23/11/2019 11:50 GMT+7

Chọn sách giáo khoa thế nào để tránh lợi ích nhóm?

CHU HỒNG VÂN thực hiện
CHU HỒNG VÂN thực hiện

TTO - Chọn sách giáo khoa, sử dụng sách như thế nào và liệu có nảy sinh tình trạng lợi ích nhóm khi lần đầu tiên triển khai 'một chương trình, nhiều sách giáo khoa'?

Chọn sách giáo khoa thế nào để tránh lợi ích nhóm? - Ảnh 1.

Thay đổi quan điểm sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo sẽ nhẹ nhàng hơn với giáo viên, phụ huynh, học sinh - Ảnh: T.L.

TS Phạm Tất Thắng - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - chia sẻ với Tuổi Trẻ:

- Khi suy nghĩ sách giáo khoa (SGK) được xem như "pháp lệnh" chưa thay đổi thì việc chọn SGK trong bối cảnh "nhiều SGK" sẽ vẫn chịu những áp lực. Tôi cho rằng việc cần quan tâm làm trong lúc này là tuyên truyền về việc thay đổi bản chất trong sử dụng SGK. Khi việc này được hiểu đúng thì việc chọn SGK sẽ giảm bớt căng thẳng. 

Bây giờ khi cách nghĩ về sử dụng SGK chưa thay đổi kịp thì tâm lý chung ở nhiều địa phương là chỉ chọn 1 bộ SGK, lo lắng nhiều bộ sẽ khó dạy, khó cho thi cử... Nhưng sau này khi đã thay đổi được cách nghĩ cũ, việc lựa chọn sử dụng SGK sẽ linh hoạt hơn tùy theo tình hình thực tế và sự chủ động, sáng tạo của giáo viên.

* Khi mới bắt đầu thực hiện "nhiều SGK", theo ông, hướng dẫn về việc chọn sách phải xây dựng thế nào để đạt được tinh thần đa dạng hóa tài liệu dạy học, khích lệ được việc xã hội hóa trong xuất bản SGK, có lợi cho người học?

- Theo Luật giáo dục 2019 thì sẽ giao cho UBND cấp tỉnh quyết định việc chọn SGK. Các tỉnh có thể tùy theo tình hình thực tế tổ chức chọn SGK theo các cách khác nhau nhưng cần có các hình thức để trưng cầu ý kiến giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh, cân nhắc đến tính phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện dạy học. 

Quá trình thực hiện phải công khai, minh bạch. Trong trường hợp mỗi tỉnh, thành chỉ chọn 1 bộ thì tôi vẫn nghĩ tính đa dạng hóa SGK là có, so với cơ chế độc quyền hiện nay. Chưa kể chương trình mới thiết kế mở và có phần giáo dục địa phương cho phép các nhà trường có thể đưa nội dung giáo dục phù hợp với đặc thù mỗi vùng miền vào dạy học.

Chọn sách giáo khoa thế nào để tránh lợi ích nhóm? - Ảnh 2.

TS Phạm Tất Thắng

* Nhưng nếu xu thế "chọn 1 bộ" được nhiều tỉnh theo thì có thể sẽ xảy ra cạnh tranh khốc liệt và xuất hiện tình trạng lợi ích nhóm trong việc chọn SGK. Phải làm gì để ngăn chặn nếu có tình trạng vi phạm Luật cạnh tranh và lợi ích nhóm?

- Đó chỉ là giả định nên sẽ khó nói cụ thể. Về nguyên tắc, các địa phương phải thực hiện đúng thông tư hướng dẫn chọn SGK và cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm giám sát quá trình tổ chức chọn sách, tập huấn sử dụng sách... Những vấn đề tiêu cực, nếu có bằng chứng rõ ràng sẽ phải xử lý theo quy định của pháp luật. 

Tuy nhiên, khi SGK không còn độc quyền mà được xã hội hóa thì tôi tin về lâu dài, những bộ SGK thực sự có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu giáo dục tốt nhất sẽ có ưu thế trong việc chọn sách.

Nên công bố biên bản thẩm định

"Tôi nghĩ việc công bố biên bản thẩm định SGK là rất nên vì người sử dụng SGK cũng cần biết đánh giá của hội đồng thẩm định, cần xem SGK của các tác giả, đơn vị xuất bản có ưu, nhược điểm gì, có đặc trưng thế nào thì mới có thông tin để chọn sách nào phù hợp.

Tuy nhiên, việc công bố bản mẫu ở dạng file mềm thì phải cân nhắc vì còn liên quan tới vấn đề bản quyền, kế hoạch kinh doanh của đơn vị xuất bản sách". (TS Phạm Tất Thắng)

Phải công khai quy trình chọn sách giáo khoa Phải công khai quy trình chọn sách giáo khoa

TTO - Cuộc họp báo công bố quyết định phê duyệt sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT chủ trì chiều 22-11 kéo dài 90 phút nhưng vẫn không thỏa mãn được nhiều câu hỏi của báo chí về vấn đề đang rất nóng: thẩm định, lựa chọn sử dụng và chất lượng SGK.

CHU HỒNG VÂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên