Đó là cô Trương Thị Hồng Xuân (Trường tiểu học Dương Công Khi) và thầy Phạm Nguyễn Thanh Tùng (Trường THCS Lý Chính Thắng).
Gặp nhau ở Mùa hè xanh
Thầy Tùng học ngành sư phạm toán Trường ĐH Sài Gòn. Cô Xuân học ngành giáo dục tiểu học cùng trường. Hè năm nhất, cô sinh viên Xuân làm đội phó, còn thầy Tùng là thành viên đội ôn tập hè chiến dịch Mùa hè xanh của trường.
Thầy Tùng kể ngay hôm đầu tiên được phân công đứng lớp ôn tập cho trẻ song có việc đột xuất nên gặp đội phó xin vắng nhưng cũng hơi lo vì mới buổi đầu tiên nhận nhiệm vụ. Cô đội phó nghe lý do xin vắng chỉ nhẹ nhàng dạ. Vậy mà anh chàng lớn hơn một khóa "đổ" luôn sau lần đó.
Cô cán bộ Đoàn còn dụ anh sinh viên khóa trên cùng tham gia nhiều hoạt động tình nguyện sau đó. Ra trường, Thanh Tùng đi dạy về STEM một năm, cùng đợi Hồng Xuân tốt nghiệp rồi cả hai cùng thi tuyển về làm giáo viên tại quê hương 18 thôn vườn trầu Hóc Môn của Xuân.
Xuân nhận công tác tại Trường tiểu học Dương Công Khi vốn là nơi mình từng học tiểu học. Trong khi Tùng dạy toán tại Trường THCS Lý Chính Thắng là ngôi trường Xuân từng học THCS và làm liên đội trưởng một thời. Cả hai cùng là bí thư chi đoàn giáo viên của trường nên cũng dễ hỗ trợ nhau hoạt động. Ngoài giờ dạy, niềm vui của cả hai là hoạt động Đoàn.
Thầy Tùng kể cả hai ở bên nhau suốt khi cùng hoạt động, và hầu như không có ranh giới giữa thời gian cho công việc và gia đình. Vì cùng nghề lại cùng đam mê công tác Đoàn nên họ dễ cảm thông và giúp nhau hoàn thành nhiệm vụ.
"Từ lúc quen nhau đến giờ, chúng tôi chưa lần nào cãi cọ hết. Hai đứa luôn bù trừ qua lại và không cân phân ai đúng ai sai, không đổ lỗi, mà luôn cùng ngồi lại bàn tính giúp nhau vượt qua nếu có trục trặc gì", thầy Tùng chia sẻ bí kíp giữ lửa hạnh phúc của cặp đôi vừa nhận giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu TP.HCM. Tiếp lời chồng, cô Xuân nói từ khóa của cả hai là "tôn trọng, lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ".
Thầy cô như... siêu nhân
Ngoài giờ chính khóa, cô Xuân còn đề xuất thực hiện chuỗi hoạt động "Xây dựng môi trường học tập vui vẻ, lành mạnh" với sân chơi được tổ chức định kỳ theo quý. Quý 1 có sân chơi trò chơi dân gian "Tết Việt", quý 2 là sân chơi "Khoa học vui", quý 3 sân chơi "Rèn luyện thể chất, vui khỏe đến trường" và quý 4 có sân chơi kiến thức "Rung chuông vàng".
Những sân chơi vui tươi, tạo hứng khởi mà lại giúp học trò thẩm thấu kiến thức một cách nhẹ nhàng để mỗi ngày đi học không thấy quá áp lực về học tập. Ngoài ra, để học trò thích thú học môn lịch sử, cô giáo trẻ còn đề xuất nhà trường được thực hiện sân chơi "Em yêu sử Việt". Đến hè lại có sân chơi "Thiếu nhi thời đại 4.0" tại điểm sinh hoạt Trường tiểu học Dương Công Khi.
Một lần, có cô học trò gọi cô là siêu nhân. Ngạc nhiên, cô Xuân hỏi "Sao con nói vậy?". Cô bé lém lỉnh trả lời: "Con thấy cô nhiều nghề quá, vừa dạy học vừa làm đạo diễn, rồi còn làm thợ may sửa đồ cho tụi con, làm luôn kỹ thuật viên quay hình, làm nhạc cho tụi con biểu diễn văn nghệ. Trong lớp cô còn làm thẩm phán xét xử khi tụi con cãi nhau. Con sẽ phát lương gấp 10 lần cho cô luôn".
Nghe vậy, cô giáo chỉ biết cười tít mắt. Bởi trong mắt học trò, cô kiểu đúng người đa di năng cái gì cũng biết làm. "Những cái mình làm nhiều lúc tưởng không ai thấy nhưng các em quan sát được hết, ghi nhận hết và thấy được sự hy sinh, tình cảm của thầy cô dành cho học trò. Đó chính là động lực để tôi cũng như nhiều thầy cô khác cố gắng mỗi ngày", cô Xuân bộc bạch.
Trong khi "anh thầy chồng" cũng không kém cạnh. Dù dạy toán nhưng thầy đã lồng ghép đưa STEM vào giờ học tạo hứng thú, thay đổi môi trường giúp học sinh trải nghiệm chứ không còn thấy môn học quá khô khan. Mà việc thầy Tùng dẫn xuống sân trường trải nghiệm xây bồn cây chính là cách để học trò ứng dụng môn toán vào giải quyết những vấn đề thực tiễn.
Nhân duyên trùng hợp
Có nhiều điều ngẫu nhiên mà trùng hợp khá lạ lùng của đôi vợ chồng giáo viên trẻ này. Cả hai từng cùng trúng tuyển vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Trường ĐH Sài Gòn song cuối cùng đều chọn học Trường ĐH Sài Gòn dù không hề biết nhau trước đó.
Đam mê giống nhau khi cả hai thích công tác Đoàn rồi thành đôi cũng chính từ cái nôi hoạt động Đoàn. "Có thể nói chúng tôi luôn "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" để cùng nhau mạnh dạn tiến về phía trước, làm hậu phương vững chắc cho nhau. Danh hiệu đã tiếp thêm ngọn lửa yêu nghề, trở thành dấu ấn đáng ghi nhớ trong sự nghiệp của vợ chồng mình", cô Xuân chia sẻ.
Nhiều thành tích cùng nhau
Hai vợ chồng nhà giáo trẻ cũng đạt khá nhiều giải thưởng trong công tác chuyên môn và cả hoạt động Đoàn. Thầy Tùng giành giải cao nhất môn toán hội thi giáo viên dạy giỏi huyện Hóc Môn năm học 2022-2023, được công nhận sáng kiến "Thiết kế ứng dụng giáo dục STEM" vào dạy học môn toán khối 6, 7. Trong khi đó, cô Xuân đoạt giải ba hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện năm học 2023-2024 và là giáo viên dạy giỏi cấp huyện năm học trước đó.
Đặc biệt, tại hội thi Thiết kế ứng dụng bài giảng STEM năm 2023 do Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành Đoàn TP.HCM) tổ chức, đôi vợ chồng này cùng "ẵm" giải nhất. Trong đó, cô Xuân nhận giải nhất bảng A (tiểu học) còn thầy Tùng giải nhất bảng B (THCS). Đôi vợ chồng trẻ đã cùng hoàn thành và tốt nghiệp thạc sĩ rồi cùng được kết nạp Đảng hồi cuối năm 2023.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận