Trong siêu thị tại thủ đô Berlin, Đức - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, chỉ số giá lương thực của FAO (FFPI) trong tháng 3 là 159,3 điểm, tăng so với con số 141,4 điểm hồi tháng 2. FFPI là chỉ số FAO dùng để theo dõi giá quốc tế theo tháng của một số mặt hàng.
Cụ thể, chỉ số giá ngũ cốc của FAO tăng 17% trong tháng 3, đạt mức cao kỷ lục, trong khi chỉ số giá dầu thực vật tăng 23%, cũng là mức tăng chưa từng có.
FAO cho biết giá đường và các sản phẩm từ sữa cũng tăng mạnh trong tháng 3.
Nga và Ukraine là những nhà xuất khẩu lớn các mặt hàng như lúa mì, ngô, lúa mạch và dầu hướng dương qua biển Đen. Chiến dịch quân sự dài 6 tuần qua của Nga tại Ukraine đã khiến xuất khẩu của Kiev bị đình trệ.
Tháng 3 vừa qua, FAO cho biết giá lương thực và thực phẩm có thể tăng tới 20% do cuộc xung đột tại Ukraine, làm gia tăng tình trạng suy dinh dưỡng trên thế giới.
Giá lương thực cao hơn góp phần làm tăng lạm phát trên diện rộng khi các nền kinh tế đang phục hồi sau cuộc khủng hoảng COVID-19.
FAO cũng cảnh báo giá lương thực cao hơn đang khiến người dân nghèo gặp khó khăn hơn ở các nước phụ thuộc vào nhập khẩu.
Ngoài ra, ngày 8-4, FAO cũng hạ mức dự báo sản lượng lúa mì toàn cầu trong năm 2022, từ 790 triệu tấn trong tháng 3 xuống còn 784 triệu tấn do lo ngại ít nhất 20% khu vực trồng trọt vụ đông của Ukraine sẽ không thể thu hoạch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận