Các bác sĩ đang đặt nội khí quản cho bệnh nhân - Ảnh: Nam Phương Đô Thị Báo
Các bác sĩ đều biết bệnh nhân COVID-19 nguy hiểm nhất là ở khoang miệng, khi họ mở miệng sẽ có nguy cơ bắn các dịch mang virus.
Những bác sĩ đặt nội khí quản trở thành người tiếp xúc nguồn lây nhiễm nguy hiểm với khoảng cách gần nhất, chỉ cách 10cm, 20cm hoặc 30cm nên khả năng lây nhiễm rất cao. Một công việc đòi hỏi phải có sự chính xác, cẩn thận, nhanh nhẹn và cả lòng dũng khí.
Trong đó, những bác sĩ gây mê phụ trách việc đặt nội khí quản cho bệnh nhân COVID-19, công việc của họ là giành sự sống trong gang tấc cho bệnh nhân.
Công việc nguy hiểm
Khi bệnh nhân được chỉ định đặt nội khí quản, chứng tỏ bệnh tình của họ đã rất nghiêm trọng, có thể xấu đi bất cứ lúc nào và cũng có thể ra đi bất cứ lúc nào. Vì vậy, chính xác các bác sĩ đặt nội khí quản chính là đội cảm tử giành giật sự sống cho bệnh nhân.
"Dù khẩu trang N95 có thể lọc 95% virus, nhưng chỉ cần có một lỗ hổng để virus xâm nhập thì 5% còn lại cũng coi như 100%", bác sĩ Vương Gia Phương chia sẻ trên tờ Thanh Niên Trung Quốc.
Làm việc trong ngành y 19 năm, đặt nội khí quản cho hơn 10.000 bệnh nhân, nhưng đồng nghiệp của bác sĩ Phương vẫn căng thẳng, lòng bàn tay đổ mồ hôi và hơi run nhẹ khi thực hiện.
Những ca COVID-19 cần đặt nội khí quản đều là những ca bệnh nặng, tuổi 50-80, với nhiều bệnh nền như cao huyết áp, tiểu đường… Do sự tấn công của con virus corona, chức năng tim phổi đã tổn thương, mọi tác động dù nhỏ khi đặt ống cũng có thể khiến bệnh tình bệnh nhân trở nặng.
Khi đặt nội khí quản cho bệnh nhân, có thể xảy ra biến chứng khiến họ hạ huyết áp bất ngờ, thậm chí tim ngừng đập. Vì vậy, Bệnh viện số 1 Vũ Hán phải lập quy trình đặt nội khí quản thống nhất cho nhân viên.
Ngày thường, yêu cầu 5 phút sau bác sĩ đặt nội khí quản phải có mặt khi nhận được lệnh. Giờ thời gian kéo dài thành 30 phút để bác sĩ mặc đồ bảo hộ. Quần áo bảo hộ của bác sĩ đặt nội khí quản là bộ đồ được bảo hộ nghiêm ngặt nhất.
Ngoài quần áo bảo hộ, kiếng, khẩu trang, 3 đôi găng tay, họ còn được trang bị một chụp đầu bảo hộ.
Bác sĩ bôi kem chống bám hơi nước lên kính bảo hộ - Ảnh: CHINADAILY
Theo tờ Sở Thiên Đô Thị Báo, khu phòng bệnh Quang Cốc, Bệnh viện Đồng Tế, Đại học công nghệ Hoa Trung thành lập hẳn một đội bác sĩ đặt nội khí quản, tập hợp 18 bác sĩ gây mê đến từ các bệnh viện khác nhau.
Trong vòng 8 ngày, "đội cảm tử" này đã đặt nội khí quản thành công cho 50 bệnh nhân.
Có hôm, 2 bác sĩ vào trực ở phòng chăm sóc đặc biệt, liên tục làm việc 6 giờ đặt nội khí quản cho 6 bệnh nhân. Họ vừa cởi bỏ bộ đồ bảo hộ, lại nhận được lệnh có bệnh nhân cần đặt nội khí quản. Đội bác sĩ gây mê ca sau vừa vào đã lập tức phải vào phòng làm nhiệm vụ.
Chia sẻ với Đài phát thanh Trung Quốc, Hàn Dụ Quyền, bác sĩ phụ trách việc đặt nội khí quản ở Bệnh viện Nhân dân III Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, cho biết đang đặt ống, nếu bệnh nhân bị sặc sẽ có dịch phun ra, những khẩu trang bảo hộ bình thường hầu như không tác dụng.
Khi đặt nội khí quản, nếu quá 90 giây, bệnh nhân sẽ có nguy cơ sốc hay tử vong. 90 giây đó cũng là thời gian lây nhiễm bệnh cao nhất đối với bác sĩ.
Bác sĩ khử trùng sau khi hoàn thành nhiệm vụ - Ảnh: CHINADAILY
Sự cố hi hữu
Khi tiến hành đặt nội khí quản cho bệnh nhân, gặp trường hợp bệnh nhân có nhiều đờm, bác sĩ phải sử dụng máy hút đờm. Lần đó, bác sĩ Lưu Vũ Phong chỉ còn 5, 6 giây để hoàn thành việc đặt ống. Lúc đặt ống xong, anh gần như kiệt sức.
Bác sĩ Vương Nam cho biết khi đặt nội khí quản cho bệnh nhân, cô phát hiện nhịp tim bệnh nhân đột nhiên giảm còn 30 lần. Tình huống nguy cấp, bác sĩ Nam vội ấn tim cho bệnh nhân. 2 phút sau, cùng với tác dụng của thuốc nhịp tim bệnh nhân trở lại bình thường.
Biết chuyện, bác sĩ trưởng ca vội kêu bác sĩ Nam kiểm tra xem áo bảo hộ có bị rách vì hoạt động mạnh không vì cô có khả năng lây nhiễm cao khi tiếp xúc quá gần.
Bác sĩ thực hiện đặt nội khí quản cho bệnh nhân - Ảnh: CHINADAILY
Ngày đầu bác sĩ Thích Trung trực phòng chăm sóc đặt biệt cũng xảy ra sự cố. Một bệnh nhân 60 tuổi sau khi đặt nội khí quản đột nhiên ho, ống bị rơi ra.
Mặc đồ bảo hộ xong, bác sĩ Trung chạy đến phòng bệnh thì đã thấy bác sĩ trực phòng đang cầm mặt nạ máy thở đứng bên giường giúp bệnh nhân hô hấp.
Bác sĩ Trung vội kêu bác sĩ trực đi thay đồ và khử trùng ngay vì bác sĩ này chỉ mặc quần áo bảo hộ thông thường. Bệnh nhân hôm ấy được cứu sống chính nhờ bác sĩ trực phòng.
Nhiều bệnh nhân sau khi đặt nội khí quản được bác sĩ tích cực chữa trị, bệnh tình chuyển biến tốt và rút nội khí quản, khả năng bình phục rất cao. Các bác sĩ cảm tử đều rất vui mừng vì điều đó.
Họ là những người giữ lại tia hi vọng được sống tiếp cho bệnh nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận