Cơ quan chức năng kiểm tra thiệt hại trên tàu QNg 90657 - Ảnh: Trần Mai. |
Dùng vòi rồng tấn công, cướp phá ngư cụ, cướp bóc tài sản... đó là những hành động khủng bố mà Trung Quốc tạo ra với mục đích trấn áp tinh thần ngư dân ta.
Các “bài” của Trung Quốc trên Biển Đông thì chúng ta đều đã “thuộc”. Họ xây đảo nhân tạo, đưa vũ khí ra trong khi luôn mồm nói là xây dựng vì mục đích dân sự, xây để làm dịch vụ hậu cần nghề cá và hàng hải. Trung Quốc đã nhiều lần bắt bớ, cướp phá, quấy nhiễu hoạt động đánh cá bình thường của ngư dân Việt Nam, và lần này họ tấn công với mức độ dày đặc và điên cuồng hơn.
Cả thế giới không tin Trung Quốc, và tôi nghĩ chúng ta cũng không tin những gì họ nói về tình hình Biển Đông. Cá nhân tôi nghĩ rằng với Trung Quốc thì “mềm nắn rắn buông”, nếu chúng ta lùi thì Trung Quốc sẽ lấn tới, họ lấn tới với tốc độ ngày càng hung dữ.
Tôi thấy đáng tiếc vì tại kỳ họp này Quốc hội chưa có tuyên bố chính thức về tình hình Biển Đông, cho dù không ít đại biểu Quốc hội nhận định rằng những gì Trung Quốc làm ở Biển Đông trong thời gian qua còn nghiêm trọng hơn việc họ đưa giàn khoan Hải dương 981 xâm phạm chủ quyền Việt Nam cách đây một năm.
Với sự kiện giàn khoan, Trung Quốc đã phải rút lui trước làn sóng phẫn nộ của người Việt Nam, trong đó có sự lên tiếng mạnh mẽ của đông đảo đại biểu Quốc hội và tuyên bố của Quốc hội, đồng thời với những hành động kiên quyết của các lực lượng chức năng đấu tranh tại thực địa để bảo vệ chủ quyền.
Chúng ta rất cảm động khi nghe chuyện những ngư dân miền Trung nhiều lần bị Trung Quốc khủng bố, đập phá tàu thuyền, tịch thu ngư cụ, đánh đập... nhưng vẫn quyết tâm ra khơi, vừa mưu sinh vừa bảo vệ chủ quyền. Ngư dân của chúng ta là những người yêu nước. Nhưng sức người có hạn, ngư dân ta không thể cứ mãi ra khơi đối mặt với tình trạng khủng bố như vậy được. Nếu ngư dân ta sợ mà không ra khơi nữa có nghĩa là âm mưu thâm độc của Trung Quốc đã thành công.
Những chính sách, chương trình chung sức hỗ trợ ngư dân, những phong trào như “tấm lưới nghĩa tình”... dường như là chưa đủ. Vậy nên chúng ta phải có trách nhiệm đồng hành với ngư dân trên biển, không thể để ngư dân đơn độc. Tôi bảo lưu quan điểm của mình là Quốc hội, Chính phủ cần có tiếng nói chính thức và mạnh mẽ hơn nữa trước các hành động đơn phương của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Và để bảo vệ ngư dân của mình trên vùng đánh cá truyền thống thuộc chủ quyền của chúng ta, Chính phủ cần chỉ đạo các lực lượng chức năng bảo vệ ngư dân trên biển, hướng dẫn và tổ chức tốt hơn nữa các tổ đội đánh cá của ngư dân các địa phương ven biển. Chúng ta cần khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc mình cùng với sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế thì mới ngăn chặn được sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận