
Nhóm trẻ mẫu giáo đã gần như ít được chú ý đến những thay đổi do đại dịch COVID-19 gây ra ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức và xã hội của chúng - Ảnh: Earth.com
Kỹ năng nhận thức của trẻ mẫu giáo giảm mạnh
Dường như ít ai chú ý đến những thay đổi có thể ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức và xã hội của nhóm trẻ mẫu giáo như thế nào trong đại dịch. Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học UC Merced (Mỹ) do giáo sư tâm lý học phát triển Rose Scott dẫn đầu đã thu thập dữ liệu về kỹ năng nhận thức của trẻ trước khi đại dịch xảy ra.
Họ tiếp tục thử nghiệm sau khi lệnh phong tỏa do đại dịch COVID-19 kết thúc, và nhận thấy điều đáng báo động. "Thật đáng kinh ngạc khi thấy sự sụt giảm trong khả năng của trẻ", giáo sư Scott cho biết.
Dẫn chứng, giáo sư này nói, trong một bài kiểm tra tại phòng thí nghiệm nếu trước đại dịch trẻ 2,5 tuổi có thể vượt qua nhưng ngay sau đợt phong tỏa, ngay cả những đứa trẻ 5 tuổi còn không thể làm được bài tương tự.
Suy giảm kỹ năng đầu đời, trẻ gặp khó khăn trong học tập và tương tác xã hội
Sự suy giảm bất ngờ này buộc nhóm nghiên cứu tìm hiểu sâu hơn và phát hiện ra khoảng cách đáng kể trong một kỹ năng nhận thức quan trọng ở trẻ từ 3,5 - 5,5 tuổi, đặc biệt là những trẻ đến từ các gia đình có điều kiện kinh tế thấp.
Trọng tâm nghiên cứu là khái niệm về hiểu niềm tin sai lầm, một bước quan trọng phân biệt giữa suy nghĩ và thực tế, đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy sự hợp tác, giao tiếp và học hỏi. Ví dụ, việc hiểu rằng người khác có thể không biết điều mà bản thân mình biết giúp trẻ tương tác xã hội hiệu quả hơn. Nếu thiếu kỹ năng này, những nhiệm vụ như chia sẻ, choàng gánh hoặc giải quyết xung đột trở nên khó khăn hơn nhiều.
Nghiên cứu hiện tại cho thấy kỹ năng này phát triển đáng kể trong năm năm đầu đời của trẻ. Nếu bị chậm phát triển trong lĩnh vực này, trẻ có thể gặp khó khăn trong các mối quan hệ với bạn bè và các nhiệm vụ học tập về sau.
"Bạn hãy nghĩ về những gì một đứa trẻ cần làm để tương tác với người khác trong lớp học. Chúng muốn có bạn bè, nhưng phải biết đặt mình vào vị trí của người khác để có thể giao tiếp hiệu quả", giáo sư Scott giải thích.
Nhà nghèo, trẻ càng khó
Nghiên cứu ban đầu gồm 94 trẻ em. Mỗi trẻ tham gia ba bài kiểm tra về niềm tin sai lầm. Kết quả, trước đại dịch COVID-19 có 80% trẻ 5 tuổi vượt qua bài kiểm tra này.
Nhưng sau đợt phong tỏa, tỉ lệ thành công giảm xuống còn 63%.
Đối với trẻ từ các gia đình có điều kiện kinh tế thấp, kết quả này còn đáng lo ngại hơn khi chỉ 51% số trẻ vượt qua mà gần như tương đương với đoán ngẫu nhiên là chính.
Để đảm bảo so sánh chính xác, nhóm nghiên cứu cũng đánh giá kỹ năng ngôn ngữ của trẻ và đo lường tình trạng kinh tế - xã hội của gia đình dựa trên thu nhập của hộ gia đình và trình độ học vấn của cha mẹ.
Kết quả cho thấy một xu hướng rõ ràng rằng trẻ từ các gia đình có thu nhập thấp bị suy giảm đáng kể về khả năng nhận thức, trong khi trẻ từ các gia đình khá giả ít bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa hơn.
Mặc dù nghiên cứu chưa đưa ra câu trả lời chính xác, giáo sư Scott đã đề xuất một số giả thuyết. Với những gia đình có ít nguồn lực hơn, căng thẳng tài chính hoặc vấn đề sức khỏe tâm lý có thể làm giảm cơ hội tương tác có ý nghĩa giữa cha mẹ và con cái.
Ngoài ra, trẻ trong những gia đình này có thể đã dành nhiều thời gian hơn để làm bạn một cách thụ động với các thiết bị điện tử - một hoạt động có liên quan đến sự suy giảm khả năng hiểu niềm tin sai lầm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận