Việc EU thúc đẩy tiến trình gia nhập của Moldova và Ukraine khiến giới quan sát dồn sự tập trung vào phản ứng từ phía Nga, trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây xuống mức rất thấp vì cuộc xung đột ở Ukraine.
EU đàm phán tư cách thành viên Ukraine và Moldova
Các cuộc đàm phán này sẽ bắt đầu vào thứ ba tuần sau (25-6) tại Luxembourg, thông qua hai hội nghị liên chính phủ được EU tổ chức riêng biệt với Ukraine và Moldova.
Cả Moldova và Ukraine đều nộp đơn gia nhập EU từ năm 2022, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.
Theo báo Politico, việc mở đàm phán lần này là bước đi tiếp theo trên một con đường hứa hẹn khó khăn và mất thời gian nhiều năm tiến tới kết nạp chính thức.
Quyết định khởi động đàm phán của EU được đưa ra hai tuần sau khi thông báo Ukraine và Moldova đã đáp ứng các điều kiện cần thiết.
EU được cho đã gấp rút khởi động các đàm phán này trong tháng 6, trước khi Hungary đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU vào tháng 7. Tại EU, Hungary nằm trong số các quốc gia có quan điểm khác biệt với phần còn lại về nhiều vấn đề, trong đó gồm vấn đề Ukraine.
Lãnh đạo Ukraine và Moldova đều ca ngợi quyết định của EU. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gọi đây là "bước đi lịch sử", trong khi Tổng thống Moldova Maia Sandu khẳng định "việc trở thành thành viên EU là con đường tiến tới hòa bình và thịnh vượng của chúng tôi, cũng như tiến tới một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người dân".
Cạnh tranh ảnh hưởng từ Ukraine tới Moldova
Cũng như Ukraine, Moldova được xem là một phần trong "vùng đệm" giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Sự cạnh tranh sức ảnh hưởng tại các quốc gia này càng mạnh mẽ hơn khi Nga và NATO có những hành động quyết đoán.
Việc hai nước trên muốn gia nhập EU được nhiều người đánh giá là hậu quả dành cho Nga, một chiều hướng "cô lập" nhất định sau khi chiến dịch quân sự ở Ukraine khởi động. Chính quyền thân phương Tây của Ukraine và Moldova càng có cớ để ngả về châu Âu hơn.
Khi được hỏi về việc "Moldova muốn thoát khỏi quỹ đạo Nga", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng việc gia nhập EU tiềm tàng của Moldova là vấn đề riêng tư, là quyết định mang tính chủ quyền của Moldova. Tuy nhiên, ông lưu ý hiện còn nhiều người Moldova cũng muốn thấy nước này có mối quan hệ thân thiết với Nga.
Theo ông Peskov, Moldova đồng thời cũng có cơ hội để phát triển theo những chiều hướng khác. Ông cáo buộc giới lãnh đạo Moldova đã mắc sai lầm khi loại trừ các lựa chọn đó.
"Chúng tôi hiểu rằng rất nhiều người ở quốc gia này tin họ nên phát triển theo mọi chiều hướng, và rằng lợi ích tương lai của đất nước họ không thể chỉ kết nối với EU, mà còn với những thị trường hứa hẹn như Liên bang Nga, cũng như với tiến trình hội nhập trên lãnh thổ Liên Xô cũ", vị này nói.
Từ nhiều thập niên qua, Moldova - nơi có cộng đồng đa số nói tiếng Romania và một lượng đáng kể dân số nói tiếng Nga - đã liên tục chứng kiến đấu tranh nội bộ của các đảng thân phương Tây và thân Nga.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận