30/12/2016 08:48 GMT+7

Học sinh nghỉ học: phụ huynh có xin phép là... tốt rồi!

KHÁNH NGỌC
KHÁNH NGỌC

TTO - Hơn 20 năm trong nghề, cô giáo Khánh Ngọc thường xuyên gặp cảnh phụ huynh cho con nghỉ học vài ba ngày nhưng chẳng có lời xin phép nào. Vì vậy, khi đề cập đến việc viết giấy phép nghỉ học chị cảm thán: có xin phép là... tốt rồi!

Giấy xin phép cho con vắng học của một phụ huynh - Ảnh: tư liệu TTO

Dưới đây là chia sẻ của người trong cuộc gởi đến chuyên mục bạn đọc cùng làm báo Tuổi Trẻ Online:

"Chuyện phụ huynh viết đơn xin phép cho con nghỉ học đã nhận được quan tâm của nhiều độc giả. Người nói: “Đơn nghỉ học chỉ cần đủ nội dung là được”, người lại cho rằng: “Đơn phải đạt cả về nội dung lẫn hình thức”.

Rõ ràng cầm tờ đơn được viết cẩn thận, trình bày đẹp ai cũng thích bởi thấy mình được tôn trọng. Nhưng không phải phụ huynh nào cũng ý thức được điều đó.

Hơn 20 năm trong nghề, tôi và nhiều đồng nghiệp của mình thường xuyên gặp cảnh phụ huynh cho con nghỉ học vài ba ngày nhưng chẳng có lời xin phép hay chỉ là thông báo cho giáo viên được biết.

Thầy cô đã nhắc nhở trò, cũng gặp phụ huynh trao đổi nhưng chuyện như thế vẫn thường xuyên xảy ra. Bởi vậy khi cầm được tờ đơn (dù viết như thế nào) hay vài dòng tin nhắn, một cuộc điện thoại chúng tôi cũng cảm thấy vui và an lòng.

Cách đây khoảng chục năm về trước, học sinh nghỉ học cha mẹ thường viết đơn để xin phép. Trẻ vùng biển, nhiều phụ huynh mới học hết tiểu học, có không ít người học xong lớp 2, lớp 3 nên tờ đơn cũng chỉ viết nguệch ngoạc có mấy chữ. Đáng buồn hơn là tờ giấy xé vội trong cuốn tập của con nhàu nát, nham nhở như tờ giấy lộn.

Dù thế vẫn còn hơn nhiều người muốn cho con nghỉ học lúc nào thì tùy, chẳng bao giờ viết đơn, cũng chẳng một lời thông báo. Có người biết điều hơn nhắn qua cậu học trò cùng lớp lên nói “Cô ơi! Mẹ bạn Vân nói hôm nay bạn ấy bệnh không đi học được”.

Vài năm trở lại đây, ai cũng có điện thoại nên việc học sinh nghỉ học phụ huynh không còn phải ngồi viết đơn. Vậy nhưng vẫn có người tiếc một dòng tin nhắn, một cuộc điện thoại. Vào lớp, thấy trò vắng học, sợ các em có chuyện không hay, giáo viên phải gọi điện về nhà cho phụ huynh hỏi lý do vì sao hôm nay các em không đi học.

Nhưng không phải lúc nào cũng liên lạc được, khi thì cha mẹ các em không bắt máy mà cũng chẳng gọi lại, khi thì điện thoại ngoài vùng phủ sóng…

Một bạn đọc bình luận “Nhìn nhà trường biết xã hội”, nhà trường không nghiêm thì xã hội sẽ loạn. Nhưng cũng tùy từng cấp học mới có thể “nghiêm” được. Với học sinh tiểu học, THCS đang thực hiện phổ cập giáo dục, các em không đến lớp, thầy cô đã lo sốt vó và tìm mọi cách năn nỉ, thuyết phục.

Bởi thế với các em, dạy luôn đi cùng với dỗ nên chẳng trường học nào dám dùng biện pháp cứng rắn khi các em nghỉ học không xin phép. Phụ huynh cũng biết “nhìn mặt đặt tên”. Ở trường tiểu học và THCS học sinh nghỉ học phụ huynh thích thì xin phép không thích thì thôi.

Nhưng với bậc trung học phổ thông không có đơn xin phép sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm, nghỉ vài lần như thế các em sẽ phải rèn luyện trong hè hoặc ở lại lớp nên hầu như cha mẹ các em chưa bao giờ quên điều này.

Học sinh nghỉ học, phụ huynh cần thông báo đến giáo viên chủ nhiệm để thầy cô an tâm. Vì thế, chọn cách thông báo như thế nào vừa thuận lợi cho gia đình, vừa thể hiện được sự tôn trọng giáo viên cũng là điều nên làm."

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Theo bạn, đơn nghỉ học chỉ cần "đủ nội dung là được”, hay lại "đạt cả về nội dung lẫn hình thức”? Là phụ huynh, bạn có sáng kiến gì về việc xin nghỉ học cho con em mình sao cho phù hợp với tình hình hiện nay?

Mời bạn chia sẻ ý kiến của mình trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gửi đến tto@tuoitre.com.vn. 

 

KHÁNH NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên