Chợ Bến Thành, quận 1, TP.HCM vắng vẻ du khách nước ngoài đến mua sắm và tham quan - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Singapore ngay từ đầu tháng 2-2020 đã có những chính sách để hỗ trợ trước dịch COVID-19. Bộ trưởng Tài chính nước này tuyên bố sẽ dành 4 tỉ đôla Singapore trong năm nay để giúp ổn định nền kinh tế Singapore và giúp người lao động cũng như các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Với ngành du lịch, mức giảm 30% thuế tài sản sẽ được áp dụng trong năm 2020 với phòng khách sạn và phòng khánh tiết tại các khách sạn và căn hộ dịch vụ được cấp phép. Các dịch vụ du thuyền, bến tàu cũng giảm 15% thuế tài sản...
Một khoản vay bắc cầu trong một năm cũng sẽ được giới thiệu để hỗ trợ các khoản thanh toán của doanh nghiệp du lịch, lãi suất ở mức 5%/năm. Chính phủ nhận 80% rủi ro cho các khoản vay này. Còn đối với ngành hàng không, chi phí đáp máy bay và phí đỗ xe cũng được giảm...
Từ đầu tháng 2-2020, Chính phủ Thái Lan công bố các chính sách hỗ trợ khẩn cấp. Với ngành hàng không, Bộ Tài chính nước này tiến hành giảm thuế nhiên liệu bay, áp dụng riêng cho các chuyến bay nội địa trong một khoảng thời gian nhất định.
Nước này cũng tạm ngừng thu thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 6 tháng cho các doanh nghiệp du lịch. Trong khi Bộ Giao thông vận tải giảm các khoản phí hạ cánh...
Cùng lúc Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị sang các thị trường ngoài Trung Quốc, bao gồm Đông Nam Á, Ấn Độ, Nga, Ukraine, Đông Âu, Mỹ và Mexico. TAT cũng nâng cấp Trung tâm hỗ trợ du lịch thành đơn vị dịch vụ một cửa.
Đó chỉ là hai ví dụ trong nhiều gói hỗ trợ mà các quốc gia đã triển khai.
Cuối tuần qua, VN cũng đã công bố gói tín dụng 250.000 tỉ đồng và gói tài khóa 30.000 tỉ đồng cấp bách hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Chỉ thị đã có, vì thế chúng ta nên bắt tay làm ngay, đừng chần chừ hay phải "nghiên cứu" vì cái cần nhất bây giờ chính là thời gian.
Doanh nghiệp đã khó khăn vô cùng, nếu bây giờ còn gặp khó ở các thủ tục như làm đơn cứu xét, chứng minh thiệt hại thì e rằng khi tiếp cận được gói "giải cứu", có doanh nghiệp đã sập rồi. Các đề xuất giảm, giãn thuế đã được cơ quan quản lý, hiệp hội ngành nghề đưa ra, nếu Chính phủ nhận thấy phù hợp cần triển khai ngay.
Bên cạnh các gói tài chính, các biện pháp kích cầu thị trường nội địa hay thị trường mới nước ngoài cần phải làm thực chất, tránh thành câu chuyện biểu tượng. Muốn vậy, chương trình kích cầu du lịch phải thực sự hiệu quả, giảm thực chất, cam kết chất lượng và có biện pháp bảo đảm an toàn cho du khách. Thị trường đóng băng bởi du khách đang sợ chứ không phải thiếu tiền.
Dịch bệnh đã là câu chuyện toàn cầu chứ không chỉ chuyện của một quốc gia nào.
Nhưng đại dịch COVID-19 cũng làm những người trong lĩnh vực du lịch phải suy nghĩ: doanh nghiệp du lịch Việt quá dễ tổn thương. Đây là hậu quả của phát triển nóng, không chiến lược, giật gấu vá vai nên không quản trị được rủi ro.
Bản thân doanh nghiệp lúc này cũng cần tinh giản, làm sao cắt giảm được nhiều chi phí nhất như thuế, điện, nước, bảo hiểm... Để đi qua dịch bệnh, Chính phủ đã có phản ứng và bây giờ doanh nghiệp cũng cần lực lượng hành động phản ứng nhanh hiện thực hóa những điều đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận