Sau hai năm chiến đấu, dịch đã tạm lui, đâu đó số người dương tính còn tăng, nhưng nhìn chung cuộc sống đã dần trở lại bình thường.
Cũng như bất cứ một chiến dịch quân sự nào, có nhiều bộ phận, nhiều lớp tham gia nhưng công lao lớn nhất thuộc về những người ở tuyến đầu, những người trực tiếp tham gia cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân. Đó là các bác sĩ, y tá, điều dưỡng quân y, dân y, các bác sĩ đương nhiệm và về hưu.
Lịch sử đất nước này mãi mãi không quên ơn họ. Họ đã lăn xả vào nơi mà lằn ranh sống chết vô cùng mỏng manh, có thể nhiễm bệnh, có thể chết, có thể mang di chứng khôn lường suốt đời nhưng không ai từ chối, không ai bỏ ngũ, không ai run sợ. Họ để lại sau lưng gia đình, cha mẹ, con cái và cả tình yêu đôi lứa nhiều tháng trời không một chút toan tính, so đo.
Thực sự, trong cuộc chiến vừa qua đã có những người lính áo trắng hy sinh, bị thương tật và thiệt thòi rất nhiều về sức khỏe, tinh thần, kinh tế và thu nhập. Bất kỳ ai trong chúng ta đều tự hỏi, điều gì sẽ xảy ra với thành phố 12 triệu dân này nếu không có họ?
Chỉ còn vài ngày nữa là Tết đến. Dù khó khăn hơn năm ngoái nhưng các cơ quan, nhà máy, cơ sở sản xuất vẫn cố gắng thu xếp có phần tiền thưởng bằng hoặc cao hơn để động viên tinh thần công nhân viên sau một năm vất vả.
Trong khi đó, hai năm qua các bệnh viện phải tập trung toàn bộ tinh thần và sức lực, vật chất và đội ngũ cho chống dịch, không có điều kiện thực hiện các hoạt động cải thiện nhằm gia tăng thu nhập cho cán bộ công nhân viên như khám ngoài giờ, khám bệnh định kỳ cho các trường học, cơ quan, thậm chí nhiều khoa phải thu hẹp quy mô chuyển hướng trọng tâm sang chống dịch.
Năm nay khó khăn nhưng tăng trưởng kinh tế cả nước vẫn đạt được 2,58%, TP.HCM thu ngân sách đạt 381.531 tỉ đồng, so với năm ngoái vẫn vượt 2,3%. Các quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ công đoàn, quỹ vắc xin phòng chống COVID-19 còn kết dư hàng ngàn tỉ đồng... Lẽ nào cả nước và TP.HCM không lo nổi cho các "thiên thần áo trắng" một cái Tết đàng hoàng?
Trong những ngày khốn khó này, nhiều công ty vẫn ăn nên làm ra do biết biến "nguy" thành "cơ", nhiều công ty thu lợi lớn trên sàn chứng khoán, bất động sản, các đại gia buông bỏ hàng trăm tỉ đồng nhẹ như lông hồng... sao không nghĩ đến những người ngày hôm qua hy sinh quên mình cho chúng ta một cuộc sống bình yên, cho mỗi gia đình một cái Tết yên vui.
Bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương cũng cần nhưng sẽ có ý nghĩa hơn nếu chúng ta có những hành động thiết thực hơn nữa, bởi sau lưng họ còn có gia đình, cha mẹ già và con trẻ...
Tôi lại phải nhại lại một câu nói nổi tiếng khác trên tượng đài ngọn lửa vĩnh cửu ở quảng trường Đỏ rằng: rồi đất nước này sẽ (hay ngay bây giờ) không còn biết đến tên các bác sĩ, y tá, điều dưỡng, lao công ở các bệnh viện dã chiến, bệnh viện X, bệnh viện Y nữa... nhưng chiến công chống COVID-19 của họ đời đời bất diệt.
Hãy làm gì đó cho họ, không chỉ là nguyện vọng của nhân dân mà còn là tình cảm, đạo lý, là lời tri ân thiết thực của chúng ta dành cho đội ngũ này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận