp, hối thúc các sở khác, một dự án có liên quan đến các sở khác thì lại chậm trễ trong khâu thủ tục.

Công nhân thi công hạng mục đường hầm dự án đầu tư công nút giao thông An Phú (TP Thủ Đức) - Ảnh: HÀ VIỄN PHƯƠNG

Công nhân thi công hạng mục đường hầm dự án đầu tư công nút giao thông An Phú (TP Thủ Đức) - Ảnh: HÀ VIỄN PHƯƠNG

* Ông Nguyễn Đặng Hiến (phó chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM):

Cần kéo dài thời gian giảm VAT

Kinh tế TP.HCM cần gì để xoay chuyển? - Ảnh 4.

Vừa qua có một số ngành đã dần hồi phục, tăng trưởng khả quan song chưa toàn diện, chưa như mong đợi. 

Riêng với lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng, thực tế sức mua hiện nay giảm bởi chủ yếu là do người dân khó khăn, thu nhập giảm sút. 

Ngay như tại các khu công nghiệp ở TP, khi công nhân thất nghiệp, họ âm thầm về quê nên đây là nốt trầm mà chúng ta không dễ dàng thấy. 

Vì vậy, cả thu nhập giảm, khối lượng công việc cũng ít đi, nhu cầu sử dụng lao động nhiều ngành cũng chững lại, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp… đã tác động đến tăng trưởng.

Với các doanh nghiệp, kinh doanh hiện nay khó khăn, doanh thu và lợi nhuận đều giảm sút nên rõ ràng đã tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh và chi trả của doanh nghiệp. 

Trong cái khó khăn chung đó, các doanh nghiệp đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và TP, trong đó đã nỗ lực kéo sức mua bằng biện pháp giảm thuế VAT trong sáu tháng. Đây là một chính sách hỗ trợ tương đối lớn, nhưng cũng không đủ sức để kéo sức mua trong khi giải pháp này cũng ngắn hạn.

Do đó, tôi cho rằng để tiếp tục tăng sức mua, cần kéo dài gói giảm VAT này thêm sáu tháng, giúp tăng trưởng một số lĩnh vực, đặc biệt là hàng tiêu dùng nhanh. 

Bên cạnh đó, việc tăng tạo ra dòng tiền hiện nay cho người dân thông qua đầu tư công là một giải pháp quan trọng, được xem như điểm sáng trong bối cảnh hiện nay nhưng có độ trễ. Hiện nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất song vẫn chưa như doanh nghiệp kỳ vọng hoặc nhiều doanh nghiệp cũng không có nhu cầu vay vốn trong thời điểm khó khăn này. 

Do đó, cần tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp đang thực sự có nhu cầu, giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí tài chính, kéo giảm giá thành giúp tăng sức mua.

Đưa hàng vào container để xuất khẩu của một công ty thực phẩm trong khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đưa hàng vào container để xuất khẩu của một công ty thực phẩm trong khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

* Đại biểu HOÀNG VĂN CƯỜNG (Hà Nội):

Sửa đổi chính sách chung rõ ràng, cụ thể, tránh chồng chéo

Kinh tế TP.HCM cần gì để xoay chuyển? - Ảnh 6.

Hiện nay thị trường thế giới bị thu hẹp, tăng trưởng không thể trông chờ vào khu vực xuất khẩu như những năm trước đây thì phải đẩy mạnh tổng cầu trong nước, trong đó cầu thông qua đầu tư công là một trong những trụ cột quyết định. 

Do vậy, không chỉ riêng với TP.HCM, giải ngân đầu tư công chậm sẽ rất đáng lo ngại, khó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Điểm nghẽn lớn trong giải ngân đầu tư công nằm ở các vấn đề về thủ tục, quy trình, về sự chồng chéo giữa các pháp luật liên quan.

Để thúc đẩy đầu tư công, Chính phủ đã có các chỉ đạo khá quyết liệt, kể cả sử dụng nhiều biện pháp hành chính. 

Song khó có thể chỉ bằng các biện pháp hành chính như vậy mà thúc đẩy được tiến độ giải ngân, cũng như khắc phục được tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm trong rất nhiều cán bộ, công chức hiện nay.

Giải pháp căn cơ là phải sớm sửa đổi chính sách pháp luật cho rõ ràng, cụ thể, tránh chồng chéo, mâu thuẫn để việc triển khai đầu tư công được thông suốt, nguồn lực tài chính được đưa vào nền kinh tế kịp thời, hiệu quả. 

Bên cạnh đó, những vướng mắc của quy định pháp luật hiện khá phổ biến. Vì vậy, cần có nghị quyết của Quốc hội cho phép các cơ quan thực thi công vụ được quyền hành động trong khuôn khổ, mà nếu thực hiện quy định đó sẽ đem lại kết quả tốt hơn cho lợi ích chung.

Phải có sự thay đổi này mới khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám vượt qua ràng buộc, rào cản về quy định để hành động vì công việc chung mà không bị quy kết vào những sai phạm. 

Thêm vào đó, việc này phải được thực hiện công khai, minh bạch ngay từ đầu để người dân giám sát.

* Bà Nguyễn Trúc Vân (giám đốc Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội TP.HCM, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):

Trong bối cảnh chung, mục tiêu tăng trưởng 7,5% là một thách thức

Bắt đầu từ tháng 4-2023, xét về mặt nội tại, mặc dù kinh tế TP.HCM đã có những tín hiệu tích cực của các trụ cột tăng trưởng, nhưng những tín hiệu này chưa đủ sức vực dậy tăng trưởng kinh tế TP để đạt được mục tiêu như kế hoạch đề ra.

Mặc dù cầu tiêu dùng đang trên đà phục hồi nhưng vẫn chưa đạt được bằng mức trước thời điểm dịch COVID-19, chưa tạo được động lực sản xuất, đầu tư và tiêu dùng.

Hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khó khăn do nhu cầu nhập khẩu thế giới sẽ giảm mạnh ở phần lớn các mặt hàng chủ lực của TP. Tốc độ giải ngân đầu tư công khá chậm.

Xét về bối cảnh trong nước và quốc tế, kinh tế cả nước cũng đang gặp nhiều thách thức.

Tuy nhiên TP cũng còn một số dư địa để bứt phá như sự nỗ lực và quyết tâm cao, có những ứng phó và triển khai giải pháp kịp thời để ngăn chặn những nguy cơ trên. TP quyết liệt triển khai nghị quyết 98 thông qua các đề án cụ thể giao cho các sở ngành.

Việc tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức và người lao động, lãi suất ngân hàng giảm cũng tạo nên dư địa kích cầu tiêu dùng.

Trên cơ sở phân tích các động lực tăng trưởng kinh tế TP cũng như những nguy cơ, mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023 là 7,5% là cả một thách thức lớn của TP trong các tháng cuối năm 2023.

Quý cuối cùng năm 2023, TP cần đẩy nhanh triển khai nghị quyết 98 theo kế hoạch dự kiến. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và lập quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Gắn nghị quyết 98 với quy hoạch chung TP.HCM và quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội thời kỳ 2021 - 2030.

Mặt khác, TP cần tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công, kích cầu tiêu dùng nội địa và phục hồi niềm tin doanh nghiệp thông qua cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Để kích cầu tiêu dùng kéo sức mua bằng biện pháp giảm thuế VAT cũng đã được áp dụng. Trong ảnh: người dân mua sắm trong siêu thị tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Để kích cầu tiêu dùng kéo sức mua bằng biện pháp giảm thuế VAT cũng đã được áp dụng. Trong ảnh: người dân mua sắm trong siêu thị tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Quan trọng là kích thích được tiêu dùng trong nước

Khi đoàn tàu kinh tế đang chạy mượt mà phải dừng đột ngột thì cần nhiều thời gian mới có thể lấy lại được gia tốc ban đầu, chứ không thể đùng một phát hồi phục được.
TS NGUYỄN HỮU HUÂN

TS Nguyễn Hữu Huân - trưởng bộ môn thị trường tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - nhận định kinh tế TP.HCM tăng trưởng thấp theo tình hình chung của cả nước, trong đó hai động lực tăng trưởng chính của TP đều bị suy yếu: xuất khẩu giảm, bất động sản đóng băng.

Theo đó, hiện nay đã có một số tín hiệu khởi sắc ở những doanh nghiệp xuất khẩu nhưng đơn hàng lai rai chứ không nhiều, đủ để cầm cự chứ chưa rõ ràng trong khi cuối năm là thời điểm nóng. Không chỉ sức cầu thế giới bị giảm, mà bản thân cầu nội địa cũng yếu.

Theo đó, thời gian qua chúng ta chỉ tập trung tháo gỡ những khó khăn của phía cung, như giảm hỗ trợ và giảm lãi suất doanh nghiệp nhưng chưa có nhiều giải pháp cho phía cầu, trong khi cung lớn hơn cầu thì tình hình vẫn khó khăn. 

Do đó, thời gian tới cần tập trung hỗ trợ phía cầu, như giảm thuế để kích thích tiêu dùng. Chúng ta đã giảm thuế VAT, nhưng mới chỉ giảm theo kiểu hình thức từ 10% xuống còn 8%, không đáng là bao, cần phải đưa xuống 5% hoặc thấp hơn để người dân cảm thấy tự tin mua sắm, cảm nhận hàng hóa giá rẻ, đây là điều nhiều nước đã làm.

Song song đó, để kích cầu trong ngắn hạn, cần tính đến chuyện giảm thuế thu nhập cá nhân tạm thời, không chờ đến việc sửa luật. Vì chính sách thuế thu nhập cá nhân hiện không còn phù hợp với mức sống của người dân, đặc biệt là môi trường đô thị như TP.HCM.

TS Huân nhận định để tăng tổng cầu, thời gian qua Chính phủ đã tập trung vào chính sách đầu tư công, phát triển các công trình điện - đường - trạm... Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc giải ngân vốn đầu tư công theo đúng tiến độ đang rất khó khăn. 

Do đó, có thể cân nhắc đến việc dùng nguồn vốn để kích cầu tiêu dùng ở khu vực tư nhân, nhanh và hiệu quả hơn. Trong tháng này Thái Lan cho biết sẽ phát 16 tỉ USD cho người trưởng thành trong sáu tháng tới, để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và đầu tư trong nước. 

Nhiều nước trên thế giới cũng kích cầu bằng cách này. Với dân số 100 triệu người, chúng ta có thể nghiên cứu thêm cách làm này để kích cầu tiêu dùng trong nước, có thể chuyển tiền tới tài khoản đã định danh điện tử.

HĐND TP.HCM họp xem xét thông qua hơn 85 dự án với 55.000 tỉHĐND TP.HCM họp xem xét thông qua hơn 85 dự án với 55.000 tỉ

Hơn 85 dự án với hơn 55.000 tỉ đồng sẽ được HĐND TP.HCM xem xét thông qua tại kỳ họp chuyên đề ngày mai 19-9. Trong đó, có danh mục các dự án đầu tư xây dựng bằng hợp đồng BOT...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên