27/11/2019 09:55 GMT+7

Giao hiệu trưởng chọn sách giáo khoa: chọn xong có phải đổi theo luật mới?

VĨNH HÀ thực hiện
VĨNH HÀ thực hiện

TTO - Luật giáo dục năm 2019 sẽ có hiệu lực vào tháng 7-2020. Việc hướng dẫn chọn sách giáo khoa theo luật lúc này liệu có gây xáo trộn khi trước đó sách đã được hiệu trưởng chọn xong?

Giao hiệu trưởng chọn sách giáo khoa: chọn xong có phải đổi theo luật mới? - Ảnh 1.

Học sinh Trường tiểu học Trần Khánh Dư (Q. 1, TP.HCM) dùng sách giáo khoa Khoa học lớp 4 - Ảnh: TỰ TRUNG

Việc chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 cho chương trình giáo dục mới sẽ chưa thực hiện theo Luật giáo dục 2019 mà vẫn thực hiện theo nghị quyết 88/QH. Theo đó, quyền chọn SGK chưa phải do UBND cấp tỉnh mà đưa về các trường.

"Điểm giống nhau trong việc thực hiện theo Luật giáo dục 2019 hay nghị quyết 88/QH là ý kiến của giáo viên, cha mẹ học sinh, lãnh đạo các cơ sở giáo dục được tôn trọng".

Ông Nguyễn Xuân Thành

Chia sẻ với báo chí vào chiều tối 26-11, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, giám đốc dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (Bộ GD-ĐT) - cho biết:

- Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT theo thẩm quyền soạn thảo thông tư quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông và đang thực hiện lấy ý kiến các địa phương và nhà khoa học, dự kiến sẽ ban hành trong tháng 12 tới.

Theo Luật giáo dục 2019, tại điểm c khoản 1 điều 32 quy định "UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn". Tuy nhiên, Luật giáo dục 2019 tới tháng 7-2020 mới có hiệu lực. 

Trong khi việc lựa chọn SGK lớp 1 để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm học 2020 - 2021 phải triển khai sớm. Bộ GD-ĐT đã báo cáo Chính phủ để xin ý kiến Quốc hội cho phép thực hiện điểm c, khoản 1, điều 32 từ 1-1-2020. 

Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội lần thứ 11 vào chiều 26-11, các đại biểu Quốc hội ủng hộ việc cần có thời gian để lựa chọn SGK, chuẩn bị in ấn, phát hành, phục vụ tập huấn giáo viên để triển khai SGK lớp 1 trong năm học 2020 - 2021.

Nhưng xét về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong quy định pháp luật, đề xuất của Chính phủ ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện điểm c khoản 1 điều 32 của luật chưa phù hợp với hiệu lực thi hành của Luật giáo dục (sửa đổi) từ 1-7-2020.

Các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ tuân thủ nghị quyết 88/2014/QH13, nghị quyết 51/2017/QH14, Luật giáo dục (sửa đổi), Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, Bộ GD-ĐT phải dự thảo thông tư hướng dẫn chọn sách giáo khoa lớp 1 theo quy định tại nghị quyết 88.

* Điều chỉnh này có làm thay đổi lớn trong việc chọn SGK ở địa phương không? Giữa hai quy định của luật 2019 và nghị quyết 88 có những điểm giống và khác nhau thế nào?

- Theo Luật giáo dục 2019 thì "UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn". Còn theo nghị quyết 88/QH thì "cơ sở giáo dục có thẩm quyền lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh". Đây là điểm khác biệt cơ bản. Nhưng giữa hai hướng triển khai sẽ vẫn có những điểm thống nhất mang tính nguyên tắc.

Trường hợp thực hiện theo Luật giáo dục giao thẩm quyền cho UBND tỉnh chọn SGK, thông tư hướng dẫn của Bộ GD-ĐT vẫn quy định cụ thể thành phần tham gia hội đồng chọn SGK. Trong đó các thành phần là lãnh đạo sở GD-ĐT, các phòng chức năng của sở GD-ĐT chỉ có tối đa 1/3 số người trong tổng số thành viên hội đồng. Số còn lại sẽ là giáo viên trực tiếp đứng lớp. 

Dự thảo cũng quy định các hội đồng phải tham khảo các kênh phản ánh, đóng góp ý kiến trong việc chọn SGK. Mỗi giáo viên tham gia hội đồng cũng phải có trách nhiệm tập hợp ý kiến của giáo viên, phụ huynh trong phạm vi trường và cộng đồng dân cư để làm cơ sở cho việc chọn SGK...

Trường hợp thực hiện theo nghị quyết 88/QH, việc chọn SGK được đưa về các nhà trường, thành viên của hội đồng chọn SGK cũng sẽ được quy định cụ thể, trong đó hiệu trưởng là người quyết định. Thành viên hội đồng có các hiệu phó, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên và cha mẹ học sinh.

* Trước đây, dư luận từng lo ngại việc chọn sách giáo khoa đưa về cấp trường sẽ bị loạn do năng lực của mỗi hiệu trưởng, giáo viên ở các trường khác nhau. Học sinh chuyển trường, tham gia các kỳ thi chung trong trường hợp học SGK khác nhau sẽ gặp khó khăn. Ông có giải thích gì về việc này?

- Điểm mới trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới là quản lý dạy học, kiểm tra đánh giá theo chương trình giáo dục thống nhất trên cả nước. SGK chỉ là phương tiện dạy học, đảm bảo mục tiêu cần đạt của chương trình. Vì thế dùng SGK nào cũng sẽ không ảnh hưởng khi học sinh chuyển trường hay kiểm tra, đánh giá trong các kỳ thi chung.

Bên cạnh đó, việc biên soạn SGK đều phải đảm bảo các yêu cầu và bám sát chương trình, được hội đồng thẩm định quốc gia đánh giá đạt và được bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt. Các bộ SGK được thẩm định đều biên soạn theo hướng mở. 

Trong mỗi bộ SGK cũng có thể có các ngữ liệu khác nhau, tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh lựa chọn ngữ liệu phù hợp, phục vụ mục tiêu bài học. Những điểm mới này sẽ được Bộ GD-ĐT triển khai tập huấn kỹ cho giáo viên trong các môđun về phương pháp dạy học, sử dụng học liệu, thiết bị dạy học.

* Luật giáo dục năm 2019 sẽ có hiệu lực vào tháng 7-2020. Vậy việc hướng dẫn chọn SGK theo luật liệu có gây xáo trộn trong việc chọn sách không?

- Trong khi chờ ý kiến để đảm bảo tính pháp lý trong việc ban hành thông tư hướng dẫn chọn sách giáo khoa, Bộ GD-ĐT cũng đã nghiên cứu kỹ các yêu cầu trong triển khai chương trình cũng như điều kiện thực tế để nếu thực hiện theo nghị quyết 88/QH thì sẽ có sự kế thừa, chuyển tiếp khi điều chỉnh quy định theo Luật giáo dục.

Theo đó, khi thực hiện chọn SGK theo quy định của Luật giáo dục 2019, sẽ phải tôn trọng kết quả chọn SGK đã được thực hiện theo quy định của nghị quyết 88/QH, trừ khi các cơ sở giáo dục, giáo viên có ý kiến muốn thay đổi phương án lựa chọn.

Sẽ giao quyền cho các trường chọn sách giáo khoa lớp 1 Sẽ giao quyền cho các trường chọn sách giáo khoa lớp 1

TTO - Tối 26-11, Bộ GD-ĐT vừa xác nhận việc chọn sách giáo khoa để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chưa thực hiện theo Luật giáo dục 2019 mà vẫn theo nghị quyết 88/QH.

VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên