Bộ Công thương chính thức đề nghị giảm thuế nhiên liệu bay để hỗ trợ doanh nghiệp - Ảnh: TRUNG HÀ
Nhiều doanh nghiệp (doanh nghiệp), hiệp hội cũng đồng tình quan điểm này.
Nên giảm cả thuế, phí
Bộ Công thương đề nghị Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các loại thuế, phí, có các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí vận tải như giảm giá BOT, phí cầu đường, bến bãi, phí lưu giữ phương tiện, thuế với nhiên liệu bay...
Bộ GTVT cũng được đề nghị làm việc với các hãng vận tải, hãng tàu nhằm giảm giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa, giảm phí dịch vụ tại cảng để giảm chi phí lưu thông hàng hóa, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp logistics.
Bộ Công thương cũng cho rằng Bộ GTVT cần chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai các công tác đảm bảo chống dịch ở các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, cảng biển theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới.
Riêng các tỉnh biên giới phía Bắc, Bộ Công thương đề xuất bố trí lực lượng đơn vị chức năng phân luồng, phân tuyến tại đường bộ nhằm tạo điều kiện cho hàng hóa nông sản lưu thông, điều tiết tiến độ vận chuyển, giao hàng tại khu vực biên giới.
Việc cần thiết
Ông Đỗ Phước Tống - giám đốc Công ty TNHH cơ khí Duy Khanh, kiêm chủ tịch Hội doanh nghiệp cơ khí - điện TP.HCM (HAMEE) - cho rằng đề xuất của Bộ Công thương về việc giảm giá BOT, phí cầu đường là việc làm vô cùng thiết thực với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Nếu trong thẩm quyền của Bộ Tài chính, doanh nghiệp chúng tôi rất mong được giãn thời gian đóng thuế nhập khẩu linh kiện sản phẩm trong ba tháng, cũng như giãn thời gian đóng thuế VAT.
"Nói thật doanh nghiệp giờ nhìn đâu cũng thấy khó, nên giảm được cái gì thì họ đều rất mừng. Như trong HAMEE, hầu hết các doanh nghiệp đều mong muốn ngân hàng giãn thời gian đáo hạn và không bị liệt vào danh sách nợ xấu..." - ông Tống nói.
Bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TP.HCM, cũng cho rằng các đề xuất chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp để họ yên tâm sản xuất, vượt qua giai đoạn khó khăn này là hết sức quan trọng và vô cùng cần thiết.
Với tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay, không chỉ có bộ, ngành quản lý cần đồng hành với doanh nghiệp bằng các chính sách thiết thực, mà cả lãnh đạo TP cũng hết sức quan tâm tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đề xuất giảm giá BOT, hay phí cầu đường mà Bộ Công thương đề xuất tôi nghĩ rất cần cho doanh nghiệp giai đoạn này và cả giai đoạn hậu khôi phục sản xuất tới đây.
Song song đó, việc miễn giảm các khoản thuế VAT, thuế TNdoanh nghiệp hay thuế nhập khẩu cho doanh nghiệp cần được nghiên cứu triển khai và đưa vào áp dụng sớm. Bà Chi nhấn mạnh doanh nghiệp rất cần thay đổi gói chính sách tín dụng theo hướng miễn giảm lãi suất hoặc nới lỏng các điều khoản trả nợ, điều chỉnh kỳ hạn để hỗ trợ doanh nghiệp.
Doanh thu mảng công nghiệp giảm mạnh vì COVID-19
Ngày 25-2, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM cho biết đơn vị này vừa nhận được báo cáo ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua.
Theo đó, các doanh nghiệp báo cáo doanh thu đều giảm, ước giảm khoảng 20% so với cùng kỳ 2019 (có những doanh nghiệp báo cáo giảm 40-50%). Lý do được phần lớn các doanh nghiệp nêu ra là bởi đơn đặt hàng giảm, thiếu sản phẩm cung ứng cho khách hàng, mất cơ hội kinh doanh trong khi chi phí nhân công, chi phí quản lý vẫn phát sinh, doanh nghiệp không có dòng tiền trả nợ ngân hàng.
Từ những khó khăn trên, các doanh nghiệp đã kiến nghị nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sớm khôi phục hoạt động sản xuất như áp dụng chính sách giảm lãi vay, giãn nợ với những khoản nợ đến hạn, giãn nộp thuế, được chậm nộp bảo hiểm xã hội... Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị được hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nước ngoài nhằm đa dạng hóa thị trường tiêu thụ.
N.HIỂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận