Hoạt động sản xuất công nghiệp tại Đà Nẵng đã phục hồi so với trước dịch COVID-19. Trong ảnh: sản xuất lốp ôtô tại dây chuyền của Nhà máy cao su Đà Nẵng - Ảnh TẤN LỰC
Tại tọa đàm Sản xuất an toàn trong đại dịch do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ở TP.HCM ngày 13-12, phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) Lương Mai Anh nhận định các DN TP.HCM đã đảm bảo phòng dịch để sản xuất an toàn.
Dưới 10% F1 thành F0 nhưng không chủ quan
Dẫn báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, bà Mai Anh cho hay có đến 1.000 DN đã được thẩm tra, thẩm định các phương án sản xuất an toàn và thực hiện các quy định tại nơi làm việc thời gian qua.
Báo cáo cũng cho thấy dù có những trường hợp mắc, nhiễm COVID-19 ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như trong khu công nghiệp nhưng tỉ lệ trường hợp tiếp xúc gần sau đó ghi nhận trở thành người nhiễm đều không cao, chỉ 10%.
"Điều đó cũng cho thấy các biện pháp phòng chống dịch trong DN đã được đảm bảo để môi trường sản xuất an toàn trong thời gian vừa qua" - bà Mai Anh khẳng định.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay Bộ Y tế chuẩn bị trình Chính phủ dự thảo kế hoạch tổng thể đối với công tác phòng chống dịch dựa trên nền tảng khoa học, kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là kinh nghiệm mà chúng ta rút ra được qua các đợt dịch, nhất là đợt dịch thứ 4.
Theo ông Tuyên, kế hoạch này vừa đảm bảo chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội và nhanh chóng đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới.
"Mục tiêu là bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân và hạn chế thấp nhất ca tử vong, đồng thời giúp cho DN ổn định phát triển kinh tế và các hoạt động an sinh xã hội giúp cho người dân ổn định, các địa phương ngày càng phát triển" - ông Tuyên nói.
Ông Tuyên nhận định tình hình dịch hiện nay diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát đợt dịch mới, đặc biệt là sự xuất hiện biến chủng mới như Omicron.
Các doanh nghiệp ở TP.HCM vừa tăng cường sản xuất cho đơn hàng giai đoạn cuối năm, vừa siết phòng dịch trong nhà xưởng - Ảnh: NGỌC HIỂN
Doanh nghiệp vẫn "đau đầu" vì F0
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Việt Anh - phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM - cho hay hiện các doanh nghiệp tại TP đã tái hoạt động tương đối ổn định với tỉ lệ trên 96%. Tính theo công suất, các doanh nghiệp có dưới 1.000 lao động và từng tổ chức "3 tại chỗ", hiện hoạt động trở lại khoảng 70 - 80%. Còn với doanh nghiệp từ 1.000 lao động trở lên, đặc biệt là trên 5.000 lao động, công suất hoạt động hiện chỉ hơn 50%, cá biệt có những doanh nghiệp chỉ trên 40%.
Ghi nhận thực tế tại các doanh nghiệp ở TP.HCM những ngày qua, các doanh nghiệp trong lẫn bên ngoài khu công nghiệp đều chủ động siết các biện pháp phòng dịch, trong đó duy trì các đợt xét nghiệm COVID-19 định kỳ và xét nghiệm bắt buộc đối với các khách hàng, đối tác khi đi vào nhà máy.
Tại Khu công nghệ cao TP.HCM, các doanh nghiệp thực hiện quy trình xét nghiệm ngay tại cổng cho lao động, nếu phát hiện F0 sẽ đưa đi cách ly ngay trong khu hoặc đủ điều kiện sẽ về cách ly tại nhà. Còn đối với các F1, doanh nghiệp sẽ theo dõi sức khỏe và cho sản xuất ở khu vực riêng để đảm bảo phòng dịch.
Bà Lê Bích Loan - phó trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM - cho biết đến ngày 13-12, các số liệu cập nhật về F0 hằng ngày tại doanh nghiệp cho thấy tín hiệu tích cực khi số ca F0 đang giảm, hiện số ca F0 phát hiện mới chỉ ở mức 5 - 10 người, rất ít so với thời điểm trước.
Bà Loan nhận định số ca F0 phát hiện mới được báo cáo giảm có thể do doanh nghiệp, người lao động đã phòng dịch tốt hơn, các quy trình đã hoàn thiện, song cũng có khả năng do chỉ xét nghiệm theo xác suất, xét nghiệm đối tượng nguy cơ cao...
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng cho hay hiện gặp khó do số lượng F0 tăng nhanh khiến các dây chuyền thiếu nhân sự sản xuất.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông L. - giám đốc một doanh nghiệp trong khu công nghiệp - cho hay sáng 13-12 doanh nghiệp này xét nghiệm định kỳ, phát hiện 6 F0 khiến ông rất "đau đầu" vì bài toán nhân lực.
Với mỗi lần phát hiện F0, dây chuyền sẽ thiếu hụt người đứng máy ít nhất 21 ngày, do đó ông L. cho hay vấn đề lớn nhất là các công nhân phải có ý thức phòng dịch cao không chỉ ở nhà xưởng mà kể cả trong sinh hoạt bên ngoài để tránh gián đoạn sản xuất.
Tương tự, Công ty VEXOS Việt Nam tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) cũng cho hay doanh nghiệp này có khoảng 10 F0 đang điều trị, khiến thiếu hụt nhân sự ở các dây chuyền sản xuất.
Theo vị này, so với giai đoạn mới phục hồi sản xuất, hiện nay doanh nghiệp đã chuẩn bị quy trình xử lý khi có F0, F1 thuần thục và chủ động hơn, song vẫn phải kích hoạt các quy trình phòng dịch tối đa ở nhà xưởng, tránh tình trạng dịch bùng phát gây gián đoạn sản xuất.
Để doanh nghiệp không nơm nớp nỗi lo
Ông Trần Việt Anh cho hay tín hiệu tích cực là các doanh nghiệp đã có sự thích ứng, trở lại sản xuất và tái cấu trúc ở mọi mặt. Theo ông Anh, sau thời gian ngưng sản xuất, các doanh nghiệp tại TP đã thích ứng với nhiều tình trạng khác nhau nhưng đều có điểm chung là hiểu rõ hơn về quy trình sức khỏe.
"Khoảng 70% các doanh nghiệp nói chung và 90% doanh nghiệp sản xuất đều có nhân viên đủ trình độ như một nhân viên y tế cấp địa phương, có thể theo dõi, đo SpO2, nhận ra được triệu chứng của F0" - ông Anh nói.
Về tuyển lao động, ông Anh cho rằng bên cạnh năng suất, hiện doanh nghiệp quan tâm hơn đến ý thức của người lao động khi tuyển dụng để đảm bảo tuân thủ 5K trong sản xuất an toàn. Ngoài ra doanh nghiệp cũng đầu tư dây chuyền sản xuất mới, chấp nhận chi phí tăng để đầu tư các dây chuyền mà công nhân đứng cách nhau 2m.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Hoàng Ngân - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - cho rằng để giúp doanh nghiệp tự tin hơn trong phục hồi, mở rộng sản xuất, Nhà nước cần có định hướng chiến lược để doanh nghiệp không còn nơm nớp nỗi lo tái áp dụng các biện pháp chống dịch như giãn cách, phong tỏa thời gian qua.
Theo ông Ngân, nếu xác nhận sống thích ứng an toàn với COVID-19 là hướng đi phải chọn để phù hợp với xu thế hiện nay thì cũng cần chia sẻ để doanh nghiệp yên tâm.
Chuyên gia và công nhân - đều đã tiêm 2 mũi vắc xin - làm việc tại Công ty TNHH Vina Eco Board (Khu công nghiệp Phú An Thạnh, huyện Bến Lức, Long An). Công ty cũng có bố trí khu cách ly F0 để xử lý nếu phát hiện ca nhiễm mới - Ảnh: SƠN LÂM
Theo văn bản đã ban hành của Sở Y tế TP.HCM, khi phát hiện người nhiễm COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh xử lý theo 4 bước như sau:
* Bước 1: Tạm thời cách ly F0 ở buồng cách ly hoặc khu vực cách ly của đơn vị và liên hệ ngay cơ quan y tế của địa phương để được hỗ trợ.
* Bước 2: Đánh giá tình trạng sức khỏe của F0.
* Bước 3: Nhập thông tin F0 vào ứng dụng "Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19".
* Bước 4: Tạm ngưng hoạt động khu vực xảy ra F0 để vệ sinh khử khuẩn, xét nghiệm cho tất cả F1 (theo quy mô ổ dịch), điều tra xác định quy mô, tính chất ổ dịch và theo dõi F1 tùy theo trường hợp quy định.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp phân công tổ y tế của đơn vị hoặc hợp đồng với đơn vị y tế (công lập, tư nhân) để tổ chức thực hiện và giám sát sự tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong hoạt động tại cơ sở, doanh nghiệp.
T.DƯƠNG
Ông Diệp Thành Kiệt (phó chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam - Lefaso):
Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thuốc điều trị COVID-19
Với các doanh nghiệp có điều kiện về tiềm lực kinh tế thì việc tổ chức hệ thống y tế ngay tại chỗ với các trang thiết bị đạt yêu cầu để xử lý khi phát hiện F0 không còn nhiều trở ngại, bỡ ngỡ như thời gian đầu. Nhưng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn lực tài chính eo hẹp thì để đảm bảo và xử lý kịp thời, khoanh gọn công nhân nhiễm F0 để cách ly, điều trị tương đối vẫn còn không ít khó khăn, từ mặt bằng tổ chức điểm cách ly cho đến phác đồ, thuốc điều trị đi kèm.
Với những trường hợp này, các doanh nghiệp rất cần được đội ngũ y tế địa phương hỗ trợ kịp thời về kit xét nghiệm nhanh và thuốc hòng giảm chi phí phát sinh cho doanh nghiệp. Riêng trường hợp số ca F0 chẳng may phát hiện vượt khả năng kiểm soát của doanh nghiệp thì điều cần nhất là lực lượng y tế chuyên nghiệp có mặt ngay lập tức để phối hợp cùng doanh nghiệp xử lý khủng hoảng trong thời gian sớm nhất.
Ông Lê Đông Hưng (phó tổng giám đốc Công ty CP công nghiệp Đông Hưng):
BHXH cần chấp nhận giấy chứng nhận nhiễm COVID-19 của DN
DN rất mong BHXH chấp nhận giấy chứng nhận nhiễm COVID-19 do doanh nghiệp (DN) phát hành trong trường hợp có công nhân bị nhiễm tại nhà máy để không mất quyền lợi trong thời gian bị cách ly. Hiện nay chọn giải pháp cách ly ngay tại nhà máy để dễ dàng kiểm soát hơn là đưa về địa phương, vì DN nào bây giờ cũng có phương án xử lý y tế khi có ca nhiễm tại chỗ.
DN sẽ chịu trách nhiệm về mặt pháp lý nếu cố tình cung cấp thông tin sai, hoặc phát hành giấy không đúng mục đích. Còn hiện nay đây là điều đang vướng và DN nào cũng mong được BHXH sớm gỡ điểm nghẽn này.
T.V.NGHI ghi
Khuyến khích doanh nghiệp trên 1.000 lao động lập khu cách ly
Ngày 13-12, Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho hay vừa có văn bản vận động các DN có số lượng lao động đông, từ 1.000 người trở lên, cần bố trí mặt bằng nhà xưởng dư thừa, tách biệt khu vực sản xuất để sắp xếp, bố trí khu cách ly, điều trị F0 của DN. Đây là các F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ không đủ điều kiện cách ly tại nhà.
DN tự trang bị các thiết bị y tế cơ bản như máy đo nồng độ oxy, máy đo huyết áp, bình oxy, giường, đồ bảo hộ... Đồng thời DN hợp đồng với đơn vị y tế (nhà nước hoặc tư nhân), hoặc bố trí nhân sự y tế chuyên trách tại cơ sở để theo dõi sức khỏe người lao động theo quy định, gắn kết với y tế địa phương.
Đối với việc điều trị F0 của DN, Hepza, Sở Y tế, UBND các quận huyện và trung tâm y tế địa phương sẽ hỗ trợ DN, trong đó có cung cấp thuốc điều trị khi cần thiết.
Bình Dương: doanh nghiệp được tự chủ, thuận lợi hơn
Hiện nay các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Bình Dương được chủ động thực hiện xét nghiệm và tự chịu trách nhiệm về kết quả xét nghiệm COVID-19.
Ông Trần Ngọc Lương - giám đốc Công ty cung ứng lao động Đức Lương - cho biết việc cho phép doanh nghiệp tự chủ động và tự chịu trách nhiệm về xét nghiệm đã giúp giảm chi phí và thuận lợi rất nhiều cho doanh nghiệp, người lao động. Thông thường các doanh nghiệp tại Bình Dương đã chuyển từ sản xuất "3 tại chỗ" sang "3 xanh" (nhà máy xanh, nhà trọ xanh và công nhân xanh) và xét nghiệm định kỳ hằng tuần với khoảng 20% lao động để phát hiện, sàng lọc F0.
Do hiện nay lao động làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp phải tiêm ít nhất một mũi vắc xin sau 14 ngày mới được làm việc nên trường hợp họ bị nhiễm COVID-19 thì sau khi lấy mẫu, thông báo cho trạm y tế, họ có thể tự về nơi cư trú để cách ly theo quy định. Chỉ những trường hợp chuyển biến nặng mới phải đi bệnh viện điều trị.
BÁ SƠN
ĐBSCL: ưu tiên tiêm mũi 3 cho công nhân
Ông Nguyễn Thành Thanh - trưởng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Long An - cho biết hiện tại Long An đã có kế hoạch tiêm vắc xin mũi 3 cho người lao động. Long An cũng có chủ trương sẽ tiêm cho người lao động quay trở lại tỉnh này làm việc mà chưa được tiêm vắc xin. Song song đó, các trạm y tế lưu động, bệnh viện điều trị COVID-19 trong các khu, cụm công nghiệp cũng được tỉnh này triển khai nhanh chóng.
Tương tự, tại Sóc Trăng, ông Nguyễn Thanh Trong - trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh - cho biết đã lên kế hoạch tiêm mũi 3 cho toàn thể công nhân trong khu công nghiệp, có vắc xin là tiêm ngay.
Tại An Giang, ông Diệp Thành Vinh - trưởng ban quản lý Khu công nghiệp Bình Hòa, huyện Châu Thành - cho biết hiện 100% doanh nghiệp tại khu công nghiệp này đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, năng suất lao động chỉ đạt hơn 80% so với bình thường. "Khu công nghiệp chúng tôi đã cho họ giãn tiền thuê đất sang năm sau mới thu" - ông Vinh nói thêm.
S.LÂM - K.TÂM - B.ĐẤU
Công ty TNHH Pousung Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) làm xét nghiệm cho công nhân - Ảnh: A LỘC
Đồng Nai: duy trì "thói quen" phòng dịch
Ông Lê Nhật Trường - chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Pousung Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) - cho biết thời gian đầu khi mới quay lại sản xuất, số ca nhiễm khá nhiều khiến công nhân có tâm lý hoang mang, lo sợ dịch bệnh. Tuy nhiên càng về sau số ca nhiễm càng giảm, tâm lý người lao động dần dần vững vàng hơn. Ngoài ra với việc Đồng Nai quyết định giảm thời gian điều trị, cách ly đã kéo ảnh hưởng từ dịch bệnh xuống mức thấp nhất. "Hiện giờ đơn hàng nhiều nên hầu như ngày nào cũng tăng ca, công nhân tăng thêm thu nhập nên rất phấn khởi" - ông Trường nói.
Tuy nhiên, ông Trường khẳng định công ty vẫn không hề chủ quan với dịch, các biện pháp đo thân nhiệt, thực hiện 5K, đeo khẩu trang, lắp vách ngăn phòng ăn... vẫn được duy trì. Đặc biệt đội ngũ y bác sĩ tại công ty khá đầy đủ cũng góp phần kiểm soát dịch, đảm bảo hoạt động sản xuất diễn ra an toàn và liên tục.
Ngày 13-12, ông Lê Văn Danh - phó trưởng ban phụ trách Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai - cho biết có 99% doanh nghiệp đã quay lại sản xuất ổn định với tổng số 88,9% lao động, trong đó có doanh nghiệp đạt 100% lao động.
A LỘC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận